Sau vụ cướp ở trạm thu phí Dầu Giây, một vấn đề lớn hơn được đặt ra, đó là chuyện bí mật của các con số. Nhiều người tính toán, một ca trực thu 2,2 tỉ đồng, thì ba ca sẽ thu hơn 6 tỉ đồng.
Tuy nhiên, khó có thể chấp nhận cách tính này, bởi vì không thể cứ nhân ba lên là ra số tiền thực thu chính xác.
Nhưng dư luận có quyền hoài nghi vì thu phí thủ công dễ nảy sinh những mờ ám. Hãy cứ làm minh bạch thì sẽ không ai nói được gì mình.
Trên báo đài ra rả công nghệ 4.0, doanh nghiệp Việt sẽ không để bỏ lỡ chuyến tàu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhưng thực tế, chuyện ứng dụng công nghệ trong thu phí ở các trạm BOT vẫn chỉ là trên giấy.
Áp dụng công nghệ để thu phí quá dễ, thế giới là từ lâu, nhưng ở Việt Nam cứ nhùng nhằng không áp dụng là vì người ta sợ sự minh bạch mà thôi.
Trần Quí Thanh
Như báo Lao Động đưa tin, sáng mùng 3 tết vừa qua, hai tên cướp đã cầm súng và mã tấu xông vào trụ sở trạm thu phí cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây tại huyện Thống Nhất (Đồng Nai) cướp đi số tiền hơn 2,2 tỉ đồng ngay lúc nhân viên đang giao ca trực.
Từ thông tin này, nhiều người dân và dư luận cho rằng trong một ca trực 8h đồng hồ mà trạm thu phí trên thu được 2,2 tỉ đồng, như vậy suy ra trong 1 ngày phải có doanh thu lên đến 6 tỷ đồng.
Chiều tối 8.2, trao đổi với PV Báo Lao Động, lãnh đạo Công ty cổ phần dịch vụ Kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VECE) cho rằng, thông tin trạm thu phí TPHCM – Long Thành – Dầu Giây có số tiền thu đến 6 tỉ/ngày là không đúng.
Theo lãnh đạo VECE, trong những ngày thường, công ty thu toàn tuyến có số tiền dao động từ 3,3 đến 3,4 tỉ đồng. Riêng những ngày cao điểm, lễ tết của năm 2018 (tết năm nay 2019 chưa thống kê) thì mỗi ngày thu từ 5 đến 6 tỉ đồng.
Lý giải về số tiền mà hai tên cướp lấy được hơn 2,2 tỉ đồng tại ca trực, lãnh đạo chủ đầu tư cho rằng đấy là số tiền của tổng cộng 8 ca trực chứ không phải là 1 ca như dư luận nghĩ.
“Số tiền trong két sắt trước thời điểm bị cướp là hơn 3,23 tỉ đồng, bao gồm tiền doanh thu của 2 ca ngày 4.2, 3 ca ngày 5.2 và 3 ca ngày 6.2. Còn đối với ca 3 ngày 7-2 trước lúc bị cướp chỉ thu được khoảng hơn 300 triệu đồng”- lãnh đạo VECE khẳng định.
Đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây được khởi công xây dựng tháng 10.2009 và hoàn thành vào tháng 1.2014. Đường cao tốc này có chiều dài 55km, quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 120km/h với tổng vốn đầu tư hơn 20.600 tỷ đồng.