CEO giỏi thì phải có tầm nhìn dài hạn

Trần Quí Thanh

Nguồn hình: Internet

—–

Thưa chú,

Cháu thường xuyên vào blog của chú để đọc mục Chat với mọi người. Rất thú vị  và hữu ích ạ. Cháu biết chú cũng đã giải đáp  về mối quan hệ giữa CEO và Chủ tịch HĐQT, giữa các thành viên sáng lập hay giữa các thành viên HĐQT. Tất cả vì cái tôi, cái tôi là chìa khoá các vấn đề nảy sinh các mối quan hệ nói trên. Nhưng có một thực tế này, nhiều Chủ tịch HĐQT vẫn phải thay CEO liên tù tì dù cả hai đều tôn trọng cái tôi của nhau. Họ vẫn bạn bè với nhau nhưng không thể làm việc được với nhau. Cháu không lý giải được nên gửi thư này hỏi chú. Mong chú bày vẽ cho.

Kính chúc chú vui khoẻ hạnh phúc

Lý Hiền Hoà (Hà Nội): lyhienhoa_hn2011@gmail.com

—–

Lý Hiền Hòa mến!

Mối quan hệ giữa HĐQT và CEO là đề tài nghiên cứu của các lý thuyết gia về quản trị doanh nghiệp, nhưng cho đến nay, để nói rằng có một công trình nghiên cứu nào đưa ra mô hình chuẩn thì chưa.

Đơn giản vì, còn có nhiều yếu tố thuộc về con người, mà đã là con người thì có nhiều cảm xúc, cảm tính bên cạnh lý tính.

Có những vụ CEO chia tay doanh nghiệp, không phải vì anh ta quản trị kém, điều hành thất bại, mà chỉ vì không phù hợp trong mối quan hệ với ai đó trong HĐQT, thế mới là con người.

Không ít người rất giỏi, nhưng lại không có khả năng kiềm chế cảm xúc, vẫn là người chưa trưởng thành về mặt cảm xúc, cho nên khi đảm nhận vị trí CEO, thường hay có những va chạm, dẫn đến đổ vỡ.

Chính vì vậy, chú chia sẻ với cháu theo kinh nghiệm của chú, Chủ tịch HĐQT và CEO hãy cố gắng tạo ra cơ chế loại trừ tối đa các cơ hội để cảm xúc can thiệp, thì may chăng mới ăn ở với nhau được lâu dài. Chỗ này chú mở ngoặc nhé, người Việt thường hay xích mích trong quan hệ mần ăn, hợp tác. Đóng ngoặc.

Để tránh các va chạm theo cảm xúc cá nhân giữa các bên, cần phải có tư duy khoa học và các biện pháp mang tính khoa học. Trước khi đến với nhau, hai bên phải tìm hiểu kỹ lưỡng về nhau, CEO có quyền đưa ra các yêu cầu của mình với HĐQT, tiếp nhận thông tin và phân tích, đánh giá chính các về quá tình hoạt động của doanh nghiệp.

Sau khi đã tìm hiểu kỹ thì hai bên thỏa thuận về các nội dung: mục đích, yêu cầu và đưa ra cam kết. Căn cứ vào kế hoạch sản xuất kinh doanh, doanh số, phát triển thị trường đã được cam kết để đánh giá năng lực CEO, không nên can thiệp quá sâu vào công việc của CEO như cách làm của nhiều HĐQT hiện nay.

Còn về phía CEO, đừng quá phụ thuộc vào giá trị của người đi trước, mà tự tin tạo ra giá trị mới, chứng minh bằng các giá trị mà mình kiến tạo được, đó chính là sự thuyết phục lớn nhất. Không chỉ thuyết phục HĐQT, mà còn đồng nghiệp, nhân viên, đối tác.

Một CEO nói rất hay, nhưng không làm thay đổi được doanh nghiệp bằng sự sáng tạo của riêng mình thì vô nghĩa.

Có điều, cả hai bên phải biết kiên nhẫn để chờ đợi kết quả, không thể vội vàng bắt buộc phải có những lợi ích kỳ vọng. CEO giỏi thì phải có tầm nhìn dài hạn. Còn Chủ tịch HĐQT giỏi là phát hiện ra được người có tầm nhìn đó.

Chúc cháu thành công

Trần Quí Thanh

(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *