Buộc thôi học một học sinh là thể hiện sự bất lực của nhà trường

Trần Quí Thanh

Nguồn ảnh: Báo Giáo dục và thời đại

—-

Một số cải cách gần đây của ngành giáo dục cho thấy chúng ta đang cố gắng tiếp cận với trình độ của các quốc gia có nền giáo dục tiến bộ, đây là tín hiệu rất đáng mừng. Ai cũng mong ước đất nước có những thay đổi, chuyển biến tích cực, nhưng muốn làm được điều đó thì phải bắt đầu từ giáo dục.

Sản phẩm giáo dục chất lượng thấp thì không thể có sản phẩm xã hội chất lượng cao.

Một chương trình học có nhiều bộ sách giáo khoa đã được bàn đến cả chục năm, đến nay mới áp dụng được nhiều bộ sách ở lớp 1. Tuy chậm nhưng đã bắt đầu, để có những bước tiếp theo cho các cấp học khác.

Những tiến bộ của khoa học công nghệ của thế giới sẽ tác động vào mọi lĩnh vực, trong đó giáo dục chịu ảnh hưởng rất mạnh mẽ. Các thiết bị công nghệ sẽ giúp con người làm tất cả những phép tính, nhớ tất cả những kiến thức có sẵn. Con người không cần phải làm, phải nhớ những thứ đó, để dành sức cho việc nghĩ ra cái mới.

Vậy thì, lối học “tầm chương trích cú”, áp đặt một chiều, khai thác sức nhớ phải dẹp đi, thay cho cách học phản biện, tranh luận, nâng cao năng lực sáng tạo.

Dẹp lối học “tầm chương trích cú” đi liền với hạn chế khoa cử. Kiểm tra quá nhiều, thi cử quá nhiều chỉ gây áp lực lên học sinh, lãng phí thời gian và tiền của, nhưng không mang đến lợi ích gì. Có học hành thì phải có thi cử, nhưng không phải cái gì cũng kiểm tra, cũng tổ chức thi.

Dạy cho học trò kiến thức và phương pháp tự tìm tòi, nghiên cứu, các thiết bị công nghệ sẽ giúp học sinh chủ động học tập. Mỗi người có năng khiếu, sở thích riêng, có vùng thông minh khác nhau, tự thân sẽ trau dồi kỹ năng và kiến thức theo thiên hướng của mình. Bắt tất cả học sinh cùng học giỏi một thứ là phản giáo dục, phản tự nhiên.

Một ví dụ rất điển hình, bắt học sinh học môn lịch sử với những con chữ, con số ngày tháng khô khan, thi cử rình rang, nhưng điểm môn sử luôn thấp, nhiều điểm 0, điểm liệt. Tại sao thay vì nhồi nhét kiến thức sách vở rồi bắt thi cử, thì thiết kế chương trình học ưu tiên cho ngoại khóa, tham quan di tích lịch sử, xem phim lịch sử, đọc truyện lịch sử. Giáo dục là làm sao cho học sinh yêu lịch sử, đừng để các em ghét môn sử vì sự ép buộc học gạo như con vẹt.

Giáo dục không chỉ là cung cấp kiến thức mà xây dựng những cá nhân có tư cách và phẩm giá công dân. Cho nên, việc phê phán, kỷ luật, đuổi học không phải là giáo dục. Trách nhiệm của nhà trường là điều chỉnh được hành vi, thay đổi được nhận thức của học sinh theo hướng tích cực, nếu em nào chưa thay đổi được thì tiếp tục dạy dỗ, nâng đỡ, không phải loại trừ.

Buộc thôi học một học sinh là thể hiện sự bất lực của nhà trường.

Cải cách giáo dục không cần phải to tát đại ngôn, mà bắt đầu thay đổi những điều rất bình thường.

 

Sài Gòn ngày 16/09/2020

TQT

5/5 - (1 vote)

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *