Trần Quí Thanh
—–
Kinh tế càng phát triển, số doanh nghiệp tăng thì càng biến động trên thị trường lao động. Người lao động có thể thay đổi nơi làm việc liên tục, tùy theo nhu cầu cá nhân hoặc những lý do khách quan khác.
Trong thời đại công nghệ, nhiều doanh nghiệp sở hữu công nghệ riêng và có thể đó là “bí kíp” trong sản xuất kinh doanh. Đối với những doanh nghiệp này, việc bảo mật công nghệ là vô cùng quan trọng. Cho nên, khi người lao động nắm giữ công nghệ của doanh nghiệp chuyển sang làm cho doanh nghiệp khác, vấn đề đặt ra là người lao động đó có tiết lộ bí mật công nghệ nơi mà họ đã làm việc hay không?
Người sử dụng lao động luôn lo ngại bí mật kinh doanh hoặc bí mật công nghệ của họ bị tiết lộ, cho nên yêu cầu bảo mật rất cao, mở rộng không gian và kéo dài thời gian bảo mật.
Cũng có ý kiến cho rằng, cần giới hạn phạm vi thời gian và không gian bảo mật, để không ảnh hưởng đến các cơ hội tìm kiếm việc làm của người lao động khi bị mất việc hay có nhu cầu thay đổi.
Để đảm bảo được sự công bằng cho cả người sử dụng lao động và người lao động liên quan đến bảo vệ bí mật công nghệ, cần có các quy định của pháp luật để điều chỉnh.
Tuy nhiên, không thể nói đến bí mật kinh doanh hay bí mật công nghệ một cách chung chung, mơ hồ, mà phải có những bí mật cụ thể, được thừa nhận của cơ quan có thẩm quyền, không phải doanh nghiệp nói bí mật là bí mật. Một sáng kiến, sáng chế có được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận thì mới có giá trị, tương tự, có những sáng chế được các cơ quan, tổ chức khoa học trong nước và quốc tế xác nhận là tài sản trí tuệ riêng của cá nhân hoặc thuộc sở hữu của doanh nghiệp đó.
Một yếu tố pháp lý khác, nếu người sử dụng lao động đưa ra yêu cầu người lao động nắm bí mật kinh doanh hay bí mật công nghệ không được đi làm cho một doanh nghiệp là đối thủ cạnh tranh, có nghĩa là hạn chế nơi làm việc của người lao động, thì phải trả một khoản tiền cho người lao động để bồi đắp cho sự thiệt thòi của họ. Muốn thực hiện tốt quan hệ này, bắt buộc phải được pháp luật quy định.
Có ý kiến cho rằng, cần phải bổ sung vào Bộ Luật Lao động về nội dung liên quan đến bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ. Nhưng theo tui, cần tách ra thành một luật riêng, biên soạn thật chi tiết, có khả năng bao quát được quan hệ phát sinh trong tương lai để đảm bảo phạm vi điều chỉnh.
Doanh nghiệp phát triển nhanh, đặc biệt là ứng dụng công nghệ mới rất đa dạng, nếu chỉ bổ sung trong nội dung hợp đồng lao động của Bộ Luật Lao động thì khó có thể đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn, chẳng lẽ mỗi năm lại bổ sung.
Hãy nghiên cứu thật kỹ, tham khảo thêm luật pháp của các nước tiến bộ liên quan đến bảo vệ bí mật kinh doanh và bí mật công nghệ để biên soạn một đạo luật có chất lượng.
Sài Gòn 20/01/2019
TQT
Bài đọc thêm, Link: Sửa Bộ luật Lao động, cần làm rõ quy định bảo mật
(https://www.thesaigontimes.vn/284278/sua-bo-luat-lao-dong-can-lam-ro-quy-dinh-bao-mat.html)