Sau hơn ba tháng áp dụng chính sách giãn cách xã hội nghiêm ngặt theo tinh thần Chỉ thị 16, tình hình dịch bệnh có xu hướng trầm trọng hơn. Việc tiến hành phong tỏa những vùng dịch đang tái hiện lại thời kỳ “ngăn sông cấm chợ” trong thế kỷ trước khiến nền kinh tế và đời sống của người dân gặp muôn vàn khó khăn.
Theo tính toán của các chuyên gia “một tháng phong toả sẽ mất 2% GDP”. Trước thực tế này, Thủ tướng Chính phủ đã đặt vấn đề: Chống dịch nhưng vẫn phải bảo đảm phát triển sản xuất kinh doanh, không thể kéo dài phong toả mãi trên diện rộng.
Một kịch bản mới đang được tính đến: Chung sống với Covid trong tình hình mới.
Mỗi cơ thể mới là “pháo đài” đích thực
Ông Trần Tuấn – chủ một doanh nghiệp (DN) ở Khánh Hòa, bày tỏ: “Chống dịch như chống giặc”, đúng, nhưng cần hiểu đây là giặc gì? “Giặc” Covid, không phải giặc truyền thống. Covid không dừng trước barrier chốt gác phường xã mà nó tấn công vào cơ thể con người qua mũi- miệng- mắt rồi đường thở. Vậy xây dưng phường xã thành “pháo đài” chống dịch chỉ là biện pháp hành chính bề nổi, chưa đủ. Mỗi cơ thể mới là “pháo đài” đích thực với các vị trí tiền tiêu ngăn virus là mũi – miệng – mắt -họng. Vì vậy thực hiện 5K vô cùng quan trọng.
Theo ông Tuấn, chúng ta cần nhìn ra thế giới, lắng nghe các nhà chuyên môn dịch tễ, y bác sĩ đang hằng ngày cứu chữa người bệnh và đi sâu đi sát đời sống người dân trong mọi đường hẻm. Giãn cách xã hội kéo dài, nguồn dự trữ, lòng từ thiện, sức lực y tế sẽ mệt mỏi cạn kiệt. Đồng thời, các cháu học sinh không được đến trường sẽ dễ rơi vào trầm cảm, dẫn đến mối nguy hỏng cả một thế hệ. Trong khi sản xuất và chuỗi cung ứng bị đứt gãy, nền kinh tế suy thoái, hậu quả là khó lường.
Để khắc phục tình trạng này, ông Tuấn kiến nghị: Ngành y tế lo tập trung vào 20% ca nặng cũng như các bệnh khác lúc chưa có dịch. Tuyệt đối không để đứt gãy sản xuất cung cấp và vận chuyển nhu yếu phẩm tới người dân. “Bần cùng sinh đạo tặc” đang là nguy cơ hiện hữu, cần lường trước điều này. Thêm vào đó cần phải xã hội hoá vaccine để huy động mọi nguồn lực. Chính phủ dành ưu tiên hỗ trợ các đối tượng yếu thế.
Doanh nhân Nguyễn Thị Sơn kiến nghị: Việc tiêm phòng vaccine sao không phân về các phòng khám hoặc Trung tâm y tế dự phòng của các quận huyện như các loại vaccine khác mà cứ phải tập trung ở những điểm tiêm phòng như nhà thi đấu, trường học, đông người chen chúc, tạo ra sự lây nhiễm trong cộng đồng?
Ông Văn Đình Phong ở Hà Nội cũng đồng quan điểm: Vaccine giúp giảm tỷ lệ chuyển nặng và tử vong nhưng chưa phải là cứu cánh quyết định ngăn chặn sự lây nhiễm mới. Thực tế trên thế giới cho thấy dịch vẫn bùng phát trở lại kể cả những nước đã tiêm đủ 2 liều và lượng dân số ít như Israel và họ phải có phương án tiêm mũi 3. Trong khi điều kiện nước ta tỷ lệ tiêm phòng còn chưa biết bao giờ mới đạt 70 – 80% để có được sự miễn dịch cộng đồng? Cần xã hội hóa tiêm phòng để phát huy mọi nguồn lực thì mới đẩy nhanh được. Rất nhiều tập đoàn, doanh nghiệp, đơn vị và cá nhân có nhu cầu có thể tự lo tiêm cho đơn vị và gia đình mình thì sẽ bớt gánh nặng tài chính và thời gian vàng cho Chính phủ, để Chính phủ tập trung lo cho đối tượng cần hỗ trợ.
Con số thống kê vừa qua cho thấy: có tới 80% ca nhiễm không triệu chứng rồi tự khỏi; 15% chuyển nặng cần hỗ trợ y tế; 5 % cần chăm sóc đặc biệt, trong đó có khoảng 2% tử vong. Đại dịch Covid là không thể xem thường nhưng thổi phồng nguy cơ lên để rồi hy sinh cả nền kinh tế là điều cần phải cân nhắc.
Bài học của thế giới và Việt Nam không thể sống khác
Ông Việt Anh, người vừa kết thúc chuyến đi 12 nước châu Âu chia sẻ: Người dân châu Âu không sợ Covid, rất nhiều người không muốn tiêm vaccine. Mọi sinh hoạt và du lịch của người dân đều bình thường. Nước Đức và một số nước đang mở rộng điều tra về sự gian lận báo cáo tăng số người nhiễm Covid để lĩnh tiền trợ cấp của Chính phủ.
Thông qua xét nghiệm tử thi, các nhà khoa học phát hiện nhiều cái chết không do Covid gây ra, nhưng được đưa vào báo cáo để nhận tiền bảo hiểm. Sự buôn bán vaccine đã bị Chính phủ Đức kiểm duyệt chặt và phần lớn là vaccine của Đức sản xuất. Dân các nước biểu tình chống lại sự giãn cách xã hội và Chính phủ các nước EU đã phải cho người dân đi lại và du lịch tự do.
Mọi hoạt động ở châu Âu đã trở lại bình thường mặc dù theo báo cáo, số người nhiễm Covid vẫn cao, khoảng 40 đến 50 người trên 100 nghìn dân trong 7 ngày. Tóm lại Covid không có gì đáng sợ. Cái đáng sợ lớn nhất là sự đình trệ mọi sinh hoạt và sản xuất kinh tế, đồng thời làm dân chúng hoang mang và sợ hãi.
Nhìn sang nước láng giềng, từ ngày 1/9, Thái Lan đã chính thức mở cửa và chấp nhận cuộc sống bình thường mới với Covid. Theo đó, nước này nới lỏng một số hạn chế và mở cửa lại biên giới cho những du khách đã tiêm phòng, cho dù số ca nhiễm mới ở Thái Lan vẫn xấp xỉ 20.000 ca/ngày.
Ông Opas Karnkawinpong, Tổng giám đốc Cục Kiểm soát Dịch bệnh Quốc gia Thái Lan hôm 30/8 đã thông qua việc thay đổi chiến lược của đất nước sang “học cách sống chung với Covid-19”. Theo đó, hầu hết các loại dịch vụ như cắt tóc, nhà hàng, tiệm làm đẹp…được hoạt động trở lại.
Ấn Độ, quốc gia từng có số ca nhiễm coronavirus lớn thứ hai thế giới sau Hoa Kỳ với tổng số ca nhiễm là hơn 30 triệu với gần nửa triệu người chết nhưng đã nới lỏng lệnh giãn cách từ cuối tháng 6. Hiện nay tỷ lệ tử vong trên tổng số ca nhiễm ở Ấn Độ xấp xỉ 2%. Điều đáng nói là khoảng 80% người dân Ấn Độ đã xuất hiện kháng thể với Covid- 19 theo cách miễn dịch tự nhiên.
Trước những diễn biến mới của đại dịch, Thủ tướng đã có chuyến thị sát xuống từng “pháo đài” ở TP.HCM và Hà Nội. Nắm bắt thực tiễn, lắng nghe ý kiến đa chiều, Thủ tướng kết luận: “Xác định sống chung lâu dài với dịch, không thể khống chế tuyệt đối”, có nghĩa là chúng ta phải chấp nhận tổ chức lại cuộc sống, làm việc, sinh hoạt khi trong cộng đồng vẫn tồn tại các ca F0. Đây là nhận định rất thực tế của người đứng đầu Chính phủ.
Thủ tướng nói thêm: Các địa phương cần nhanh chóng xem xét đánh giá lại chủ trương phong toả cả thành phố, cả tỉnh với nhiều triệu dân theo Chỉ thị 16 làm tê liệt sản xuất kinh doanh, trong khi chỉ xuất hiện các ca dương tính ở một phường, một xã, thậm chí một xóm hay một tổ dân phố.
Nên chăng TP.HCM khi phân vùng xanh vùng đỏ để áp dụng các biện pháp cách ly chống dịch khác nhau cần chia nhỏ dựa trên địa giới của nơi có ca lây nhiễm, chứ không nên dựa vào địa giới hành chính như hiện nay. Khoanh vùng cách ly chống dịch lây lan là nhiệm vụ rất quan trọng, nhưng làm sao để duy trì được sản xuất và lưu thông hàng hoá, cũng như dần mở cửa lại các đơn vị kinh doanh dịch vụ theo nhận định sống chung với dịch của Thủ tướng là nhiệm vụ quan trọng không hề thua kém.
Đại dịch Covid rất phức tạp nhưng không quá nguy hiểm như một số người vẫn nghĩ. Chúng ta phải cân nhắc giữa phòng chống, giãn cách xã hội, trong đó có việc tái thiết lập cảnh “ngăn sông cấm chợ” với cái giá phải trả là nền kinh tế bị ngưng trệ. Tệ hơn nữa, việc giãn cách nghiêm ngặt kéo dài đã làm xuất hiện hội chứng “trùm chăn nằm nhà” của một bộ phận giới trẻ do bị trầm cảm, vì không được tham gia các hoạt động xã hội.