Diệp Thành Kiệt/ Báo TBKTSG
—–
Với một quốc gia mà GDP còn thấp như Việt Nam, hàm lượng giá trị gia tăng trong sản phẩm còn thấp; giá gia công, mặt bằng khoa học công nghệ; năng suất… chỉ ở mức trung bình hoặc thấp thì có lẽ lúc này chưa phải thời điểm để quyết định giảm giờ làm việc. Bởi điều này sẽ tạo thêm gánh nặng về chi phí và làm giảm sức cạnh tranh của quốc gia.
Hiện nay, trên diễn đàn của nhiều cuộc hội nghị, không khí rất nóng với việc thảo luận các nội dung được đề xuất nhằm sửa đổi Bộ luật Lao động, dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua vào cuối năm. Có khá nhiều nội dung được đề xuất thay đổi. Trong phạm vi bài viết này chỉ xin đề cập một nội dung duy nhất, đó là đề xuất giảm giờ làm việc từ 48 giờ/tuần xuống còn 44 giờ/tuần.
Thật ra, vấn đề giảm giờ làm việc không mới. Công chức nước ta đã làm việc 40 giờ/tuần kể từ ngày 2-10-1999 theo Quyết định 188/1999/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Nhưng công chức không phải là người trực tiếp tạo ra sản phẩm nên việc giảm giờ làm việc của họ đã không tạo nên nhiều ý kiến trái chiều.
Người lao động có hài lòng?
Giảm giờ làm việc mà vẫn giữ nguyên tiền lương thì hẳn 100% người lao động sẽ ủng hộ. Tuy nhiên, người lao động tại nước ta không chỉ trông chờ vào tiền lương mà còn vào nhiều khoản thu nhập khác không kém phần quan trọng, đó là các khoản phúc lợi doanh nghiệp ngoài quy định của luật, đặc biệt là tiền thưởng cuối năm. Liệu rằng những khoản này có được giữ nguyên khi giờ làm việc của họ được cắt giảm?
Ai trong chúng ta cũng biết rằng mọi khoản thu nhập ngoài lương của người lao động đều từ một nguồn duy nhất, đó là kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, nôm na là tùy thuộc vào việc “cái bánh” mà doanh nghiệp làm ra lớn hay nhỏ. Nếu làm ít giờ đi thì chắc chắn là “bánh” sẽ nhỏ lại, mà bánh nhỏ lại thì phần của mỗi người cũng sẽ ít đi – điều mà người lao động sẽ khó hài lòng!
Ai trong chúng ta cũng biết rằng mọi khoản thu nhập ngoài lương của người lao động đều từ một nguồn duy nhất, đó là kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, nôm na là tùy thuộc vào việc “cái bánh” mà doanh nghiệp làm ra lớn hay nhỏ. Nếu làm ít giờ đi thì chắc chắn là “bánh” sẽ nhỏ lại. |
Doanh nghiệp sẽ khó khăn ra sao?
Thử làm một bài toán đơn giản đối với một doanh nghiệp có quy mô trung bình trong ngành công nghiệp thời trang là 500 lao động. Thí dụ một doanh nghiệp sản xuất giày với công suất bình quân 3.000 đôi/ngày, người lao động có thu nhập bình quân 6 triệu đồng/tháng (1,5 triệu đồng/tuần).
Nếu doanh nghiệp sản xuất 48 giờ/tuần, tổng sản lượng là 18.000 đôi/tuần, và khi giảm giờ làm còn 44 giờ/tuần thì điều gì sẽ xảy ra?
– Trước hết, hiện trên 80% doanh nghiệp giày Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, phần lớn nhận gia công và trình độ công nghệ thấp. Do vậy, việc giảm giờ làm đồng nghĩa với giảm sản lượng. Từ sản lượng 18.000 đôi/tuần nay chỉ còn lại 16.500 đôi/tuần, giảm 8,33%.
– Bên cạnh đó, tổng chi phí tiền lương hàng tuần là 750 triệu đồng vẫn phải thanh toán đủ. Với phương án 48 giờ, chi phí tiền lương sẽ là 41.667 đồng/đôi. Nếu giảm giờ làm việc còn 44 giờ, chi phí tiền lương sẽ tăng lên là 45.455 đồng, tăng 9,1 % so với làm 48 giờ.
Chưa kể các chi phí cố định khác, như doanh nghiệp phải thuê nhà xưởng, khấu hao thiết bị, lương chuyên gia… Tất cả các khoản này đều khiến cho chi phí trên một sản phẩm tăng lên vì sản lượng giảm do giảm giờ làm việc.
Chỉ với một số phân tích đơn giản như trên, có thể thấy doanh nghiệp bị tăng mọi chi phí trên một đơn vị sản phẩm. Và như vậy, tính cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước giảm đi, miếng bánh tạo ra sẽ nhỏ lại, và rốt cuộc, chính người lao động sẽ chịu ảnh hưởng.
Đất nước bị ảnh hưởng thế nào?
Không cần dông dài, doanh nghiệp mất tính cạnh tranh thì đất nước không thể phát triển mạnh, theo công thức: dân và doanh nghiệp không giàu thì nước không mạnh.
Người viết không dám suy ra rằng sản lượng quốc gia sẽ giảm theo con số 8,3%, nhưng việc giảm trên 5% tổng sản lượng quốc gia cũng như giảm sút tính cạnh tranh quốc gia là điều mà phần lớn chúng ta có thể hình dung được. Riêng ngành da giày, theo công văn từ Hiệp hội Da giày Túi xách Việt Nam gửi Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, ngành dự báo có thể giảm sút khoảng 2 tỉ đô la Mỹ kim ngạch xuất khẩu mỗi năm so với mức xuất khẩu gần 20 tỉ đô la hiện nay.
Đó là chưa phân tích tới những tác động của bối cảnh thế giới, đặc biệt là từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung. Cần phải thấy những ảnh hưởng của việc Trung Quốc tìm đủ mọi biện pháp để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, phá giá đồng tiền, đẩy mạnh thâm nhập vào các thị trường ngoài Mỹ để tìm đầu ra cho hàng trăm tỉ đô la hàng hóa bị Mỹ áp thuế nhập khẩu, và cả sự trỗi dậy của các nước Tây Á, châu Phi với những sản phẩm có cùng thế mạnh xuất khẩu như Việt Nam.
Tại sao nhiều nước khác giảm giờ làm được?
Câu trả lời cũng không quá khó. Phần lớn những nước có số giờ làm việc 44 giờ/tuần hoặc 40 giờ/tuần đều là những nước đã phát triển, có GDP khá cao.
Để tránh khập khiễng, ta lấy ngay số liệu trong khối ASEAN, hiện có 6/10 nước vẫn duy trì chế độ làm việc 48 giờ/tuần, có 4 nước làm việc dưới 48 giờ/tuần, bao gồm:
– Singapore và Brunei có GDP đầu người rất cao, Indonesia cũng có GDP cao gấp 1,52 lần Việt Nam.
– Chỉ có Myanmar có GDP thấp, lại có chế độ giờ làm việc 44 giờ. Tuy nhiên, qua tham khảo nhiều nhà đầu tư sang Myanmar, tại đây không có chế độ thưởng cuối năm.
Thử tìm hiểu sang các nước châu Á và một số nước có tính chất giống Việt Nam:
Chỉ có Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm việc dưới 48 giờ/tuần, hai nước này đều có GDP cao hơn Việt Nam nhiều. Các nước còn lại đều có số giờ làm việc là 48 giờ. Riêng Hàn Quốc là 52 giờ dù GDP rất cao.
Kết luận
Giảm giờ làm, tăng thu nhập là một xu hướng tất yếu, không chỉ tại Việt Nam, vì có như vậy, người dân mới có thêm thời gian học tập để nâng cao trình độ, hay đơn giản hơn là dành cho nhu cầu nghỉ ngơi. Do vậy, hướng tới mục tiêu này là trách nhiệm của cả nước, bao gồm những nhà quản lý đất nước và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, với một quốc gia mà GDP còn thấp như Việt Nam, hàm lượng giá trị gia tăng trong sản phẩm còn thấp; giá gia công, mặt bằng khoa học công nghệ; năng suất… chỉ ở mức trung bình hoặc thấp thì có lẽ lúc này chưa phải thời điểm để quyết định giảm giờ làm việc. Bởi điều này sẽ tạo thêm gánh nặng về chi phí và làm giảm sức cạnh tranh của quốc gia.
Hãy nhìn Hàn Quốc, một con rồng châu Á với mức GDP hơn 30.000 đô la Mỹ/người, vậy mà mãi đến năm 2018 vừa qua, họ mới điều chỉnh giờ làm việc từ 68 giờ xuống 52 giờ/tuần (**).
Nên chăng chúng ta hãy thống nhất đề ra việc giảm giờ làm như một mục tiêu quốc gia với một lộ trình cùng sự phân công cụ thể: Nhà nước phải làm gì, doanh nghiệp làm gì, người lao động làm gì? Khi đó, cả nước sẽ phấn khởi cùng nhau đưa ra quyết định, chứ không phải là những đề xuất từ sự thiên kiến hay sự bức xúc nào đó mà thiếu đi những giải pháp căn cơ, lâu dài.
(**) Theo https://data.worldbank.org/indicator/ny.gdp.pcap.cd
(**) Theo CNN: https://edition.cnn.com/2018/07/02/health/south-korea-work-hours/index.html
NGUỒN: Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn
Link bài: Chưa phải lúc giảm giờ làm việc
(https://www.thesaigontimes.vn/