Đoạn trích trong cuốn “Vượt lên người khổng lồ” của Trần Uyên Phương tiết lộ một số quan điểm nuôi dạy con khác biệt của Chủ tịch Tâp đoàn Tân Hiệp Phát – ông Trần Quí Thanh: Luôn muốn con tự đứng trên đôi chân của mình, như ông đã từng làm.
Một trong những sự kiện định hình thời thơ ấu của tôi là ngày bà ngoại nhìn thấy tôi nhem nhuốc trên nền nhà, không người trông nom và đang đuổi theo sau một con chuột hòng ăn thịt nó vì tôi đang rất đói. Một ngày khác, bà phát hiện tôi té xuống từ tủ chén và đang khóc thét lên vì ngón tay bị chảy máu. Vết sẹo đó vẫn còn đến ngày hôm nay.
Hai sự vụ đó khiến ông bà tôi phải đưa tôi về sống cùng. Ba mẹ tôi lúc nào cũng bận bịu công việc và tại thời điểm đó gia đình cũng không có tiền để thuê người trông trẻ.
Tôi nghĩ ba tôi cũng không đồng ý thuê người trông trẻ dù ông có đủ điều kiện. Ông không phải là con người keo kiệt, nhưng như tôi đã nhấn mạnh nhiều lần trong cuốn sách này, ông luôn đặt niềm tin vào sự tự lực – cả với những đứa trẻ. Ông rất quan tâm đến việc đảm bảo không cho chúng tôi trở thành “cái rốn của vũ trụ”, như cách ông thường ví von.
Ông luôn nói với mẹ tôi rằng chúng tôi sẽ bị làm hư nếu được nâng niu và che chở quá mức. “Không có ai phục vụ con cả. Con phải tự phục vụ chính mình và phục vụ người khác.” Đó là câu điệp khúc của ba tôi. Thậm chí sau khi Tân Hiệp Phát bắt đầu có tiền, ông nói với chúng tôi rằng ông sẽ sử dụng hết để làm từ thiện. Ông muốn chúng tôi tự đứng trên đôi chân của mình, như ông đã từng làm.
Tôi chuyển đến sống cùng ông bଠngoại khi tôi khoảng ba tuổi. Ba mẹ tôi vẫn tiếp tục đóng một vai trò lớn khi họ đưa ra các quy tắc và rất nghiêm khắc. Tuy vậy, khi sống với ông bà tôi luôn được đùm bọc, chở che và được tiếp xúc với nhiều sách báo. Hằng ngày, ông ngoại tôi, Phạm Văn Vạt, đưa tôi đi học bằng xe đạp. Tôi không được phép đi bộ đến trường như bao đứa trẻ khác.
Bà ngoại và tôi rất thân thiết với nhau, tận đến ngày bà mất năm 2002. Ảnh hưởng và tấm gương đạo đức của bà có tác động tích cực trong suốt cuộc đời tôi. Cuộc sống của bà gặp nhiều khó khăn. Hai người con của bà mất trong chiến tranh. Một người khác định cư ở nước ngoài. Bà dành cả cuộc đời mình để giúp đỡ người khác.
Đến khi trở về sống với ba mẹ, tôi đã được 10 tuổi và cũng có thêm hai em, Bích và Dũng. Em gái và tôi thường xuyên đánh nhau khi còn nhỏ, trong khi với em Dũng tôi như người mẹ thứ 2 vậy. Nhưng lúc đó tôi cũng không hiểu thế nào gọi là giáo dục. Tôi cứ đánh đòn nếu em làm sai.
Tôi nghĩ kỷ luật là giải pháp, như tôi học được từ ba. Rồi một hôm, tôi tự hỏi tại sao mình lại làm thế? Có phải em Dũng đã làm điều gì sai và đáng bị phạt đòn, hay bởi vì điều đó giúp tôi cảm thấy tốt hơn vì mình kiểm soát được người khác? Từ thời điểm đó trở về sau, tôi không đánh em nữa. Khi ấy tôi 12 tuổi và em đã lên 7.
Cuộc sống gia đình tôi cứ xen lẫn với công việc nhà máy. Chẳng có ranh giới rõ ràng giữa hai điều đó. Mọi người thảo luận công việc kinh doanh của THP trong các bữa ăn. Nhưng khi ấy chúng tôi còn quá nhỏ để được nêu ý kiến. Tại Việt Nam, bậc cha mẹ luôn muốn con cái ở trong tầm mắt mình nhưng không muốn bị chúng quấy rầy, điều này giống với phương Tây của một thế kỷ trước. Nhưng ba chị em chúng tôi như những miếng bọt biển hào hứng tiếp thu mọi luồng thông tin mới, và ba tôi vui vẻ chỉ dạy, giải đáp mỗi khi chúng tôi có bất kì thắc mắc gì.
Ba tôi thường khuyến khích chúng tôi phải biết chấp nhận rủi ro để học hỏi từ chính thất bại của mình. Trong quan điểm của ông, nếu tôi chưa đủ thất bại có nghĩa là tôi chưa chấp nhận đủ rủi ro. Vì thế, một trong những câu nói yêu thích khác của ông là: “Khi chèo thuyền ra biển lớn, chắc chắn con sẽ gặp giông bão. Điều con cần làm là học cách chèo lái con thuyền đó khi giông bão ập đến”.