Trần Quí Thanh
—–
Chào anh Trần Quí Thanh,
Năm mới đến rồi, thư này gửi đến anh trước hết là gởi lời chúc mừng năm mới tới anh, gia đình anh và Tân Hiệp Phát vĩ đại của anh. Sau nữa muốn hỏi anh: Cần làm gì để loại bỏ nguy cơ gây ra khủng hoảng từ nhân viên? Từ vụ con ruồi chắc anh có thừa kinh nghiệm để ngăn ngừa các vụ khủng hoảng do sơ suất từ nhân viên, phải không ạ?
Chúc anh mạnh giỏi thật nhiều
Lê Quí Long ( Sài Gòn): le_quilong1952@yahoo.com
—–
Anh Lê Quí Long mến!
Tui xin nhắc lại lời của Didier Heiderich, Chủ tịch Cơ quan quan sát quốc tế về khủng hoảng (International Crisis Observatory): “Chỉ có hai loại công ty: Đó là công ty đang gặp khủng hoảng và công ty sắp bị khủng hoảng”. Ý nói, khủng hoảng có thể xảy ra bất cứ lúc nào, các doanh nghiệp phải luôn trong tư thế sẵn sàng để xử lý.
Nhưng khủng hoảng không phải khi nào cũng do tác động từ bên ngoài, mà đôi khi, thậm chí chủ yếu là xảy ra từ bên trong. Chính vì vậy nên các tập đoàn, doanh nghiệp lớn luôn chú trọng truyền thông nội bộ, nó được đánh giá có tầm quan trọng còn hơn cả truyền thông cộng đồng. Bởi một lẽ đơn giản, khi không làm cho đội ngũ nhân viên của doanh nghiệp hiểu được các giá trị, mục tiêu, văn hóa của chính doanh nghiệp thì nhân viên sẽ bị lệch lạc trong ứng xử, dẫn đến khủng hoảng.
Là chủ doanh nghiệp, bất cứ ai cũng không được chủ quan rằng toàn bộ nhân viên của mình đều hiểu được giá trị cốt lõi, tầm nhìn sứ mệnh hay môi trường văn hóa công ty. Có nhiều người chỉ nghĩ đến chuyện làm việc và lãnh lương, ngoài ra sự sống chết của doanh nghiệp đã có ông chủ hoặc ban giám đốc lo.
Từ suy nghĩ như vậy dẫn đến các trường hợp, khi xảy ra tình huống cần đối thoại với phản ứng của khách hàng, họ xử lý theo cảm tính cá nhân hơn là các chuẩn mực của doanh nghiệp. Ví dụ như trường hợp một nữ nhân viên hàng không đã xé vé của một hành khách đi trễ do hai bên tranh cãi, ứng xử đó là cảm tính, không chuyên nghiệp.
Cho nên, truyền thông nội bộ phải làm cho được việc quan trọng này, đó là tuyên truyền đến từng thành viên của doanh nghiệp các nội dung liên quan đến các giá trị, trong đó có giá trị văn hóa, đồng thời xây dựng bộ quy tắc ứng xử với khách hàng đạt chuẩn mực cao nhất.
Điều cuối cùng, đó là chủ doanh nghiệp không thể chủ quan rằng sau khi tuyên truyền thì mọi người có thể hiểu và hành động ngay. Việc truyền thông nội bộ các nội dung căn bản về giá trị doanh nghiệp phải được thực hiện thường xuyên, cập nhật các quy định hay giá trị mới, và phải giám sát, kiểm tra. Nhân viên càng hiểu biết, càng chia sẻ và ứng xử chuẩn mực thì càng hạn chế được khủng hoảng.
Chúc anh Long ăn Tết vui vẻ nhé, có gì cần trao đổi thì cứ meo cho tui.
Trần Quí Thanh
(Hãy gửi thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)