hi chưa gặp ông, tôi nghĩ Trần Quí Thanh là một người độc đoán, chỉ biết công việc không quan tâm tới vợ con, gia đình. Có vậy cô con gái cả Trần Uyên Phương đã từng có lần khuyên mẹ mình ly dị bố. Nhưng tới dự lễ kỷ niệm 40 năm ngày cưới vợ chồng ông, tôi bắt đầu có linh cảm hay mình chưa hiểu hết con người này?
Nhìn ông ân cần dìu người vợ đã yếu vì trải qua 2 cơn bạo bệnh bước vào thánh đường Nhà thờ làm lễ nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày cưới vừa tổ chức tuần qua, tôi vẫn tự hỏi: “Hành động này có bao nhiêu phần trăm của sự chân thành?”Chút nghi ngờ còn sót lại này cũng tan biến sau khi tôi được trực tiếp trò chuyện với vợ chồng ông.
Ông Thanh có khuôn mặt chữ “Điền”, hàng ria mép khá dày và giọng nói trầm ấm. Đây là tướng mạo của một người đàn ông thông minh, lịch thiệp với phụ nữ dù vẻ bề ngoài có đôi chút lạnh lùng. Thường những người có tướng mạo như vậy có niềm kiêu hãnh riêng, nhưng một khi đã yêu thì bằng cả trái tim.
Điều này thể hiện qua ánh mắt hạnh phúc, tự hào của vợ ông, bà Phạm Thị Nụ và câu chuyện của hai người. Khi tôi hỏi bà Nụ về câu chuyện cô con gái Trần Uyên Phương đã có lầnđề nghị bà ly dị chồng, bà trả lời “Cái gì của tôi, tôi phải giữ”. Nghe xong câu đó, ông Trần Quí Thanh quay lại nhìn bà, vừa cười, vừa nói “Bà phải trả lời là ngu gì mà bỏ mới đúng chứ”.
Chỉ là câu nói đùa, nhưng lại chứa đựng bao nhiêu kỷ niệm, chứa đựng cả quãng thời gian 40 năm ông bà cùng nhau đi qua những ngọt bùi, gian khó.
Ngày bắt đầu thành lập Tân Hiệp Phát, ông Trần Quí Thanh muốn làm nước giải khát và bà Nụ đã đánh cược số phận mình và 3 người con khi đồng ý cho chồng chi hết tất cả vốn liếng, tài sản có được để mua lại 5 dây chuyền thanh lý của Công ty Bia Sài Gòn với giá khoảng 1,2 tỷ đồng dù quyết định đó rất mạo hiểm, khả năng thành công thì ít mà thất bại thì nhiều. Số tiền đó vào năm 1990 là một khoản cực lớn. Khi tôi hỏi tại sao bà lại quyết định mạo hiểm cùng ông, bà trả lờinhẹ như không: “Tại ông ấy ham chơi nên tôi bày việc cho ông ấy làm”.
Nói là vậy, nhưng ông Thanh hiểu sự ủng hộ của bà và sự khởi nghiệp thành hay bại bắt đầu từ đây. Đến giờ ông vẫn biết ơn vợ vì luôn ủng hộ ông trong mọi quyết định. Nếu khi đó bà không ủng hộ, chắc gì Tân Hiệp Phát thành công như ngày hôm nay.
Vì sao ông lại đặt tên công ty là “Tân Hiệp Phát”?
Sự nghiệp Tân Hiệp Phát mà chúng tôi khởi sự từ cách đây mấy chục năm bắt đầu từ việc xây dựng lại sự nghiệp bố tôi để lại. Gia đình tôi trước kia có công ty tên Hiệp Phát. Đến năm 1990, Chính phủ bắt đầu cho thành lập doanh nghiệp tư nhân nên tôi cùng vợ bàn chuyện thành lập công ty. Vì vừa muốn giữ lại thương hiệu của gia đình vừa muốn đổi mới nên chúng tôi đặt tên là “Tân Hiệp Phát”. “Hiệp Phát” là con người cùng đồng lòng hợp lại với nhau để phát triển. Chúng ta cùng đến đây không phải để làm thuê mà là đóng góp công sức với nhau, người có trí tuệ, người có vốn, người có kinh nghiệm hợp lại cùng phát triển công ty này. Còn “Tân” có nghĩa là mới mẻ, đổi mới.
Thành công của Tân Hiệp Phát đến ngày hôm nay, theo ông, đâu là yếu tố quan trọng nhất?
Tôi nghĩ là nhờ cả một quá trình tích luỹ và có cả may mắn. Vì khi đó (đầu những năm 90 của thế kỷ trước) đất nước đang sống trong môi trường khoa học kỹ thuật trong nước chưa phát triển, kinh tế chưa mở cửa, máy móc thiết bị rất khó mua.
Tuy nhiên, may mắn là chúng tôi có cơ hội gặp được Công ty Bia Sài Gòn thanh lý 5 dây chuyền bán phế liệu. Đây là những máy móc thiết bị đã hoạt động hơn 50 năm rồi, gần như năng suất từ 25 nghìn chai/giờ thì chỉ còn có 7 nghìn chai/giờ. Cho nên Nhà nước thanh lý đi. Thanh lý nhưng không muốn nguyên dây chuyền nên họrã dây chuyền ra, bán các phần nhỏ từ nhiều nhà kho khác nhau, bán theo kí, bán từ những bộ phận quan trọng nhất cho tới những chi tiết đơn giản như ốc vít cho bãi phế liệu. Tôi tham gia đấu giá với tư cách người mua phế liệu và mua với giá khoảng 1,2 tỷ đồng.
Sau đó, chúng tôi đã tổng hợp đủ các thành phần,vẫn lắp ráp thành công và sử dụng dây chuyền đó một thời gian. Dây chuyền sản xuất có khả năng sản xuất 1 triệu lít bia mỗi năm đã được mua với giá 1,2 tỷ đồng.Đây là bước khởi đầu thành công của Tân Hiệp Phát mà tôi nghĩ là do có yếu tố may mắn.
Chắc ông chưa quên, cách đây mấy năm, Tân Hiệp Phát lâm vào một cuộc có thể gọi là “đại khủng hoảng”. Chỉ từ một tranh chấp rất nhỏ với một người tiêu dùng về việc cho rằng có một con ruồi “chui” trong chai nước, cuộc khủng hoảng lan rộng khắp nơi. Báo chí, mạng xã hội tràn ngập thông tin. Không ít người tiêu dung tẩy chay sản phẩm của Tân Hiệp Phát. Những thông tin không chính thức cho rằng Tân Hiệp Phát bị thiệt hại tới hàng ngàn tỉ đồng từ vụ việc đó. Ông rút ra bài học gì từ vụ con ruồi?
Như chúng ta đều biết, Tân Hiệp Phát xuất phát từ con số 0, từ vốn, thương hiệu, quản trị, và kể cả truyền thông. Nhiệm vụ của chúng tôi là phải mày mò tự học hàng ngày, ngày hôm nay phải hơn ngày hôm qua.
Thú thực, lần đầu tiên vướng vào chuyện con ruồi “chui” vào chai nước, tôi không nghĩ sức mạnh của truyền thông lại ghê gớm vậy. Bất kỳ việc gì, nếu truyền thông và dư luận mà nói nhiều về việc đó thì nó trở thành sự thật. Bây giờ công bằng nhìn nhận lại, tôi nghĩ là trong 100 người hồi đó quan tâm đến vụ “con ruồi”, thì có khoảng 20% là chống Tân Hiệp Phát, ghét Tân Hiệp Phát (vì những lý do khác nhau), 40 – 50% là ủng hộ, chia sẻ với chúng tôi. Còn 30% còn lại thì không chống cũng không ghét, nhưng nghe nhiều thì cuối cùng họ lại tưởng đó là sự thật.
Vụ con ruồi ồn ào vì những người chống đối rất tích cực, thậm chí được thuê. Trong khi những người ủng hộ mình lại không muốn lên tiếng, sợ bị chửi, còn những người không biết thì nghe nhiều cũng tin.
Sau vụ con ruồi đó, tôi hiểu được lý do vì sao người ta tin. Lỗi do mình không truyền thông. Trước đó, mọi người chỉ biết về sản phẩm, chứ không biết đến Tân Hiệp Phát, không biết Dr Thanh là ai. Mình không nói thì ai biết, ai hiểu.
Nên sau vụ đó, tôi rút ra rất nhiều bài học về quản lý rủi ro truyền thông, tổ chức bộ máy truyền thông, mở website để chia sẻ với khách hàng, tạo lượng fan hâm mộ cho mình và đến nay chúng tôi cũng đã có được vài triệu fan.
Ông có nói về mục tiêu hướng tới của Tân Hiệp Phát là trở thành công ty hàng đầu Châu Á về nước giải khát. Liệu Tân Hiệp Phát có thể đạt được mục tiêu đó không nếu vẫn giữ mô hình công ty gia đình?
Tôi nghĩ công ty gia đình tốt hơn công ty đại chúng. Vì công ty gia đình là của một nhóm người gắn bó với nhau về huyết thống sáng lập và họ sẽ yêu nó hơn. Khi công ty gặp khó khăn thì sẵn sàng bỏ tiền bạc, công sức để vực dậy.
Công ty gia đình có nhiều loại, những công ty gia đình quy mô bé quá thì chưa quản trị tốt nên có thể mọi người ấn tượng không tốt. Nói là công ty gia đình nhưng không phải 100% là người của gia đình. Công ty gia đình là công ty mà một nhóm người sở hữu tỷ lệ % vốn đủ để đưa ra những quyết định quan trọng đến vận mệnh công ty.
Công ty gia đình là công ty sở hữu trên tinh thần gia đình nhưng quản trị theo tiêu chuẩn quốc tế, các công việc, nhân sự được sắp xếp đúng, đúng người đúng vị trí. Không phải vì là con mình thì đưa vào vị trí điều hành, nếu không đủ năng lực vẫn cắt chức, làm được thì làm, người thuộc gia đình mình không làm được mà có tiền thì cho làm thành viên HĐQT.
Vấn đề nguy hiểm nhất của việc đưa doanh nghiệp gia đình lên sàn chứng khoán đó là nếu ta quản trị chưa tốt, tinh thần gia đình trong công ty chưa cao, rất dễ xảy ra nguy cơ một ngày có thể đối tác nào đó sẽ nhảy vào mua đủ lượng cổ phần để tham gia quản trị, chi phối hoạt động khiến công ty trở nên mất kiểm soát.
Theo tôi, công ty gia đình vẫn tốt hơn phi gia đình và nếu có quyết định đưa công ty lên sàn chứng khoán chỉ là do muốn huy động thêm vốn.
Hay như Heineken cũng là công ty gia đình tồn tại hơn 150 năm. Họ lên sàn chứng khoán để huy động thêm vốn, nhưng tỷ lệ sở hữu mang tính quyết định vẫn nằm trong tay một nhóm người.
Công ty Heineken được thành lập năm 1864 bởi chàng trai Gerard Adriaan Heineken trên cơ sở mua lại từ một nhà máy bia có tên là De Hooiberg (Haystack) tại thành phố Amsterdam, Hà Lan. Khi đó Gerard Adriaan Heineken mới 22 tuổi. Năm 1873 sau khi thuê Tiến sĩ Elion (sinh viên của Louis Pasteur) phát triển cho Heineken một loại men cho quá trình lên men đáy Bavaria, công ty HBM (Heineken’s Bierbrouwerij Maatschappij) đã được thành lập, và bia thương hiệu Heineken đầu tiên được sản xuất.
Vậy Tân Hiệp Phát có cần vốn không? Trong vài năm tới, liệu ông có đưa Tân Hiệp Phát niêm yết trên sàn chứng khoán?
Nếu cần vốn thì niêm yết trên sàn chứng khoán là một kênh tốt. Như mọi doanh nghiệp khác, Tân Hiệp Phát cũng cần vốn nhưng chúng tôi có nhiều cách để huy động. Hiện chúng tôi chủ yếu huy động vốn thông qua đối tác chiến lược.
Hiện tại, Tân Hiệp Phát đang phát triển nhanh nên không chỉ cần vốn, mà cần cả nhân sự, quản trị để phát triển công ty gia đình này thành công ty đa quốc gia, giữ được tầm nhìn cốt lõi.
Cuốn sách “Chuyện nhà Dr Thanh” của cô con gái cả Trần Uyên Phương giúp nhiều người hiểu hơn về quá trình xây dựng một doanh nghiệp thành công như Tân Hiệp Phát phải trải qua quá nhiều thách thức, đánh đổi. Nếu thời gian quay trở lại, liệu ông có chọn lựa lại một cuộc đời như đã sống?
Sống mà không có mục tiêu, lý tưởng thì không có ý nghĩa. Chúng ta mỗi người chỉ có một cuộc đời thôi cho nên phải làm sao sống cho thực sự có ý nghĩa. Với cuộc đời, chúng tôi đã nỗ lực tối đa, đặt mục tiêu xa và nỗ lực thực hiện. Mỗi khi vấp ngã chúng tôi đều phải đứng lên và tiếp tục. Từ đó mà có được một số kết quả như ngày hôm nay.
Nếu được sống trở lại tuổi 20, tôi sẽ vẫn nỗ lực làm hết sức mình. Đối với tôi, cuộc sống có ý nghĩa khi mình được đóng góp, hoạt động có ích cho người khác, gia đình và xã hội.
Tôi vẫn thường nói với vợ và các con tôi: “Tuổi trẻ phải sống cho tương lai và tuổi già sống cho kỷ niệm”. Mình cứ nỗ lực hết sức để khi về già có chuyện để kể về những gì mình đã trải qua trong cuộc đời và đã nỗ lực như thế nào để cuộc sống có nhiều ý nghĩa.
Cho đến ngày rời khỏi cuộc đời này, mình cũng chẳng thể mang theo được gì nhưng nếu nỗ lực sẽ để lại sự nhung nhớ của những người xung quanh. Vì thế, tôi luôn sống hết mình, làm việc hết mình.
Cuộc đối thoại 40 năm về trước và kết thúc bằng một đám cưới giản dị của ông Trần Qúi Thanh và bà Phạm Thị Nụ, người đồng sáng lập Tân Hiệp Phát.
Cho đến ngày rời khỏi cuộc đời này, mình cũng chẳng thể mang theo được gì nhưng nếu nỗ lực sẽ để lại sự nhung nhớ của những người xung quanh. Vì thế, tôi luôn sống hết mình, làm việc hết mình.
Ông nghĩ thế nào về hôn nhân?
Hôn nhân vừa là duyên, vừa là định mệnh mà chúng ta phải có một sự chọn lựa. Bởi vì hôn nhân là mình chọn người bạn đời để cùng nhau thực hiện hoài bão, mục tiêu của cuộc sống. Cho nên mình phải chọn một người bạn đời giống như một người đồng chí để chia sẻ, hỗ trợ nhau và mang lại hạnh phúc cho nhau.
Việc chọn một người bạn đời cũng phải dựa vào cái mình cho là giá trị cốt lõi để hai người phù hợp với nhau, bổ sung cho nhau. Khi người đàn ông gặp khó khăn, thách thức người vợ có thể bổ sung, hỗ trợ và ngược lại thì mới tạo ra được sự bền vững.
Đâu là khoảnh khắc hạnh phúc nhất trong 40 năm của ông?
Tôi chưa bao giờ có khái niệm hạnh phúc. Sở dĩ tôi nói vậy vì nếu tôi hạnh phúc thì đã dừng lại ở cái mình có. Bằng lòng với cái mình có chính là hạnh phúc. Tôi đang đi tìm thành công thì không bao giờ bằng lòng với hiện tại. Điều đó đồng nghĩa với việc không bao giờ có hạnh phúc. Tự thỏa mãn mình cũng chưa phải là quan trọng, mình chưa hạnh phúc mà làm người khác hạnh phúc là được rồi..
Tôi khát vọng mỗi ngày sống một cách trọn vẹn để mang đến nhiều thành tích, đóng góp cho xã hội. Tôi không quan trọng chuyện hạnh phúc mà quan trọng là thành tích, cho nên là đuổi theo mục tiêu lớn.
Con gái Trần Uyên Phương từng nghĩ khi bà Nụ bị bệnh ông sẽ đi lấy vợ khác. Thực tế chứng minh khi bà Nụ bệnh ông đã không đi đâu cả, ông ở bên cạnh bà. Vì sao vậy?
Khi bà nhà tôi bị bệnh, tôi không nghĩ bệnh nặng thế. Tôi không rành y khoa, cũng như không rành nội trợ. Cuộc đời tôi từ nhỏ tới lớn, giờ 70 tuổi, chưa bao giờ vào bếp, giặt đồ. Thậm chí chưa bao giờ đi mua sắm một mình. Ai mua thì mình mặc, không mua thì thôi. Tôi chỉ tập trung vấn đề sở trường là làm ăn, kinh doanh. Vì vậy khi bà bị bệnh, tôi không tham gia. Chữa bệnh là của bác sĩ, mình tham gia có thể chỉ đem lại sự rắc rối.
Sau khi bà ấy bệnh, sức khỏe yếu đi mà tôi không biết. Nhiều khi có tiếng động lớn bà cũng hoảng đến độ nhức đầu luôn. Có những lúc hiểu lầm nên tôi lớn tiếng làm bà căng thẳng. Rồi tôi nhận ra bà đau lòng. Điều này thật sự làm cho tôi lo lắng, không ngủ được vì sợ tác động đó khiến bà bị đột quỵ lần nữa. Mà cái này nguyên nhân lại do lỗi của mình.
Khi ấy, tôi mới hiểu khi người ta bệnh thì yếu như thế, tại mình chưa trải qua nên chưa hiểu.
Khi vợ bị bệnh, ông sắp xếp thời gian như thế nào để có nhiều thời gian bên vợ?
Khi vợ tôi bệnh, tôi chỉ làm những gì không thể ủy quyền. Khi thấy được, tôi ủy quyền hết, không làm chuyện lặt vặt. Có những việc người khác làm tốt hơn, chẳng lý do gì mình làm cho hình thức. Mình nghèo thời gian, ngày chỉ 24 tiếng có phải 25 tiếng đâu, có tới 5 ngàn nhân viên chứ ít ỏi đâu. Cho nên cái gì người khác làm bằng hoặc tốt hơn là tôi ủy quyền.
“Khi tôi bệnh, ông ấy làm tôi thấy cảm động hơn. Cứ chiều đến là ông vào thăm tôi. Ngày nào nhà tôi cũng vào ăn cơm với vợ. 30 ngày đủ 30 ngày. Rất cảm động.
Nói là bận thì nhà tôi lúc nào cũng bận. Họp suốt, 2-3h sáng cũng không đứng lên. Nhưng tôi bệnh thì nhà tôi sắp xếp, 5 rưỡi chiều là đi về, không làm việc nữa.
Tôi rất biết ơn nhà tôi đã cư xử như thế. Vì thế, không lý do nào mà tôi không bày việc cho nhà tôi làm tiếp (cười)” Bà Phạm Thị Nụ
Điều gì ở vợ khiến ông tự hào?
Về công việc, bà ấy là người muốn làm hết sức mình. Thậm chí, tôi bận về công việc hoạch định và tổ chức nên mọi việc ngoại giao thì bà đảm nhiệm. Bà sẵn sàng uống rượu cả chai, về ói lên ói xuống nhưng vì công việc thôi. Đó là thể hiện trách nhiệm. Thật sự, tôi rất tự hào về vợ mình.
Tôi giáo dục con cái là khi cưới vợ gả chồng không phải đi tìm người yêu, mà là tìm bạn đời. Tìm người chia ngọt sẻ bùi, nói nôm na kiểu “cách mạng” là tìm đồng chí. Hai người phải cùng chung chí hướng để bổ sung cho nhau, chứ không phải cưới vợ chỉ để yêu đương. Và tôi tự hào mình đã chọn đúng.
Quan điểm của giới trẻ và nhiều người là “có sự nghiệp thì phải đánh đổi gia đình. Theo ông điều này có đúng không? Làm thế nào để có được cả hai?
Không nên đưa ra những tình huống quá là cực đoan. Tôi không nghiêng hẳn một bên nào mà phải cân bằng cả hai: gia đình và thành công. Sau khi cân bằng rồi, tôi hơi nặng về thành công một chút. Thành công rồi ta lại quay ngược về hạnh phúc gia đình.
Nhưng gia đình chỉ chiếm 30% thời gian của mình thôi, bởi vì đối với gia đình vẫn dễ hơn vì ta chỉ xử lý những chuyện nằm trong tầm tay. Còn những yếu tố bên ngoài là yếu tố chúng ta không thể xác định và thách thức nhiều hơn. Nhưng cũng chỉ nên dành 70% cho sự nghiệp, cho thành công thôi, vì không thể dồn hết sức cho thành công đến độ nhiều tiền không biết tiêu xài thế nào hay sụp đổ gia đình lúc nào không biết.
Trong các cuốn sách đã viết, trong những lần trả lời phỏng vấn báo chí, các con ông thường “than phiền” về cách dạy con rất khắc nghiệt của ông. Còn vợ ông, bà bày tỏ quan điểm thế nào về cách dạy con của ông?
Thực ra, quan niệm của vợ chồng tôi nhiều khi cũng có xung đột. Quan điểm của tôi là muốn con thành tài thì không có cách nào khác phải huấn luyện, mà không có huấn luyện nào không gian khổ, vất vả, đôi khi phải đau đớn. Đó là một cách thương con.
Còn phụ nữ, thương con là muốn cho con mình ăn ngon, mặc đẹp, muốn cho con mình được mọi sự thuận lợi dễ dàng, có nhiều điều kiện. Cho nên nhiều khi tôi đưa ra những chương trình khá khắc nghiệt để đào tạo, rèn luyện con cái thì vợ tôi cũng nóng ruột.Thậm chí có lúc vợ tôi hỏi: “Có phải con anh không mà sao để nó vất vả thế?”.
Tôi nói mỗi người có một cách thương con. Thương kiểu người mẹ là nhiều khi rèn dạy con cái, mua chừng chục cái roi mây, bắt con nằm xuống, đánh bể hết 10 cái roi mây mà chưa trúng nó. Nhưng như thế chưa phải là thương con đâu.
Mình cần phải cho con nên người, để mai mốt nó đủ sức tự nuôi dưỡng, chăm sóc cho bản thân và lo cho gia đình của nó chứ mình đâu cần mình già nó nuôi mình. Vấn đề quan trọng con cái là sản phẩm của mình, là người kế tục và thực hiện hoài bão của mình, cho nên làm thế nào để trang bị cho con hành trang để bước vào đời, trải nghiệm, có thêm kiến thức, kinh nghiệm kể cả trong những lúc thành công hay thất bại.
Tại sao ông lại chọn cô con gái cả Trần Uyên Phương đào tạo để trở thành người kế nghiệp của mình tại Tân Hiệp Phát?
Thật ra thì hai cô con gái của tôi mỗi cô giỏi một cách. Để có thể duy trì sự nghiệp thì đòi hỏi 2 khả năng, một là khả năng quản trị và hai là khả năng khai thác, kiếm tiền. Trần Uyên Phương được mọi người biết tới nhiều bởi vì cô ấy tham gia vào công tác truyền thông, Marketing, các hoạt động được đào tạo để chơi những trò chơi rủi ro, từ đó để đi khai thác cơ hội.
Còn Trần Ngọc Bích là một người sống chặt chẽ, đi chuyên ngành Tài chính, Kế toán, Nhân sự cho nên đã tự trang bị cho mình năng lực để quản trị nội bộ, giữ tiền. Trường hợp chị hai có “vung tay quá trán” thì Bích cũng giữ tiền lại được. (cười)
Một người học cách tạo ra tiền và một người học cách giữ tiền, cả hai phối hợp lại thì mới có thể thay thế bố, có thể làm hơn bố được, để kế tiếp hoài bão, để đưa tầm nhìn của Tân Hiệp Phát thành một công ty hàng đầu Châu Á.
Nói chung, mỗi người con sinh ra đều có một cá tính, ba đứa con tôi đều đi học nước ngoài. Câu con trai út học ở Mỹ và quan điểm cho đến năm 18 tuổi thì phải ra ngoài bay nhảy. Cậu ấy thích bay nhảy sớm thì cứ cho ra ngoài và sẽ học tập được thất bại của bản thân.
Tôi thấy có câu này rất hay: Từ nhỏ đến lúc trước khi thi tốt nghiệp trung học thì thấy rằng không ai giỏi bằng thầy cô. Trước khi tốt nghiệp đại học thì thấy không ai giỏi bằng mấy giáo sư của mình. Khi tốt nghiệp đại học rồi thì nghĩ mình là toàn bộ, toàn thân hoàn hảo hết rồi, tất cả mọi thứ đều không sợ ai cả. Khi ra đời thì đụng chạm, mới thấy là mình không bằng ai hết, đụng đâu thua đó, bắt đầu mới trưởng thành hơn. Thanh niên thường muốn tự chứng minh bản thân nhiều hơn nên cứ để nó học, đó cũng là một con đường học.
Tại sao ông lại chọn lựa cuộc sống dấn thân và khát khao chinh phục khẳng định thành công trên thương trường? Điều này khiến cho ông mỗi ngày dành 16h cho công việc và không còn nhiều thời gian dành cho gia đình, con cái và nghỉ ngơi. Cuộc sống như vậy ảnh hưởng thế nào tới 3 người con của ông?
Tôi cũng thường chia sẻ, cái quan trọng nhất là tự thách thức bản thân, đặt mục tiêu rất thách thức và nỗ lực thực hiện để đem về thành quả cho người thân yêu, gia đình.
Đối với việc giáo dục con cái thì tôi luôn phải làm gương và 3 người con của tôi cũng đã học tập, bắt chước nên đều làm việc rất nhiều cũng như trang bị cho mình năng lực để đương đầu với cuộc sống.
Tôi thường nói với các con mình mỗi ngày chỉ có 24h, trong đó để phục hồi sức khỏe mất hết 8h, còn lại có 16h thôi. Trong 16 tiếng này thì có 8 tiếng là phải lao động để được sống, 8h còn lại chúng ta dành 4h để đi lại, ăn uống nên còn lại chỉ có 4h.
Người ta chỉ hơn nhau có 4h này thôi, vì vậy các con dùng 4h này vào mục đích gì thì các con sẽ nổi trội về mục đích đó. Nếu con dùng 4h này đi uống cà phê thì các con sẽ trở thành vua uống cà phê, nếu các con làm việc thì sẽ có nhiều kinh nghiệm hơn người khác, nếu dùng để trau dồi kiến thức, đọc sách thì con sẽ rất là uyên bác.
May mắn là các con tôi làm việc rất đam mê, chăm chỉ, tự trang bị năng lực bản thân và cũng không có nhiều nhu cầu vật chất để phục vụ cá nhân.
Xin cám ơn ông!