Cảnh giác chiêu lừa nhắc nợ qua thư thoại tự động

Trọng Vũ- Mai Anh/ Báo NĐT
Một trường hợp bị lừa đảo qua hộp thư thoại, đã chuyển hơn 124 triệu đồng, đang trình báo công an. Ảnh: V.T.V
—–
Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam khuyến cáo người dân cảnh giác với hộp thư thoại tự động thông báo có bưu phẩm đang chờ nhận, đang nợ cước và hướng dẫn khách bấm phím 9 hoặc phím nào đó để được biết thông tin chi tiết. Đây là chiêu lừa không mới nhưng ngày càng tinh vi về “kịch bản” với nhiều trường hợp đã mất hàng trăm triệu đồng.

Thông báo hù dọa nợ tiền thẻ Visa 

Phản ánh đến Người Đô Thị mới đây, anh N.P.H., phó tổng giám đốc một tập đoàn bất động sản cho biết, trưa ngày 11.12 khi anh đang ngồi làm việc trong phòng riêng thì điện thoại bàn reng lên. Vừa cầm nghe, anh H. nhận được thông báo tự động từ hộp thư thoại nhắc anh có bưu phẩm gửi đến trụ sở tập đoàn ở đường Nguyễn Hữu Cảnh (TP.HCM), tuy nhiên do không có người nhận nên bưu phẩm hoàn trả về bưu cục trên đường Hai Bà Trưng, hướng dẫn anh H. nhấn tiếp số 9 để biết thêm thông tin.

Anh H. làm theo thì gặp một giọng nữ giới thiệu nhân viên bưu cục tên Nguyễn Khả Ái Như, thông báo lại nội dung giống như thư thoại tự động và hỏi anh H. có muốn kiểm tra cụ thể không. Khi anh H. đồng ý, người này cho biết trên hệ thống bưu chính viễn thông Việt Nam ghi nhận bưu phẩm chuyển đi từ phòng giao dịch ở Hà Nội của ngân hàng S. có trụ sở chính ở TP.HCM, trên bưu phẩm ghi dòng chữ nếu khách hàng không đến ngân hàng làm việc sau hai giờ kể từ khi được bưu điện thông báo thì sẽ chuyển hồ sơ sang công an Hà Nội.

Quá bất ngờ, anh H. giải thích với bà Như chắc chắn có nhầm lẫn vì anh chưa từng giao dịch với ngân hàng S. và trụ sở tập đoàn luôn có người trực 24/24 để nhận các loại thư tín. Lúc này, bà Như khuyên anh H. khẩn cấp xem nội dung bưu phẩm là gì để kịp thời xử lý trước khi bị công an triệu tập và ngỏ ý hỗ trợ anh mở niêm phong bưu phẩm. Anh H. đồng ý. Sau đó anh được thông báo anh có mở thẻ Visa ở ngân hàng S. với mã số 42033…, ngày 27.9.2018 và đang nợ 56.866.000 đồng.

Liên tưởng đến khả năng ai đó đã mạo danh mình làm thẻ Visa, anh H. nói với bà Như để anh liên hệ ngân hàng S. yêu cầu khóa thẻ. Ngay lập tức bà Như nói gần đây bên bưu điện liên tiếp gặp nhiều trường hợp tương tự và để kịp thời hỗ trợ khách hàng, bưu chính viễn thông Việt Nam đã mở riêng đường dây nóng với cơ quan điều tra các tỉnh thành, khuyên anh H. nên phản ánh ngay đến công an Hà Nội để nơi này phát lệnh đóng ngay tài khoản Visa của anh, đồng thời thông báo đến các ngân hàng khác, tránh tình trạng tiếp tục bị giả mạo thẻ Visa.

Nghe cũng hợp lý nên anh H. chấp nhận, lúc này bà Như nói anh H. cầm máy đợi bà ta xin ý kiến lãnh đạo cấp trên vì đây là trường hợp phải hỗ trợ đặc biệt.

Giả danh cơ quan điều tra yêu cầu chuyển tiền

Chờ vài phút, anh H. được bà Như thông báo sếp bà đồng ý hỗ trợ và dặn anh H. khi đường dây nóng kết nối phải cung cấp đúng thông tin cá nhân, số thẻ visa bị làm giả, số tiền đang nợ. Sau vài tiếng tít, anh H. nghe một giọng nam người Bắc giới thiệu cơ quan điều tra Hà Nội. Khi anh trình báo, người này yêu cầu anh chuyển 56.866.000 đồng vào tài khoản cơ quan điều tra để tạm thời xóa tình trạng nợ ngân hàng S., không còn yếu tố phạm tội để mở hồ sơ vụ án. Khi điều tra xong, cơ quan điều tra sẽ chuyển trả lại số tiền này.

Đến đây thì anh H. thấy nghi ngờ và hỏi lại số điện thoại đường dây nóng của công an Hà Nội là gì, thì người này gắt gỏng: “Anh gọi đến chúng tôi mà không biết số sao? Chúng tôi là cơ quan điều tra không có nghĩa vụ trả lời anh…”. Anh H. xin lỗi và cúp máy.

Sau đó anh liên hệ tổng đài ngân hàng S. trình báo sự việc, nhờ nhân viên ngân hàng kiểm tra xem anh có bất kỳ giao dịch nào ở đây không, thì được khẳng định trên toàn bộ hệ thống ngân hàng không có dữ liệu nào liên quan đến anh. Tiếp tục xác minh địa chỉ của cái gọi là “phòng giao dịch ở Hà Nội của ngân hàng S.” anh H. được trả lời địa chỉ đó cách đây hơn một năm ngân hàng đã trả mặt bằng và chuyển đến nơi khác. Đến lúc này thì anh H. bừng tỉnh, tin rằng mình vừa thoát khỏi một kịch bản lừa đảo tinh vi qua hình thức hộp thư thoại tự động.

VNPT không nhắc nợ qua hộp thư tự động

Khi liên lạc với Tổng đài chăm sóc khách hàng của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Người Đô Thị được biết tại Hà Nội và một số địa phương trên cả nước gần đây đã tái xuất hiện dấu hiệu lừa đảo qua điện thoại dưới hình thức cuộc gọi vào các máy điện thoại cố định gây hoang mang dư luận và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Cụ thể, khi có cuộc gọi đến máy điện thoại của mình, khách hàng nhấc máy sẽ nghe hộp thư tự động thông báo có bưu phẩm đang chờ nhận, hoặc đang nợ cước và hướng dẫn khách bấm phím 9 hoặc phím nào đó để được biết thông tin chi tiết. Sau khi bấm phím sẽ gặp người thật giới thiệu là người của các đơn vị chuyển phát nhanh hoặc nhân viên VNPT trao đổi làm rõ các thông tin về bưu phẩm đang chờ phát, số cước đang nợ…

Nếu gặp phải trường hợp như khuyến cáo, khách hàng nên dập máy, không thực hiện theo các hướng dẫn của đối tượng, đặc biệt là không chuyển tiền vào các tài khoản khác theo yêu cầu của người lạ.

Xác minh của VNPT trên hệ thống kỹ thuật cho thấy các cuộc gọi lừa đảo như nêu trên đều xuất phát từ quốc tế, qua nhiều hướng khác nhau và hiển thị số điện thoại giả mạo, nên việc phát hiện và ngăn chặn rất khó khăn. Hiện VNPT đang phối hợp với các đối tác quốc tế để xác minh và sẽ áp dụng các biện pháp tối đa để hạn chế hiện tượng này.

VNPT khẳng định không áp dụng hình thức thông báo qua hộp thư tự động đến khách hàng với các nội dung nhắc nợ cước hoặc nhận bưu phẩm, bưu kiện như trên. Vì vậy, tất cả các cuộc gọi có dấu hiệu đó đều là các cuộc gọi của đối tượng lừa đảo. Để bảo vệ quyền lợi khách hàng, VNPT khuyến cáo mọi người nên cảnh giác khi nhận các cuộc gọi có dấu hiệu bất thường.

Nếu gặp phải trường hợp như khuyến cáo, khách hàng nên dập máy, không thực hiện theo các hướng dẫn của đối tượng, đặc biệt là không chuyển tiền vào các tài khoản khác theo yêu cầu của người lạ. Khách hàng có thể thông báo cho các cơ quan công an để được hướng dẫn xử lý hoặc gọi đến tổng đài 800126 của VNPT để thông báo sự việc, cung cấp thông tin để VNPT xác định hướng cuộc gọi và phối hợp với các đối tác quốc tế tìm biện pháp kỹ thuật xử lý. 

Giả mạo mời dịch vụ chữ ký số, bảo hiểm xã hội điện tử

Theo khuyến cáo của VNPT, khách hàng nên cảnh giác trước các trường hợp giả mạo VNPT mời sử dụng và gia hạn dịch vụ VNPT-CA (chứng thực chữ ký số), VNPT-BHXH (Giao dịch bảo hiểm xã hội điện tử) qua các hình thức email, điện thoại, tin nhắn. Cụ thể là từ các địa chỉ mail giả mạo như: kimngan.cks.@gmail.com; hotrokekhai.tv1@gmail.com; dangky.vdconline@gmail.com; kekhaihotro.cks@gmail.com… Một số đối tượng còn đăng ký các tên miền, sử dụng logo dịch vụ của VNPT để lừa đảo người dùng dịch vụ như thành lập website với tên miền: vnpt-bhxh.com.

Cùng với hiện tượng trên, nhiều đối tượng còn mạo danh nhân viên/đại lý của VinaPhone tại tỉnh/thành phố, làm giấy tờ hợp đồng, hóa đơn thu tiền để lừa gạt, yêu cầu thực hiện gia hạn hợp đồng vv…, gây thiệt hại cho người dùng. “VNPT -VinaPhone xác nhận những trường hợp như trên không phải là thông tin chính thống của VNPT-VinaPhone. Đây chỉ là thư nặc danh, website giả mạo nhà cung cấp dịch vụ nhằm trục lợi cá nhân. Email hoặc thư tay VNPT gửi đi: địa chỉ email chỉ có đuôi là …@vnpt.vn, không bao giờ sử dụng mail công cộng miễn phí như yahoo, gmail…

Khách hàng có thể xem tại website của dịch vụ: http://www.vnpt-ca.vn; https://vnpt-bhxh.vn/hoặc gọi tổng đài hỗ trợ 24/24h: 18001260/19001570 để biết thêm chi tiết…” – VNPT lưu ý.

NGUỒN: Theo báo Người Đô Thị online
Link bài: Cảnh giác chiêu lừa nhắc nợ…
(https://nguoidothi.net.vn/canh-giac-chieu-lua-nhac-no-qua-thu-thoai-tu-dong-16739.html)
Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *