Trần Quí Thanh
—–
Kính thưa bác Dr Thanh
Cháu là một CEO nhỏ ở tỉnh lẻ. Đọc blog bác biết bác sẵn lòng trả lời trả lời lớp trẻ startup. Vậy cháu muốn gửi bác câu hỏi này: “Một CEO nữ cần phải ra quyết định thế nào để vừa được việc vừa vẫn được tiếng là dễ thương. Hi hi cháu sợ ế chồng.”
Trả lời cháu nhen bác
Kính chúc bác mạnh giỏi
Lê Hoài Thơm (Phan Thiết): thom_lehoai1990@gmail.com
—–
Lê Hoài Thơm mến!
Giữ vị trí của một CEO giống như một vị soái cầm quân, một bên là chiến trường, một bên là thương trường, ở đâu cũng quyết liệt, sống mái, cho nên cần một vị soái đưa ra quyết định kịp thời, sáng suốt, quyết đoán và quyết liệt.
Bác hay đọc sách truyện lịch sử, nhất là liên quan đến binh thư, không ngờ nó lại có lợi ích, vận dụng được khá nhiều trong kinh doanh. Mới đây nhà văn Kim Dung mất, báo chí có đưa bài phỏng vấn tỉ phú Trung Quốc Jack Ma, bác mới biết ông này cũng vận dụng nhiều điều rút ra từ các tác phẩm của Kim Dung làm “binh pháp kinh doanh” cho mình.
Một CEO hay một soái phải có tấm lòng thương yêu thuộc cấp, tướng sĩ của mình, không được lòng quân coi như thất bại. Nếu đưa ra quyết định mà độc đoán, cư xử mà độc tài, thì thất bại là cầm chắc.
Chắc cháu còn nhớ câu thơ nổi tiếng được Nguyễn Trãi thể hiện trong Bình Ngô Đại Cáo: “Tướng sĩ một lòng một dạ, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”.
Muốn đưa ra quyết định, trước hết phải lắng nghe ý kiến của tả hữu, khi đã suy nghĩ chín chắn là ra quyết định không chút chần chừ. Đi thẳng vào nội dung, đặt ra hiệu quả của công việc phải đạt được. Nếu CEO mà do dự, không tin vào quyết định của mình thì cấp dưới không đủ lòng tin.
Cũng có khi có những bí mật của riêng vị soái, CEO, chỉ một mình ra quyết định không cần bàn bạc, nhưng khi đưa ra quyết định, phải nói lý do, mục đích để mọi người nắm vững công việc, tác chiến đúng vai trò, vị trí, nhiệm vụ của từng người.
Lúc đã ra quyết định thì “quân lệnh như sơn”, đó là yêu cầu, là mệnh lệnh, không có chuyện nửa vời. “Dễ thương” nhưng phải có kỷ luật, nếu khi ra quyết định mà “cá mè một lứa”, đó không phải là CEO.
Dễ thương là công bằng, ai làm việc tốt, đem lại chiến công, thành tích thì phải khen thưởng xứng đáng. Dễ thương không phải xuê xoa, làm sao cũng cho qua. Nếu như vậy thì lần sau, ra quyết định chẳng ai tuân theo, vì làm tốt hay không cũng như nhau.
Cháu à, dễ thương là sống có tấm lòng, yêu thương cấp dưới, đối đãi tử tế với mọi người, thưởng phạt phân minh, không đem cái dễ thương khi ra mặt trận chiến trường hay thương trường được.
Chúc cháu thành công.
Trần Quí Thanh
(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)