Minh Hoa/ Báo Doanh nhân Việt Nam
Chuyển giao thế hệ kế cận không phải chỉ ở thượng tầng, mà là cơ hội cho tất cả nhân viên công ty – nơi mà những hạt giống có thể thỏa sức nảy mầm phát triển.
Đây cũng là những chia sẻ ý nghĩa của các nữ doanh nhân thành đạt tại Tọa đàm về chủ đề nữ giới, với chủ đề “Vì một Việt Nam thịnh vượng”, trong khuôn khổ “Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019”.
Chuyển giao cho nhân viên ở nhiều cấp khác nhau
Để doanh nghiệp phát triển bền vững, theo bà Trần Thị Lệ, Tổng Giám đốc Nutifood, Nutifood quyết tâm đào tạo đơn vị kế thừa và đã sàng lọc đưa 137 người vào đào tạo.
5 yếu tố cần lưu ý để đào tạo thế hệ kế cận của Nutifood gồm:
Lựa hiền tài cho công ty. Những nhân viên được lựa chọn này phải mang lại giá trị cốt lõi cho công ty, hiểu về lịch sử và mong muốn kế nghiệp phát triển công ty sang giai đoạn mới. Đặc biệt họ phải là những người có thực lực.
Những “lão thành” của công ty phải có trách nhiệm bồi đắp cho thế hệ trẻ, chia sẻ cho các em những kiến thức chuyên biệt về doanh nghiệp để các em thấm từ đó phát triển lên.
Công ty phải có kế hoạch, tốn kém nhiều chi phí để có lịch đào tạo lâu dài, bền vững.
“Chúng tôi đã có kế hoạch phát triển bài bản, đào tạo đội ngũ trẻ tuổi, nhiệt huyết. Để truyền cảm hứng, bản thân tôi thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm làm việc với nhân viên, mong họ hạnh phúc, đam mê khi làm việc. Việc đào tạo đội ngũ tốn kém chi phí, nhưng tôi tin rằng những điều này sẽ giúp công ty phát triển tốt trong thời gian tới”, bà Lệ tin tưởng.
Chương trình chuyển giao thế hệ kế cận cũng đã được bà Nguyễn Bạch Điệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc FPT Retail chia sẻ. Bà Diệp cho biết, Tập đoàn FPT có hai chương trình đào tạo thế hệ kế cận là chương trình “Sư phụ – đệ tử” cho những người quản lý cao và chương trình đào tạo, chuyển giao cho nhân viên ở nhiều cấp khác nhau.
Câu chuyện về Tập đoàn gia đình Tân Hiệp Phát mà các thành viên đều tài giỏi đã tạo ấn tượng mạnh cho các đại biểu tham dự buổi Tọa đàm về sự chuyên nghiệp khi đào tạo thế hệ kế cận. Nữ doanh nhân Trần Uyên Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát khẳng định đào tạo thế hệ kế cận không chỉ dừng lại ở việc “cha truyền con nối” hay phải nghĩ ngay đến việc ai làm Tổng Giám đốc mà chính sự chuyển giao cũng tạo áp lực cho người tiền bối và con cái của mình.
“Tôi nhìn thấy sứ mệnh của mình trong thế hệ chuyển tiếp là khẳng định mình ra với thế giới. Những việc tôi làm đều muốn truyền cảm hứng cho các nhân viên của mình là biến điều không thể thành có thể”, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát nói.
Doanh nhân Uyên Phương chia sẻ Tân Hiệp Phát đã xây dựng bộ máy kế thừa từ năm 2009 và đến nay đã có nhiều bài học để Tập đoàn cải tiến chiến lược chuyển giao thế hệ kế cận.
Theo đó, Tân Hiệp Phát đã phải mất nhiều năm làm rõ quy trình bộ máy cần được làm chuẩn, mỗi vị trí đều phải có vai trò sáng lập. Tách nhà sáng lập ra hai vị trí CEO và Chủ tịch HĐQT. Quyền của thế hệ thứ nhất rất lớn nhưng thế hệ kế thừa giữ tất cả các vị trí trong tổ chức.
“Chúng tôi đã chuyển sang quy trình, chương trình tìm người thực hiện được 7 giá trị cốt lõi của Tân Hiệp Phát. Đào tạo thế hệ kế cận có giá trị nhất là nhân viên được làm ý tưởng đề xuất của họ. 5000 nhân sự của Tập đoàn là 5000 đại sứ của Tân Hiệp Phát, cho tất cả các vị trí quản lý. Không có tiêu chí nào của Tân Hiệp Phát cộng điểm cho người nhà hay người thân của người sáng lập. Chia sẻ là đào tạo một thế hệ kế thừa có thời gian, chuyển giao giá trị kế thừa là giá trị vừa hữu hình vừa vô hình (văn hóa hình thành nên doanh nghiệp). Giá trị quan trọng của chuyển giao thế hệ kế cận là truyền sức mạnh để mỗi người có thể làm được nhiều thứ cùng một lúc”, doanh nhân Uyên Phương chia sẻ.
Không gì là không thể khi tạo ra văn hóa truyền cảm hứng
Là một người không nhận chuyển giao từ các thế hệ kinh doanh trong gia đình, bà Nguyễn Bạch Điệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc FPT Retail cho biết, đánh giá về thế hệ kế cận, FPT khẳng định “không gì là không thể”. Vì vậy, sau một thời gian, lãnh đạo cấp cao FPT đã tiến hành chuyển giao cho các thế hệ kế cận và Tập đoàn vẫn không ngừng tăng trưởng.
Tuy nhiên, để đạt được thành công cho sự chuyển giao này, theo bà Cindy Hook, Tổng Giám đốc của Deloitte châu Á-Thái Bình Dương, các nhà lãnh đạo phải cân bằng mong muốn đạt thành quả ngày hôm nay, đồng thời thay đổi doanh nghiệp của họ để sẵn sàng cho tương lai.
Bà Cindy Hook cũng cho rằng, các nhà lãnh đạo thành công không chỉ cần đặt ra mục tiêu mà còn cần đảm bảo mỗi cá nhân trong tổ chức của họ hiểu được sâu sắc mục tiêu, tạo ra sự cam kết với mục tiêu chung và có niềm tin rằng những gì họ đang làm không chỉ có ý nghĩa cho tổ chức mà còn có ý nghĩa với xã hội. Mục tiêu nên được truyền đạt từ cấp dưới lên cấp trên thay vì cấp trên truyền đạt lên cấp dưới, đến từ cái tâm của từng thành viên.
Đặc biệt, lãnh đạo doanh nghiệp phải tạo ra một nền văn hóa truyền cảm hứng. Đó là, tạo môi trường làm việc lành mạnh để cho nhân viên phát triển đúng với tiềm năng của họ, mở ra các cuộc trao đổi về chiến lược, văn hóa. Bản thân có những chương trình để nhân viên hiểu về điểm mạnh của bản thân và làm việc tốt hơn.
NGUỒN: Theo Báo Doanh nhân Việt Nam
Link bài: Chuyển giao thế hệ kế cận….
(https://doanhnhanviet.net.vn/