Chính phủ điện tử và ba lực cản từ con người

Trần Quí Thanh

Nguồn hình: Internet

—–

Qua phiên họp đầu tiên của Ban chỉ đạo Quốc gia về Chính phủ điện tử, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tỏ rõ quyết tâm xây dựng Chính phủ điện tử, không còn chần chừ, chậm chạp như trước.

Tui nói thiệt bụng, đọc các bài viết về sự kiện này trên các báo, mừng quá trời mừng. Nhưng cũng nói thiệt, đã từng hy vọng và thất vọng nên cũng còn lo lắm.

Bởi vì, đâu phải mới lần đầu đâu, chủ trương, đề án về Chính phủ điện tử có từ lâu, nhưng triển khai không thành công, cho đến nay, nền hành chính quốc gia vẫn còn thủ công. Hiện Việt Nam xếp hạng 88/193 quốc gia và đứng thứ 6 khu vực ASEAN về Chính phủ điện tử, một thứ hạng quá thấp.

Quyết tâm xây dựng Chính phủ điện tử thì rõ rồi, nhưng phải thấy lực cản từ đâu để loại bỏ nó. Theo tui, đó chính là con người – là cán bộ lãnh đạo, công chức đang hoạt động trong bộ máy công quyền.

Nhiều chuyên gia về công nghệ thông tin cho rằng, việc thiết kế hạ tầng công nghệ, các phần mềm, chương trình ứng dụng không khó, khó nhất là thay đổi nhận thức, thói quen và kỹ năng của lực lượng cán bộ công chức. Về điều này, Quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã phân tích rằng, doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin xếp hạng cao – Top 30 thế giới mà Chính phủ điện tử xếp hạng thấp (88) là do chúng ta không làm, chứ không phải vì năng lực không làm được.

Trong bộ máy hành chính, có rất nhiều người không chịu học, trình độ công nghệ thông tin hạn chế, không sử dụng được các chương trình ứng dụng, kỹ năng thao tác kém, tiếp thu cái mới khó khăn. Đây là lực cản thứ nhất.

Nói thẳng luôn, không ít người nghĩ rằng, nếu xây dựng hoàn thiện Chính phủ điện tử, mọi hoạt động hành chính đều “điện tử hóa” thì sẽ có nhiều người bị loại ra khỏi bộ máy vì dư thừa và không theo kịp hệ thống vận hành mới, cho nên họ không muốn thay đổi. Đây là lực cản thứ hai.

Và nguy hiểm hơn, vẫn còn có những người tính toán rằng, Chính phủ điện tử sẽ công khai, minh bạch, và họ thì không muốn điều này. Mọi thứ đều minh bạch thì không còn chỗ cho tiêu cực, hạch sách, nhũng nhiễu. Khi mà các mối quan hệ nhà nước – công dân đều “điện tử hóa” thì phong bao phong bì không còn đất sống.

Cả ba lực cản trên đều từ con người.

Sài Gòn ngày 23/09/2018

TQT

Bài đọc thêm,Link: Chính phủ mạnh tay trị bệnh “sợ minh bạch”

(https://thanhnien.vn/thoi-su/chinh-phu-manh-tay-tri-benh-so-minh-bach-1005099.html)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *