Cần lắng nghe những hiến kế của người dân về thành phố Thủ Đức

D.N. Hà/ Báo Tuổi trẻ

Theo ông Phan Nguyễn Như Khuê, chính quyền cần lấy ý kiến người dân sâu rộng, không chỉ là vấn đề đồng ý hay không đồng ý mà cần lắng nghe cả hiến kế về cách làm và những vấn đề tương lai trong việc thành lập thành phố Thủ Đức.

Ông Lê Thanh Tùng, cử tri phường Tăng Nhơn Phú – Ảnh: NGỌC HÀ

Nhiều cử tri đã ý kiến về việc thành lập thành phố Thủ Đức với tổ Đại biểu Quốc hội số 7 trong buổi tiếp xúc cử tri quận 9 sáng 6-10.

Ông Lê Thanh Tùng, cử tri phường Tăng Nhơn Phú, cho biết ông và gia đình ủng hộ chủ trương sáp nhập ba quận để thành lập một đơn vị mới. Bên cạnh lấy ý kiến của người dân, chính quyền cần in ấn các tài liệu tuyên truyền cái lợi của người dân có lợi ích gì.

Trong phiếu lấy ý kiến cử tri, chỗ ý kiến khác chỉ có 2 dòng, không đủ chỗ cho cử tri ý kiến. Theo tôi, cần một trang giấy để người dân bày tỏ nguyện vọng của mình.

Ông Tùng đề đạt: “Việc quy hoạch và xây dựng hạ tầng giao thông cho thành phố mới phải có tầm nhìn 30 năm sau. Nhà nước mạnh dạn giải tỏa để chỉnh trang đô thị, cần xây dựng những con đường lớn, nối các trục đô thị huyết mạch.

Khi làm một tuyến đường, nhà nước thu hồi đất hai bên rộng ra, mặt đường đấu thầu để lấy tiền bồi thường thỏa đáng cho dân, phần đất bên trong tái định cư cho những người phải di dời. Như vậy, người dân sẵn sàng nhường đất để chính quyền xây dựng đô thị”

Ông Tùng còn cho rằng thành phố mới cần có quỹ đất lớn dành tái định cư cho người dân và giải quyết nhà ở cho người dân tại chỗ cũng như công nhân khu công nghệ cao. Nhà nước phải có chính sách ngăn chặn tình trạng các đại gia bất động sản thâu tóm đất đai chờ thời cơ trục lợi.

Cán bộ ở thành phố mới cần trẻ, có chuyên môn và nhiệt huyết.

Trục giao thông và metro kết nối ba quận 2,9 và Thủ Đức hiện tại – Ảnh: TỰ TRUNG

Ông Tùng cũng băn khoăn: người dân muốn biết là các loại giấy tờ như CMND, hộ khẩu giấy tờ nhà đất có ảnh hưởng hay không khi chuyển đơn vị hành chính từ tên cũ sang tên mới?

Đáp lời các cử tri về Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía đông, đại biểu Quốc hội Phan Nguyễn Như Khuê cho biết tên thành phố Thủ Đức hiện nay mới là tên gọi tạm thời. Việc sáp nhập ba quận không đơn giản chỉ là phép cộng về dân số hay diện tích đất đai của ba quận cũ.

“Chính quyền phải tuyên truyền để người dân hiểu cái lợi như thế nào… Tôi mong quận 9 có cách thu nhận rộng rãi ý kiến cử tri, không chỉ là đồng ý hay không mà thu nhận cả những hiến kế về cách làm, về các vấn đề tương lai của đô thị mới.

Tôi đề xuất phát hành sổ tay bỏ túi về đề án TP phía đông để cử tri nắm, hiểu và đóng góp tích cực cho việc hình thành và phát triển của đô thị này”, ông Khuê đề xuất.

Sáng 6-10, nhiều cử tri quận 9 cũng kiến nghị về dự án Bắc Rạch Chiếc “treo” trên 20 năm và việc bồi thường giải phóng mặt bằng ở dự án Khu Công nghệ cao TP.

Dự án Bắc Rạch Chiếc treo trên 20 năm khiến dân không xây nhà được, không chuyển nhượng quyền sử dụng đất được… Người dân rất bức xúc: nếu có làm thì bồi thường nhanh, không làm thì bỏ dự án để dân có cuộc sống bình thường.

Ông Phan Nguyễn Như Khuê, trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, cho biết dự án này đã được UBND TP chuyển cơ quan điều tra. Người chịu trách nhiệm chính của dự án này đã chết nên quá trình điều tra gặp khó khăn. Nguyên nhân kéo dài chủ yếu do các nhà đầu tư thiếu năng lực.

Ông Khuê cho biết ông sẽ kiến nghị với cơ quan điều tra để sớm giải quyết câu chuyện này: nếu cần thì điều chỉnh ranh dự án để trả lại quyền lợi về đất đai cho người dân.

Với việc khiếu nại của người dân về việc bồi thường dự án Khu Công nghệ cao TP, ông Khuê cho rằng UBND TP.HCM phối hợp với Thanh tra Chính phủ để giải quyết. UBND TP nên bố trí tiếp dân để lãnh đạo được lắng nghe người dân đầy đủ hơn.

 

NGUỒN:  Theo Báo Tuổi Trẻ

Link bài: Cần lắng nghe…

 https://tuoitre.vn/can-lang-nghe-nhung-hien-ke-cua-nguoi-dan-ve-thanh-pho-thu-duc-20201006122537893.htm

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *