Muốn thắng trên thương trường, hãy thoát khỏi tháp ngà và thường xuyên tự vấn với 10 câu hỏi của Hal Gregersen.
Cuối tuần trước, tôi tự thưởng cho mình sáu giờ đồng hồ để xem lại ba bộ phim yêu thích Austerlitz, Waterloo và War & Peace. Phải nói ngay, cả ba phim đều “dính” đến Hoàng đế Napoleon Bonaparte, một thiên tài quân sự và chính trị.
Giống như trường hợp của Tôn Tử ở châu Á, các học giả quản trị bên trời Âu cũng thường đem nghệ thuật trận mạc của Napoleon ra bàn luận trong các chương trình đào tạo lãnh đạo, điều hành tổ chức.
Nếu như trong quân đội, người ta đã áp dụng cách hành quân của Napoleon, sử dụng pháo binh chọc một lỗ thủng bên tuyến phòng vệ của địch rồi xua kỵ binh phá cho lỗ hổng to ra để bộ binh xông vào thì trong nghệ thuật quản trị doanh nghiệp muốn phát triển và đổi mới, người lãnh đạo phải biết chọc mũi dùi vào thành trì lực cản. Chỉ cần chọc vào đúng một hay hai điểm, từ thành công “nhỏ” nhưng rất chiến lược đó, nhà lãnh đạo sẽ huy động được sự đồng lòng cao độ để “tràn bờ” cho những thay đổi cần có.
Quay trở lại hai trận đánh huyền thoại trong phim Austerlitz và Waterloo, nếu Austerlitz đã đưa Napoleon lên đến đỉnh hào quang rực rỡ thì Waterloo là thảm cảnh đi đày và chết cô độc tại hòn đảo hoang vu Saint-Helene xa xôi!
Phải chăng Waterloo đã có thể thắng nếu… binh đoàn kỵ binh đến đúng hẹn (như trong trận Austerlitz) đánh ngang hông lộ quân Nga, Anh, Phổ… để Napoleon có thể đánh thốc vũ bão vào trung quân của phe địch. Chiêm nghiệm kết quả hai trận chiến càng thấy rõ tầm quan trọng của bộ tam: Đúng lúc-Đúng người-Đúng việc!
Napoleon bại trận phải chăng là do quá chủ quan trên đỉnh cao vinh quang, mãi đắm mình trong tháp ngà ngập tràn men say chiến thắng mà thiếu đi những suy nghĩ tỉnh táo, bình thường?
Có bao nhiêu nhà lãnh đạo tổ chức cũng đang trốn trong tháp ngà thành tựu từ quá khứ? Đã có lúc nào ta chợt thức tỉnh và tự hỏi: “Ta có đang tự cầm tù ta trong bốn bức tường thành tựu của doanh nghiệp?”. Tôi đã tìm được câu trả lời cho chính mình khi tình cờ đọc được một bài viết của chuyên gia đổi mới sáng tạo Hal Gregersen – Giám đốc điều hành Trung tâm Lãnh đạo MIT – khi ông nhắc đến chuyện những người đứng đầu tổ chức nhờ biết cách rời vị trí để “vi hành”, để hiểu người hiểu ta mà có những quyết định, giải pháp hợp lý.
Muốn biết ta có đang tự cầm tù chính ta, bạn hãy tự trả lời 10 câu hỏi mà Hal Gregersen đã nêu ra.
1. Có bao nhiêu cánh cửa mà cấp dưới phải qua nếu muốn nói chuyện trực tiếp với tôi?
2. Trong một tuần làm việc bình thường, tôi có thể rời phòng làm việc bao nhiêu lâu?
3. Tôi đã ra một quyết định sai lầm (lớn nhất) cách đây bao lâu?
4. Phải mất bao lâu tôi mới nhận ra quyết định sai lầm của mình?
5. Tôi có thường bị cấp dưới chất vấn trực tiếp và phải trả lời những câu hỏi thuộc dạng “khó nghe, khó nuốt”?
6. Tôi có thường phải nói chuyện với những người mình không vừa lòng, những người mình cảm thấy lúng túng, phải đến những nơi cảm thấy e ngại?
7. Trong các cuộc đối thoại với cấp dưới tôi thường đưa ra câu hỏi hay chỉ khẳng định, xác quyết?
8. Tôi có chịu khó im lặng (dù chỉ vài giây) để chờ nghe câu trả lời?
9. Tuần này có mấy lần tôi đã trả lời: “Tôi không biết”?
10. Lần cuối cùng tôi đưa ra những câu hỏi mang tính cọ xát với cấp dưới khiến họ thay phải đổi suy nghĩ cách đây đã bao lâu?
Với 10 câu hỏi đó, không ai có thể cho ta đáp án ngoài chính chúng ta.
Hôm qua tôi tự vấn với câu hỏi số 3 và 4. Sáng nay lại thử tự vấn với câu hỏi số 8 và 9. Với câu hỏi số 8, rằng tôi có chịu khó chờ nghe câu trả lời, sự kiên nhẫn này quả là không dễ thực hiện bởi trong ta có cái tôi rất lớn và mù quáng! Và rồi vì ta kiêu căng cho là cái gì mình cũng biết nên sẽ không bao giờ trả lời “tôi không biết” ở câu hỏi tiếp theo. Ta thiếu đi sự khiêm cung để cầu thị và lắng nghe!
Qua những câu hỏi đó, Hal Gregersen đang thức tỉnh các nhà lãnh đạo, các giám đốc điều hành: đừng mất đi sự tỉnh táo, phải biết cách thoát khỏi tháp ngà “tôi biết tuốt”, “tôi luôn có lý” để đi thực tế, hỏi thăm, lắng nghe cuộc sống lên tiếng!
Chợt nghĩ, nếu thời gian quay ngược lại, Napoleon cũng tình cờ đọc thấy 10 câu hỏi này để rồi tự vấn, chắc hoàng đế đã không thua trận Waterloo!
(*) Phó tổng giám đốc Apave International – Pháp; Tổng giám đốc Apave Asia&Pacific