Các thương hiệu lớn gục ngã hậu COVID-19 vì đứt gãy nguồn cầu

Trần Quí Thanh

JCPenney, chuỗi bán lẻ thời trang và nội thất với 118 tuổi đời, có trụ sở ở bang Texas, nộp đơn xin bảo hộ phá sản hồi giữa tháng 5. Ảnh: AP (Theo Báo Vietnambiz)

—–

Gởi anh Dr Thanh,

Thưa anh, tôi chỉ là một ông giáo già nghỉ hưu lâu rồi. Tôi chẳng có gì đáng kể, chỉ có ưu điểm là siêng đọc. Đọc nhiều trẻ lâu anh ạ. Tôi đọc anh rất nhiều, ngày nào cũng vào blog Trần Quí Thanh đọc , riết rồi đâm nghiện, ngày nào kẹt công chuyện không đọc được, thấy bứt rứt ngứa ngáy.

Biết anh không rảnh để nghe ba chuyện của ông già lẩm cẩm. Tôi đi thẳng vào vấn đề luôn: Vì đâu hàng loạt thương hiệu khủng gục ngã hậu Covid-19? Những thương hiệu như Muji, Brooks Brothers, Thai Airways, Avianca tưởng vững  bền như núi Thái Sơn cũng đổ âm ầm. Dễ sợ quá anh à. Mong anh bỏ chút thời giờ phân tách giùm.

Chúc anh vạn an vạn phúc.

Cao Hồng Thới (Sài Gòn):caothoi_onggiaham@gmail.com

—–

Anh Cao Hồng Thới mến!

Rất vui khi được anh quan tâm đến blog của tui, còn đọc thường xuyên nữa, cám ơn anh nhiều.

Vấn đề mà anh đặt ra, thực sự đang là chuyện lớn của các nền kinh tế thế giới hiện nay, bởi vì hàng loạt tập đoàn của nhiều quốc gia đang phá sản. Theo dự báo, “độ ngấm” của COVID-19 sẽ còn sâu hơn vào những tháng tới, và phải mất khoảng 3 năm thì nền kinh tế thế giới mới hồi phục.

Các thương hiệu lớn gục ngã vì đại dịch COVID-19 bởi vì họ bị đứt gãy nguồn cầu trong khi chi phí của họ lại quá lớn cho việc vận hành hệ thống.

Các chuỗi bán lẻ nổi tiếng mà anh nhắc đến như Muji của Nhật Bản không thể có doanh thu khi toàn bộ hệ thống bị đứt gãy nguồn cầu. Người mua sắm ít hơn do bị giãn cách xã hội và do nhiều người mất thu nhập. Người tiêu dùng không có tiền thì làm sao tiêu dùng được để “nuôi sống” cả hệ thống của một thương hiệu.

Trong lúc đó, các thương hiệu lớn như Muji thường sở hữu các cửa hàng được đặt ở những vị trí đắt đỏ nhất của các thành phố lớn ở Mỹ, Trung Quốc. Khi dịch xảy ra, nguồn thu giảm sâu thì không thể có đủ tiền để trả cho các mặt bằng giá khủng.

Tui đưa ra so sánh này để anh Thới có thể thấy ngay nhé. Nếu anh chỉ mở một cửa hàng tạp hóa, vốn vay đầu tư ít. Khi dịch bùng phát, anh chỉ bị thiệt hại rất nhỏ và có thể dễ dàng xoay xở để trả nợ, thanh toán hàng tồn đọng. Nhưng nếu anh có 100 cửa hàng tạp hóa, phải đầu tư nguồn vốn rất lớn, dịch bùng phát là thiệt hại kinh khủng. Vỡ nợ là cái chắc.

Các hãng hàng không nổi tiếng của các nước cũng vậy, họ bị đứt gãy nguồn cầu, có nghĩa là không có khách, vậy thì lấy đâu ra tiền để nuôi một bộ máy cả chục nghìn người. Và đội tàu bay của họ có được là nhờ vào các nguồn vốn vay, vậy thì lấy tiền đâu để trả lãi và gốc cho các món nợ khổng lồ đó.

Ở Việt Nam, Hãng hàng không quốc gia Việt Nam cầu cứu Chính phủ hỗ trợ 12.000 tỉ đồng cũng là vì đứt gãy nguồn cầu nên không có doanh thu. Ngay cả hậu COVID-19, hàng không nội địa hoạt động trở lại, nhưng gần như cắt đứt cầu hàng không với thế giới, vậy thì lấy đâu ra tiền để nuôi bộ máy, trả các khoản thanh toán khác.

Đội bay trên dưới 10 tàu bay thiệt hại nhỏ, nhưng đội bay vài trăm tàu bay thì câu chuyện hoàn toàn khác. Ông lớn thì tài sản lớn, nợ vay lớn, lợi nhuận lớn và tất nhiên thiệt hại cũng lớn.

Tui không nhớ đã đọc ở đâu, nhưng hình ảnh còn ghi lại rất rõ trong đầu, đó là một cơn bão lớn ập tới, gió quật các cây đại thụ gãy đổ hết, nhưng những cây lau cứ rạp mình xuống, khi mỗi cơn gió qua lại đứng lên.

Chúc anh vui khỏe, thi thoảng gửi meo cho tui nhé.

Trần Quí Thanh

(Hãy gửi thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *