Song Anh/ Báo DNSG
—–
Việt Nam đã đạt được những thành tựu nhất định trong việc hình thành và hoàn thiện cơ chế thị trường, cũng như điều chỉnh vai trò tương ứng của Nhà nước trong nền kinh tế.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Chí Dũng – Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tại Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam tổ chức vừa qua ở Hà Nội, thừa nhận thực tế: Các thể chế kinh tế thị trường ở Việt Nam về thực chất còn một số khiếm khuyết, dẫn đến kìm hãm sự phát triển. Điều này khiến nhiều người nhớ lại kết quả cuộc khảo sát “Thay đổi cảm nhận về Nhà nước và thị trường của người Việt Nam” (CAMS) do Ngân hàng Thế giới (WB) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện vào năm 2014. Khảo sát CAMS 2014 cho thấy, phần lớn người dân Việt Nam ủng hộ mô hình kinh tế thị trường, ủng hộ tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, chủ trương xã hội hóa các dịch vụ công… Kết quả của CAMS 2014 có thể chưa toàn diện, khi chỉ có hơn 1.600 người dân tham gia khảo sát, song đủ để nhận thấy một số hạn chế của thị trường chậm được kiểm soát và khắc phục.
Khi đó, kết quả của CAMS 2014 giúp không ít người giữ lại quan điểm về tốc độ chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường của Việt Nam trong 5 năm qua còn chậm. Theo CAMS 2014, ngay cả khi có tới 89% người tham gia khảo sát ủng hộ mô hình kinh tế thị trường, 71% ủng hộ sở hữu tư nhân trong doanh nghiệp, vẫn có tới 75% muốn có sự can thiệp của Nhà nước để bình ổn giá với những hàng hóa thiết yếu và 47% số người Nhà nước can thiệp đánh giá hiệu quả các chương trình bình ổn giá. Thậm chí, trong hoạt động xã hội hóa dịch vụ công, dù tỷ lệ ủng hộ là phần lớn, nhưng tỷ lệ quan ngại vẫn lên tới 57%.
Việt Nam đang trong một thế giới thay đổi nhanh bởi áp lực của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sự giảm tốc của nền kinh tế thế giới, những tác động của biến đổi khí hậu… Người dân có thể thông cảm với việc Nhà nước trong nền kinh tế thị trường đang cùng một lúc phải thực hiện nhiều vai trò khác nhau, bao gồm xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường; tạo dựng và cải thiện môi trường kinh doanh; phát triển kinh doanh và bảo đảm an sinh xã hội cho người dân… Thế nhưng, việc chậm sửa chữa những khiếm khuyết của thị trường đã và đang tạo ra những rủi ro, thậm chí là rào cản không nhỏ trong vận hành của nền kinh tế, cũng như nỗ lực cải cách theo mô hình kinh tế thị trường hiện đại của Việt Nam.
Theo quan sát của ông Jonathan Pincus – nguyên Kinh tế trưởng của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, Việt Nam đang có nhiều vấn đề trong quá trình cải cách khiến việc thực thi chính sách trở nên khó khăn, khiến Chính phủ gặp nhiều thách thức trong tuyển dụng những cán bộ trẻ tài năng, có khả năng cống hiến cho xã hội. Việt Nam cũng chưa minh bạch trên thị trường đất đai và tín dụng; chưa giám sát đúng mức và thực thi nghiêm các quy định về hạn chế rủi ro trong hệ thống ngân hàng.
Việt Nam đang là một trong những điểm đến hấp dẫn trong khu vực ASEAN đối với các nhà đầu tư nước ngoài. TS. David Dollar – Nghiên cứu viên cao cấp Viện Brookings (Mỹ) cho rằng, về tổng thể Việt Nam được nhận định là có mức độ pháp quyền tốt so với mức thu nhập và thu hút được nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tuy nhiên, đầu tư bằng nguồn trong nước còn thấp do khu vực tư nhân chính thức ở Việt Nam bị tụt hậu do thiếu tiếp cận tín dụng, đất đai, đầu vào nhập khẩu và do những yếu kém trong thực thi hiệu lực hợp đồng… Việt Nam chưa xác định rõ các lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp nhà nước và dành phần còn lại cho các doanh nghiệp tư nhân.
Thế giới đã chứng kiến việc nhiều quốc gia vướng bẫy thu nhập trung bình khi chỉ tập trung vào khu vực công và FDI. Trong khi đó, Việt Nam là “một nền kinh tế tích hợp” khi bao gồm cả khu vực nhà nước, tư nhân và FDI. Ông Jan Rielander – Đặc phái viên của Giám đốc Trung tâm Phát triển của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho rằng, để tránh bẫy và vượt lên được, Việt Nam cần tạo sự liên kết giữa khu vực FDI và khu vực trong nước, làm sao để cùng tham gia mạnh mẽ hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, tạo ra nhiều giá trị gia tăng hơn. Muốn vậy, thể chế kinh tế thị trường phải được hoàn thiện, để đảm bảo việc phân bổ các nguồn lực được minh bạch và công bằng giữa các khu vực, tạo động lực cho sự phát triển.
NGUỒN: Theo Báo Doanh Nhân Sài Gòn
Link bài: Cải cách thể chế….
(https://doanhnhansaigon.vn/