Hồng Như/ Báo DNSG
—–
Bảng xếp hạng danh sách 500 công ty lớn nhất Hoa Kỳ được bình chọn bởi tạp chí Fortune – thành phần Hội đồng quản trị trong đa số công ty tại Mỹ đều mất cân bằng về giới tính và sắc tộc.
Cụ thể, các nhóm thiểu số chỉ chiếm 18% trong 500 Hội đồng quản trị (HĐQT) mà Fortune đã khảo sát. Mặt khác, từ năm 2004 đến nay, mức tăng trưởng trung bình về đại diện thiểu số trong nhóm này hầu như không thay đổi, chỉ tăng 0,5% mỗi năm.
Với tốc độ đó, nhóm nghiên cứu cho rằng phải mất 50 năm nữa thì các nhóm thiểu số mới có thể nắm giữ 40% số ghế trong HĐQT của các công ty ở Mỹ.
Hiện có nhiều nghiên cứu hướng đến khẳng định vai trò của sự đa dạng sắc tộc, giới tính trong bộ máy quản lý, ảnh hưởng trực tiếp đến sự tăng trưởng hoạt động kinh doanh và quyết định đầu tư của các tổ chức thế giới.
4 công ty dưới đây là ví dụ cho sự cân bằng và đa dạng hóa trong HĐQT mà các nhà lãnh đạo có thể tham khảo.
Merck
Merck là tập đoàn khoa học và công nghệ đa quốc gia của Đức có trụ sở chính tại Darmstadt, với khoảng 57.000 nhân viên và có mặt tại 66 quốc gia. HĐQT của công ty tương đối đa dạng với 3 giám đốc người da đen (chiếm 21%) và 6 phụ nữ (chiếm 42%).
Trong đó, Ken Frazier – một trong những CEO hiếm hoi trong danh sách của Fortune 500 đã từ chức từ cuối tháng 6 nhưng hiện ông đang giữ vị trí Chủ tịch HĐQT của Merck.
Ken Frazier nói: “Chìa khóa để đạt được sự đa dạng đó gồm 2 mặt, thứ nhất là mở rộng nhóm ứng viên đủ tiêu chuẩn và thứ hai là đảm bảo không có rào cản ngầm hoặc hệ thống nào đó chặn cơ hội phát triển của ứng viên”.
Ngoài ra, Frazier cũng nhấn mạnh, các cuộc trò chuyện về hệ thống chính trị và bộ máy quản lý đã trở nên phổ biến hơn, cả ở nhà và trong thế giới DN.
Điều này gợi ra bài học quan trọng cho các nhà lãnh đạo: Nếu họ không thừa nhận sự tồn tại của những rào cản hệ thống, cả bên trong và bên ngoài hoạt động kinh doanh, thì những nỗ lực D&I (Diversity & Inclusion, Đa dạng & Hòa hợp) của họ sẽ tiếp tục thất bại.
Dành thời gian để nhận ra và giải quyết những thách thức từ cấp độ hệ thống là bước đầu tiên quan trọng đối với bất kỳ nhà lãnh đạo nào quan tâm đến việc thúc đẩy sự đa dạng của HĐQT trong công ty.
Best Buy
HĐQT của Tập đoàn bán lẻ điện tử tiêu dùng đa quốc gia của Mỹ Best Buy hiện có 4 người da màu và 5 phụ nữ. Tháng 12/2020, công ty cam kết dành 44 triệu USD cho các nỗ lực D&I, bao gồm việc chuyển đổi các cấp lãnh đạo cấp cao để phù hợp với bộ máy quản lý chung.
Corie S. Barry, một trong những nữ CEO của Best Buy chia sẻ: “Chúng tôi đã tham gia vào hoạt động D&I từ nhiều năm trước, nhưng từ nay Best Buy mạnh dạn cam kết để khẳng định trách nhiệm về những điều chúng tôi đã hứa”.
Higgins Victor, từng là người phụ nữ duy nhất trong HĐQT của Best Buy nói: “Chúng tôi không đặt ra mục tiêu đạt được bình đẳng giới mà đặt ra mục tiêu tuyển dụng những ứng viên có bộ kỹ năng phù hợp để hỗ trợ các chiến lược trong tương lai. Best Buy không giới hạn người đó đến từ đâu hay giới tính nào, chúng tôi chào đón tất cả”.
Hiện tập đoàn đang theo đuổi nhiều chiến lược khác nhau, bao gồm việc dành ra ít nhất vài tiếng mỗi tuần để tìm kiếm và phỏng vấn các ứng viên cho vị trí CEO.
Victor nhấn mạnh: “Nhà lãnh đạo cần nghiên cứu kỹ điều này. Bởi nó đòi hỏi một quá trình cân nhắc kỹ lưỡng. Đôi khi chỉ cần đi chệch hướng chúng ta lại phải quay trở lại điểm ban đầu”.
HP
Theo CEO Enrique Lores , HĐQT của HP hiện có 58% là người thiểu số và 42% là phụ nữ. Điều này giúp HP trở thành một trong những HĐQT đa dạng nhất trong ngành công nghệ.
Từ năm 2015, sau khi tách khỏi Hewlett Packard, ban quản lý của HP tự đưa ra định hướng rõ ràng trong việc tuyển dụng.
“HP muốn tạo ra đội ngũ lãnh đạo đa dạng, sẵn sàng thu hút những người có nền tảng, trình độ học vấn và kinh nghiệm làm việc khác nhau. Điều may mắn là các nhà lãnh đạo lúc đó hoàn toàn tin tưởng và đồng thuận với chiến lược này”, Nan Weitzman – Trưởng bộ phận Thu hút Nhân tài HP chia sẻ.
Với các công ty sau một quá trình hoạt động, việc xây dựng lại bộ máy quản lý như HP ở giai đoạn thành lập thực sự khó khăn nhưng các nhà lãnh đạo hoàn toàn có thể học hỏi kinh nghiệm của công ty công nghệ này.
Thông thường, các bước tiến nhỏ như thêm một thành viên thiểu số vào HĐQT sau vài đợt tái cấu trúc là chưa đủ. Tính đa dạng của bộ máy này đôi khi đòi hỏi sự thay đổi lớn về hiện trạng. Vấn đề của các nhà lãnh đạo là cần xác định xem họ đã sẵn sàng chấp nhận sự thay đổi hay chưa.
Starbucks
Năm 2017, thương hiệu cà phê lớn nhất thế giới Starbucks đã bổ sung thêm 3 giám đốc mới vào vị trí HĐQT, trở thành tập đoàn có bộ máy quản lý đa dạng nhất nước Mỹ.
“Tôi đã cố gắng tạo ra một môi trường trong HĐQT tương tự như văn hóa của công ty. Đón nhận tất cả những người có cùng chí hướng, chuyên môn về lĩnh vực, dù họ là ai và cam kết sâu sắc về tính minh bạch trong việc tuyển dụng”, nhà sáng lập Starbucks – Howard Schultz chia sẻ.
Những năm sau đó, “gã khổng lồ cà phê” này luôn cố gắng duy trì cam kết về sự đa dạng. Tính đến tháng 9/2020, HĐQT của Starbucks có 46% là người da màu và 39% là phụ nữ. 3 tháng sau đó, tập đoàn bổ nhiệm bà Mellody Hobson, người da màu là đồng Giám đốc điều hành của công ty Ariel Investments làm chủ tịch HĐQT.
Tiếp tục củng cố cam kết, trong năm 2020, Starbucks gia nhập Liên minh Hành động Đa dạng Hội đồng, một tổ chức ủng hộ hội đồng quản trị của các công ty đa dạng về chủng tộc.
Các nhà lãnh đạo muốn “bắt chước” Starbucks có thể lắng nghe kinh nghiệm của Mellody Hobson. Bà chia sẻ: “Chúng ta cần hành động nhiều hơn là chỉ nói. Kết quả của Starbucks mà bạn đang thấy là cả quá trình hành động của tập đoàn. Tôi đồng ý rằng các nhà lãnh đạo phải bổ sung sự đa dạng cho HĐQT đang có”.
Việc tạo ra một HĐQT cân bằng đòi hỏi phải có kế hoạch cụ thể, thời gian, sự cam kết cũng như tính minh bạch và cả sự đầu tư nghiêm túc. Đa dạng và hòa nhập là điều đầu tiên 4 “ông lớn” trên đang hướng đến và là bài học cho các nhà lãnh đạo hiện nay.
NGUỒN: Theo Báo Doanh Nhân Sài Gòn
Link bài: Cách 4…
https://doanhnhansaigon.vn/