Chat với 200 CEO

Trần Quí Thanh

Ông Trần Quý Thanh, ông chủ của Tập đoàn Tân Hiệp Phát tại buổi tọa đàm với hơn 200 CEO trong nhiều lĩnh vực kinh doanh.

Như đã nói ở bài trước, CEO Tour là chuỗi sự kiện được tổ chức bởi CEO 1000 nhằm kết nối giá trị các CEO ở các tập đoàn, doanh nghiệp nổi bật. Chuyến tham quan đáng nhớ, vui, ấm áp với tình thương mến thương.

Chuyến tham quan còn để lại một sự kiện ấn tượng, đó là buổi toạ đàm của 200 CEO  với CEO Tân Hiệp Phát. Buổi tọa đàm diễn ra sôi nổi với các chủ đề về tài chính doanh nghiệp, quản trị thương hiệu, quản trị nhân sự. Được biết, đây là buổi tọa đàm tiếp nối với buổi tiếp xúc của Dr. Thanh với CEO 1000 trước đó.

Khách mời buổi tọa đàm hào hứng và đặt nhiều câu hỏi cho tui và cho tui được có cơ hội chia sẻ với các CEO.

Dưới đây là câu hỏi và trả lời:

1) Khi xây dựng nhà máy mới mà chưa sản xuất ra sản phẩm, ông có lo rằng sẽ không sử dụng hết công suất nhà máy, lo đòn tấn công từ đối thủ, từ nội bộ?

– Ông Trần Quí Thanh – TGĐ Tân Hiệp Phát: Không có rủi ro thì không làm, vì ít rủi ro thì mọi người sẽ nhảy vào làm hết, khó cạnh tranh. Không làm nếu rào cản quá đơn giản. Tuy nhiên chúng ta đã làm phải làm bài bản, phải có kế hoạch, xác định lợi thế cạnh tranh là gì. Bên cạnh đó phải có quy trình phân tích kinh doanh, phân tích rủi ro, lợi nhuận có hấp dẫn không, có quản lý được rủi ro không, càng rủi ro, càng ít người tham gia thì giá trị và lợi nhuận mang lại càng cao. Nếu tỷ lệ thắng – thua là 50/50 thì làm được. Nếu không may vấp ngã thì đứng lên đi tiếp.

2) Làm thế nào sau khủng hoảng truyền thông nặng nề đến nỗi gần sắp bán luôn công ty như thế mà THP vẫn có thể vượt qua và phát triển hơn trước ?

– Chị Trần Uyên Phương – Phó TGĐ Tân Hiệp Phát: THP thành công như ngày hôm nay là do Dr. Thanh không quay lại trách móc, oán trách, tiếc than, đổ thừa gì những thất bại, những sự cố, khủng hoảng. Dr. Thanh luôn nhìn vấn đề và giải quyết vấn đề. Nếu thất bại thì do năng lực mình không đủ chứ không phải đổ thừa người khác, đổ thừa hoàn cảnh.

3) Dạy con khởi nghiệp thế nào cho đúng ?

– Ông Trần Quí Thanh – TGĐ Tân Hiệp Phát: Với các con tôi đều khuyên đi học thêm Quản trị kinh doanh cho dù nó có đam mê ngành nghề khác. Bởi vì, nếu muốn làm trung phú thì hãy làm công cho mình, còn muốn làm đại phú thì hãy học quản trị kinh doanh để học cách dùng người. Vì một mình không thể nào làm công việc của hàng chục, hàng trăm, hàng ngàn người được.

4) Giá trị cốt lõi của THP được triển khai thế nào ?

– Chị Trần Ngọc Bích – Phó TGĐ Tân Hiệp Phát: Đây là những giá trị tạo sự khác biệt. THP mất rất nhiều thời gian mới xây dựng xong giá trị cốt lõi. Trước đây nó rất chung chung, mơ hồ, đến xuống dưới cấp nhân viên thì mỗi người hiểu một nghĩa. Do đó, ban lãnh đạo phải chi tiết hóa để dễ hiểu. Ví dụ giá trị “Chính trực” thì tại THP có các hành vi gì ? Trong tình huống này, “Chính trực” sẽ quyết định như thế nào là tốt. Nếu đạt KPI mà không đạt giá trị cốt lõi thì cũng xem như không đạt. Vì vậy, giá trị cốt lõi được lồng vào KPI và đánh giá nhân viên, được kiểm soát định kỳ.

5) Xây dựng văn hóa công ty như thế nào ?

– Chị Trần Ngọc Bích – Phó TGĐ Tân Hiệp Phát: Xây dựng văn hóa công ty là xây dựng việc hành xử hàng ngày của nhân viên. Làm sao để nhân viên phát huy những giá trị cốt lõi chính như là: luôn luôn mở miệng nói không gì là không thể, phải làm chủ được công việc được giao, phải thỏa mãn khách hàng của mình, phải chính trực trong lời nói và hành động. Từ một đội ngũ đã có sẵn các giá trị cốt lõi này, công ty sẽ dễ dàng xây dựng văn hóa công ty.

6) Làm sao để giữ nhân tài, để họ trung thành với công ty ?

– Ông Trần Quí Thanh – TGĐ Tân Hiệp Phát: Muốn nhân viên trung thành với mình thì mình phải thỏa mãn những gì họ mong đợi. Tùy từng người mà công ty sẽ đáp ứng các nhu cầu khác nhau. Nhân viên có gắn bó hay không tùy vào người lãnh đạo. Quan trọng là lãnh đạo cam kết phát triển cho nhân viên. Vì vậy công ty cần tạo lộ trình phát triển cho họ. Công ty mở lớp đào tạo cho nhân viên, chọn những người nổi bật vào một nhóm để đầu tư phát triển họ. Công ty bắt buộc những người lãnh đạo, quản lý phải phát triển cho nhân viên của họ, điều này bắt buộc trong KPI.

7) THP đối với đối tác là nhà cung cấp thế nào, có ỷ lớn chèn ép họ không ?

– Ông Trần Quí Thanh – TGĐ Tân Hiệp Phát: Nhà cung cấp (NCC) được xem là khách hàng của Phòng mua hàng trong công ty, nên chính phòng này phải “Thỏa mãn khách hàng” theo giá trị cốt lõi đầu tiên. Nếu chúng ta nghĩ chỉ để mình thắng một chiều thì ắt sẽ thua. Đôi bên cùng thắng, cùng có lợi, và cùng phục vụ khách hàng mới là lâu dài. Làm sao cùng hợp tác với nhau nhiều năm thì mới hiệu quả, được lợi về nhiều mặt. Hai bên tin tưởng nhau, cùng mạnh như nhau thì mới phát triển và hỗ trợ nhau nhanh chóng.

8) Làm sao chăm sóc khách hàng ?

– Ông Trần Quí Thanh – TGĐ Tân Hiệp Phát: Với tiêu chí  “Thỏa mãn khách hàng” được đặt lên hàng đầu,  nhưng không chỉ nói miệng mà phải đo lường được, phải thăm dò khách hàng hàng ngày, hàng tháng. Thăm dò chi tiết đến việc hỏi tài xế chở hàng ra vào công ty có bị bảo vệ làm khó hay không, khách hàng có bị đối xử bất lịch sự hay không, mọi việc khách hàng có thể phản ánh qua đường dây nóng v.v. Nếu có vấn đề gì, nhân viên phòng CSKH phải tìm hiểu nguyên nhân và xây dựng ngay phương án khắc phục, phòng ngừa tái diễn. Tất cả phòng ban phải theo dõi kiểm ra thường xuyên đảm bảo sự hài lòng phải tăng chứ không giảm, bao gồm khách hàng ngay trong nội bộ công ty.

Minh Quế ghi.

 

 

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *