Bốn quy luật thành công của người giàu

Vy Trang (Theo aboluowang)/ VNExpress

Hoa sen cần 30 ngày để nở đầy ao. Nếu từ bỏ từ ngày thứ 29, nhiều người chỉ cách thành công vài bước. Ảnh minh họa: aboluowang.

Bài viết mượn hình ảnh “hoa sen cần 30 ngày mới nở đầy ao” để nói về một trong những chìa khóa thành công nằm ở tính kiên trì theo đuổi đến cùng mục tiêu. Để làm được điều này, cần có bản lĩnh cứng rắn, không ngại đối mặt khó khăn, không dễ dàng bỏ cuộc.


Thành công không đến từ may mắn. Thành công là kết quả của cả một quá trình nỗ lực, đầu tư về cả trí tuệ lẫn công sức.

Bên cạnh đó, có những quy tắc giúp con người dễ dàng hơn trong việc đạt tới thành công. Dưới đây là bốn bí quyết.

1. Quy luật lãi kép: Bền bỉ và tích lũy

Một tờ giấy thông thường có độ dày khoảng 0,04 mm. Nếu gấp đôi liên tiếp 64 lần, tờ giấy sẽ có độ dày bao nhiêu? Kết quả thật đáng giật mình, khối giấy sẽ cao 1.660.206.960 km, trong khi khoảng cách từ Trái đất đến Mặt trăng chỉ là 384.000 km.

Giả sử mỗi ngày số hoa sen trong ao nở gấp đôi so với hôm trước. Vào ngày thứ 30, hoa sen sẽ nở đầy ao. Vậy câu hỏi đặt ra: Ngày thứ bao nhiêu, hoa sen nở được nửa ao? Đó là ngày thứ 29. Đến ngày này hoa sen mới lấp đầy nửa ao, điều này cũng có nghĩa ngày thứ 30 có tốc độ nở nhanh nhất, bằng tổng của 29 ngày trước đó.

Đây là sức mạnh của tư duy lãi kép. Bản chất của vấn đề chính là nếu bạn làm điều A sẽ có kết quả B, và kết quả B sẽ lần lượt củng cố A, tiếp tục tuần hoàn như vậy.

Đời người cũng giống như hoa sen trong ao. Nhiều người dù đã rất cố gắng nhưng lại buồn chán và có thể bỏ cuộc vào ngày thứ 9, 19, thậm chí 29. Thời điểm mà bạn muốn bỏ cuộc thường chỉ cách thành công vài bước. Nói cách khác, chìa khóa thành công chính là sự kiên trì.

Vì vậy, nếu có ước mơ, trước tiên phải theo đuổi nó tới cùng, và kiên định thực hiện. Chỉ có như thế, chúng ta mới có được những thành tựu to lớn.

2. Quy luật cây tre: Chịu được mài giũa

Phải mất bốn năm cây tre mới phát triển được 3 cm. Từ năm thứ năm, nó phát triển mạnh mẽ với tốc độ 30 cm mỗi ngày và chỉ mất sáu tuần để đạt 15 m. Thực tế, 4 năm đầu, tre đã cắm rễ sâu vào lòng đất, xuống những tầng sâu nhất, hấp thụ nguồn dinh dưỡng dồi dào và chuẩn bị cho sự phát triển mạnh mẽ sau này.

Con người cũng vậy, cuộc sống cần những nguồn dự trữ để tạo đà cho tương lai. Đừng lo lắng khi những nỗ lực của bạn thời điểm này chưa có kết quả, bởi nó mới đang “bén rễ”, nhằm tích tụ năng lượng tạo đà cho những bước nhảy vọt sau này.

Cuộc sống thật đáng giá nếu bạn chịu được sự mài giũa, gánh vác trách nhiệm và sứ mệnh của mình. Đừng vì ánh hào quang của người khác mà ghen tị bởi họ đã đánh đổi nhiều hơn bạn mà thôi.

3. Quy luật ve sầu: Chịu được sự cô đơn

Ve sầu sống dưới lòng đất tối tăm trong 3 năm, có loài còn sống 17 năm, chịu đựng sự cô đơn, lớn lên nhờ hút nhựa cây mà sống. Rồi một ngày mùa hạ chúng bừng tỉnh, lột xác trỗi dậy sau nhiều năm ngủ vùi, bắt đầu dang rộng đôi cánh khỏe mạnh, tự do vẫy vùng giữa không gian rộng lớn.

Đây được gọi là định luật ve sầu: Càng đến gần thành công, khó khăn càng nhiều thì càng phải kiên trì. Muốn khao khát một tương lai tươi sáng, phải biết chịu đựng sự cô đơn và cần bền bỉ đến cùng.

Nếu muốn có một sự nghiệp rạng rỡ ở tương lai, bạn phải bắt đầu từ những điều giản đơn. Quan trọng là không bao giờ được bỏ cuộc giữa chừng, phải kiên trì nỗ lực hết mình. Sau quá trình dài tích lũy, tích tiểu thành đại, mọi việc ắt sẽ thành công.

4. Quy luật cửa sổ vỡ: Hãy nghiêm khắc với bản thân và đừng bao giờ gục ngã

Năm 1969 nhà tâm lý học Philip Zimbardo của Đại học Stanford (Mỹ) tiến hành một cuộc thử nghiệm. Ông bỏ hai chiếc ôtô hỏng và không có biển số lần lượt tại khu dân cư có thu nhập thấp thuộc quận Bronx, New York và khu dân cư giàu có tại thành phố Palo Alto, bang California. Chỉ trong 24 giờ, chiếc xe tại quận Bronx bị đập vỡ cửa kính và trộm hết phụ tùng. Ngược lại, chiếc xe tại thành phố Palo Alto vẫn nguyên vẹn trong hơn một tuần. Chỉ sau khi Zimbardo dùng búa tạ đập xe, một số người mới hùa theo. Đa số kẻ phá hoại ở cả hai thành phố được mô tả là “ăn mặc lịch sự, mặt mũi sáng sủa”.

Nhưng những gì diễn ra tiếp theo mới rất thú vị.

Hiệu ứng cửa sổ vỡ chứng minh chân lý: Ban đầu chỉ là vấn đề nhỏ, nhưng nếu không kịp thời khắc phục, vấn đề sẽ ngày càng lớn và hậu quả trở nên nghiêm trọng. Ảnh minh họa: Phys.org.
Hiệu ứng cửa sổ vỡ chứng minh chân lý: Ban đầu chỉ là vấn đề nhỏ, nhưng nếu không kịp thời khắc phục, vấn đề sẽ ngày càng lớn và hậu quả trở nên nghiêm trọng. Ảnh minh họa: Phys.org.

Năm 1982, nhiều năm sau thí nghiệm của Zimbardo, kết quả trên được nhắc lại trong bài viết đăng trên tạp chí The Atlantic của nhà khoa học xã hội George Kelling. Lần đầu tiên người này nhắc tới lý thuyết “Hiệu ứng cửa sổ vỡ”.

Nếu ai đó làm vỡ kính cửa sổ của một tòa nhà và không sửa chữa kịp thời thì kính cửa sổ sẽ bị vỡ nhiều hơn. Nguyên nhân là khi nhìn thấy cửa sổ vỡ, những kẻ phá hoại sẽ có xu hướng tiếp tục phá các ô cửa sổ khác.

Lý thuyết này thực sự rất dễ hiểu. Ví dụ hành lang vốn dĩ rất sạch sẽ, nhưng nếu ai đó ném túi rác vào góc tường và không được dọn dẹp kịp thời, một vài túi rác sẽ sớm trở thành bãi rác lớn. Lâu dần hành lang sẽ trở thành nơi tập kết rác và trở nên hôi hám, bẩn thỉu. Đây chính là “Hiệu ứng cửa sổ vỡ”. Ban đầu chỉ là vấn đề nhỏ, nhưng nếu không kịp thời khắc phục, vấn đề sẽ ngày càng lớn và hậu quả trở nên nghiêm trọng.

Lý thuyết trên tưởng chỉ dành cho phân tích tâm lý tội phạm nhưng lại có quan hệ chặt chẽ đến kỷ luật và sự tăng trưởng của bản thân mỗi người.

Thành công trong sự nghiệp cũng là quy luật. Bạn sẽ lười biếng hôm nay và ngày mai, mặc dù có vẻ không phải vấn đề lớn nhưng về lâu dài bạn sẽ trở thành người cực kỳ lười nhác.

Có một câu nói: “Bạn sống một ngày thế nào thì cả đời sẽ sống như thế”. Lười biếng và buông thả trong một ngày tương đương việc bạn phá vỡ một lỗ nhỏ trên ô cửa sổ. Nếu không kịp nhận ra sự nghiêm trọng của việc này và chấn chỉnh lại, cuộc sống sẽ ngày càng xuất hiện nhiều “lỗ hổng” và cuối cùng bạn sẽ mang trên mình đầy mảnh vỡ.

Nếu như ban đầu bạn không kiểm soát được một vài ham muốn nhỏ, thỏa hiệp một chút, coi thường vài căn bệnh vặt vãnh,… cuối cùng nó sẽ biến thành rất lớn, thậm chí không thể kiểm soát được nữa.

Nguồn: https://vnexpress.net/bon-quy-luat-thanh-cong-cua-nguoi-giau-4435307.html

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *