Dũng Nguyễn/ Báo TBKTSG
Giải phóng nguồn vốn từ cổ phần hóa công ty nhà nước, tập trung vốn cho cơ sở hạ tầng, cải thiện thủ tục thuế quan và hành chính và đối diện với sự đánh đổi về môi trường là những thách thức mà nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt, dù kết quả tăng trưởng năm 2020 đạt nhiều thuận lợi trong bối cảnh kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19
Giữ đà tăng trưởng tốt trong đại dịch
Mặc dù đứng trước những trở ngại do đại dịch Covid-19 gây ra, Việt Nam vẫn ghi nhận mức tăng trưởng GDP 1,8% trong nửa đầu năm nay, và là một trong số những quốc gia hiếm hoi trên thế giới duy trì được đà tăng trưởng kinh tế. Còn lạm phát bình quân 11 tháng vừa qua tiếp tục được kiểm soát với mức tăng 3,51% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mục tiêu bình quân dưới 4% mà Quốc hội đề ra.
Các dự báo tăng trưởng cho Việt Nam ngày càng trở nên lạc quan hơn. Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF đưa ra dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2020 là 2,4% và nhận định Việt Nam là một trong bốn nền kinh tế thế giới có chỉ số GDP bình quân đầu người tăng trưởng, bên cạnh Đài Loan, Ai Cập và Trung Quốc.
Tương tự, Khối Nghiên cứu Kinh tế Toàn cầu HSBC dự báo kinh tế Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 2,6% trong năm 2020, từ đó tạo đà phát triển để đạt mức 8,1% trong năm 2021. Mặc dù tốc độ tăng trưởng của 2020 có thể nói là thấp nhất trong nhiều năm, Việt Nam là quốc gia duy nhất tại ASEAN có tăng trưởng dương năm nay.
“Thành tựu này đạt được nhờ vào những nỗ lực của Chính phủ trong việc kiểm soát dịch bệnh và ngay cả khi đôi lần dịch bùng phát trở lại làm ảnh hưởng đến đất nước”, ông Tim Evans, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam đánh giá.
Trong năm 2020, động lực cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam tiếp tục là khu vực chế biến chế tạo và xuất khẩu cùng với đầu tư trực tiếp nước ngoài. Các chỉ số của tháng 11 cho thấy Việt Nam đang trên đà phục hồi kinh tế vững chắc. Sản xuất lần đầu tăng trưởng hai con số kể từ đầu mùa dịch, trong khi xuất khẩu tiếp tục tỏa sáng do các đơn hàng về điện tử.
Một điểm sáng cho kinh tế Việt Nam năm 2020 là sự kiên định trong việc theo đuổi chính sách hội nhập của Chính phủ thể hiện ở việc ký kết Biên bản kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam Anh quốc (UKVFTA) vào ngày 11-12, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực vào tháng 8 và việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vào tháng 11.
Việt Nam được kỳ vọng sẽ kết thúc năm 2020 với mức tăng trưởng dương. Bước sang năm 2021, Việt Nam sẽ tiếp tục đà hồi phục nhờ được hưởng lợi từ sự phục hồi của tiêu dùng trong nước, tăng trưởng thương mại ổn định và nhờ vào dòng vốn FDI.
Bốn thách thức tiềm ẩn rủi ro
Dù là một trong những ngôi sao sáng về tăng trưởng, Việt Nam vẫn tiềm ẩn rủi ro nếu không kịp hành động, theo đại diện HSBC Việt Nam.
Đầu tiên là Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh việc cổ phần hóa các công ty nhà nước. Cổ phần hóa chậm rất có thể là một yếu tố làm giảm khả năng tăng trưởng của Việt Nam trong tương lai. “Hiện tại, các công ty nhà nước vẫn chi phối tới một phần ba nền kinh tế. Việc cổ phần hóa các công ty nhà nước sẽ giúp xác định lại việc phân bổ vốn đầu tư, giải phóng năng suất lao động và hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, ông Tim nói.
Thứ hai là sự phát triển liên tục của các dịch vụ cơ sở hạ tầng hiện đại cần thiết cho giai đoạn tăng trưởng tiếp theo (Việt Nam xếp thứ 89 trong số 137 quốc gia về chất lượng cơ sở hạ tầng). Theo World Bank, đầu tư cơ sở vật chất tính theo phần trăm GDP của Việt Nam nằm trong nhóm thấp nhất trong khu vực ASEAN.
Thứ ba là động lực phát triển từ FDI sẽ tốt hơn nếu cải thiện các thủ tục thuế quan và hành chính. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới WB, các doanh nghiệp Việt Nam phải thanh toán thuế 6 lần thanh toán thuế một năm, tiêu tốn 384 giờ cho việc hoàn thành các mẫu biểu, chuẩn bị và trả thuế, và mức thuế phải trả chiếm tới 37,6% lợi nhuận.
Thách thức thứ tư là tăng trưởng bền vững. Trong hai thập kỷ qua, Việt Nam đã nổi lên là quốc gia phát thải khí nhà kính bình quân đầu người tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới – với mức tăng khoảng 5% mỗi năm. Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước tác động của biến đổi khí hậu.
“Điều xảy ra với Việt Nam cũng tương tự như con đường nhiều nước đang phát triển đi qua đó là tăng trưởng và công nghiệp hóa nhanh để lại nhiều tác động tiêu cực đối với môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Nhu cầu cấp thiết là phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng sạch”, ông Tim nói.
Riêng về tỷ giá, người đứng đầu HSBC Việt Nam cho rằng có cơ sở để kỳ vọng tỷ giá tiếp tục được điều hành theo cơ chế linh hoạt. Đáng chú ý, với việc dự trữ ngoại hối cao kỷ lục, NHNN có đủ công cụ và nguồn lực để điều hành tỷ giá theo hướng ổn định, đáp ứng cung-cầu thị trường. Tuy nhiên, vẫn có những thách thức cần quan sát và theo dõi như lộ trình phân phối vaccine cho Covid-19, đà hồi phục của chuỗi cung ứng toàn cầu, quá trình chuyển giao bầu cử Tổng thống Mỹ…
NGUỒN: Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn
Link bai: Bốn thách thức...
https://www.thesaigontimes.vn/