Các start-up chống lại sự “quấy rối” của nhà đầu tư

Vũ Anh/ Báo Đầu Tư

Nguồn hình: Internet

Đối với các nhà khởi nghiệp, chặng đường phát triển nào cũng đầy thách thức, nhưng thách thức thực sự chính là lúc xảy ra những biến động bất ngờ từ yếu tố khách quan.

Ví dụ như, có một chính sách mới được ban hành, thay đổi khác biệt so với chính sách cũ gây bất lợi cho hoạt động kinh doanh.

Hoặc, một sự cố xảy ra ngày 27.3.2021, siêu tàu Ever Given bị mắc kẹt trên kênh đào Suez khi đang trong hành trình tới Rotterdam – Hà Lan, đã gây ra khủng hoảng toàn thế giới và các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa, logistics bị ảnh hưởng tồi tệ.

Tuy nhiên, vẫn ít tồi tệ hơn so với một biến cố thiên tai địch họa như đại dịch COVID-19.

Một đại dịch chưa có tiền lệ nên mọi ứng phó với nó đều không thể có sự tin chắc thành công, chính vì vậy doanh nghiệp bị động hoàn toàn trước các sự thay đổi biện pháp phòng dịch từ chính quyền. Trong những lúc khó khăn này, start up bị áp lực đến từ nhiều phía, trong đó có các nhà đầu tư.

Chính vì lẽ đó, các start up cần một sự bình tĩnh để không chỉ ứng phó với những tác động tiêu cực của dịch bệnh, mà với những phản ứng phụ của nó, trong đó có sự tác động của các quyết định của chính quyền và can thiệp của các nhà đầu tư.

Start up phải chứng minh cho các nhà đầu tư thấy được sự vững vàng của mình trong lúc khó khăn, đưa ra được các giải pháp ổn định được doanh nghiệp, thậm chí đưa ra được sản phẩm mới, chiến lược mới khiến cho các nhà đầu tư mới phải bỏ tiền ra.

Tui từng viết một số bài đưa ra quan điểm, tiền không thiếu ngay cả khi chúng ta rơi vào giai đoạn khủng hoảng nhất. Vấn đề là ở chỗ,  các nhà khởi nghiệp có đưa ra được một sản phẩm hay dự án đủ sức hấp dẫn để dòng tiền chảy đến hay không mà thôi.

Trần Quí Thanh

—–

Khi có khủng hoảng, các nhà đầu tư có thể làm phức tạp mọi thứ, gây căng thẳng cho các nhà sáng lập.

Các cuộc khủng hoảng thường mang đến những thay đổi lớn trong thói quen của người dùng và tạo cơ hội cho các công ty khởi nghiệp sáng tạo, linh hoạt hơn. Do hoàn cảnh bắt buộc, các công ty khởi nghiệp mới sẽ ra đời, cung cấp nhiều sản phẩm và dịch vụ mới phục vụ lối sống mới trong tiêu dùng hàng ngày, công việc, quảng cáo, truyền thông, giáo dục…

Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm các nhà đầu tư có thể làm phức tạp mọi thứ và khiến cuộc sống trở nên căng thẳng hơn. Theo ông Olivier Raussin, đồng sáng lập, Giám đốc điều hành FEBE Ventures, nhà sáng lập nên tập trung vào công ty của mình, chứ không phải nhà đầu tư của họ.

Giới đầu tư và khởi nghiệp trên toàn cầu từng trải qua cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, bong bóng dotcom và cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007-2008. Đại dịch ập đến cũng khiến họ phải sống trong một thời điểm khủng hoảng và mọi diễn biến khó lường.

Theo ông Olivier Raussin, có 2 điều quan trọng nhất với nhà khởi nghiệp lúc này.

Thứ nhất, tiền mặt là vua. Các nhà khởi nghiệp hãy cố gắng cắt giảm chi phí không cần thiết và chuẩn bị cho cả 2 kịch bản xấu nhất và tốt nhất. Họ nên giảm tốc độ chi tiêu để tăng khả năng thanh toán và cải thiện dòng tiền của công ty.

Thứ hai, start-up nên dừng tất cả dự án phụ và tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi. Thực tế, các quỹ đầu tư mạo hiểm ở Đông Nam Á vẫn còn nhiều tiền mặt dự trữ để đầu tư, ít nhất trong 3 năm tới. Song việc huy động vốn mới sẽ khó khăn hơn nhiều. Vì vậy, tốt hơn hết là các start-up nên tiếp tục xây dựng mối quan hệ tốt với các nhà đầu tư hiện tại.

Các start-up có khả năng thích nghi, quyết đoán và nhanh nhạy sẽ tìm thấy cơ hội mới để tăng trưởng, theo đuổi nhiều cơ hội hợp tác hoặc mua bán, sáp nhập (M&A). Giới đầu tư mạo hiểm nhận thấy nhiều yếu tố tích cực cho các start-up công nghệ ở Việt Nam. Khủng hoảng thường mang đến sự thay đổi về thói quen và những cơ hội mới. Chi phí hoạt động (tiếp thị, thuê địa điểm, văn phòng…) đã giảm, cho phép các start-up tăng trưởng với chi phí thấp hơn.

Rõ ràng, cơ hội có ở hầu hết các lĩnh vực và các loại hình doanh nghiệp, từ B2B, B2C, giáo dục, y tế, vận tải, tài chính, tiêu dùng… Tuy nhiên, dòng tiền chỉ tìm đến với những start-up có tiềm năng tăng trưởng lớn và có thể sớm chiếm lĩnh thị trường.

Các quỹ đầu tư thường nhắm vào các công ty có thể mở rộng quy mô theo cấp số nhân và nhanh chóng giành được thị trường. Chỉ có nhà sáng lập mới nhìn thấy và dự báo điều này. Vậy nên, dù có kỳ vọng thì các quỹ chỉ có thể tin tưởng vào những người sáng lập.

Theo ông Olivier Raussin, các nhà sáng lập và doanh nhân Việt Nam rất tài năng, kiên cường, cần cù, sáng tạo và có nhiều tiềm năng để vươn tầm quốc tế. Họ đang chứng minh mình có thể xây dựng các công ty quy mô khu vực và toàn cầu, cạnh tranh với Grab, GoJek, Traveloka…

FEBE Ventures là một trong những quỹ đầu tư mạo hiểm tích cực nhất tại thị trường Việt Nam trong thời gian qua. Quỹ đầu tư 25 triệu USD này ra đời năm 2019, tập trung vào các start-up giai đoạn đầu tại Việt Nam và các nước Đông Nam Á. Hiện Quỹ đã đầu tư vào 11 công ty khởi nghiệp và đang hoàn tất việc ký đầu tư thêm 4 công ty nữa, trong đó có 2 công ty đang ở Việt Nam.

Tiêu chí đầu tiên để FEBE Ventures rót vốn vào start-up là đội ngũ sáng lập có đam mê, bản lĩnh và khả năng tạo ra một công ty lớn. Quỹ tìm kiếm một công ty khởi nghiệp được thành lập nhằm giải quyết một vấn đề quan trọng và có giá trị của xã hội. Kế hoạch phá vỡ hoặc tạo ra một thị trường lớn trong gần thập kỷ tới của người sáng lập cũng là mục tiêu tìm kiếm của quỹ này.

NGUỒN:  Theo Báo Đầu Tư

Link bài: Các start – up…

https://baodautu.vn/cac-start-up-chong-lai-su-quay-roi-cua-nha-dau-tu-d149695.html

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *