Chuyện người bị rắn cắn và gói hỗ trợ đợt 2

Thanh Tuyền/ Báo Tuổi Trẻ

Nọc độc rắn hổ mang đã tấn công vào cơ tim của anh Tâm, vết rắn cắn ở đùi đang bị hoại tử nặng, sưng phù. (Theo Đời sống Việt Nam)

—–

Đang lan truyền chuyện cảm động, bạn Nguyễn Đỗ Trúc Phương (26 tuổi) biết anh Tâm vì muốn có tiền đóng học phí cho con đã bị rắn cắn, phải nhập viện cùng con rắn hổ mang chúa, đã kêu gọi cộng đồng.

Kết quả là nhận được 100 triệu đồng giúp anh chữa trị, có vốn làm ăn, không đi bắt rắn nguy hiểm nữa.

Giúp người, ngoài tình cũng cần vật chất, bởi có thực mới vực được đạo. Hàng triệu người lao động mất thu nhập do COVID-19 đang cần sẻ chia như vậy từ gói hỗ trợ đợt 1 và tới đây là đợt 2.

Cần nhắc lại, gói hỗ trợ đợt 1 chưa giúp người khó khăn như mong muốn có lý do ít tiền. Không hẳn địa phương nào cũng dư dả, có nơi chờ trung ương chi một phần tiền hỗ trợ. Vì vậy, được hỗ trợ, đa phần vẫn là người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo. Số đông lao động tự do trước đây tự làm nuôi gia đình, nay mất thu nhập, rất cần hỗ trợ nhưng không hẳn ai cũng nhận được cái nắm tay.

Gói hỗ trợ đợt 2 cần khắc phục tình trạng này, tức cần nhiều tiền hơn, bên cạnh đơn giản tối đa thủ tục nhận hỗ trợ. Nhưng có lãnh đạo bộ được giao trách nhiệm xây dựng gói hỗ trợ đợt 2 không giấu giếm, “còn tùy vào khả năng cân đối ngân sách”. 

Như vậy, mở rộng đối tượng nhận hỗ trợ còn tùy vào ngân sách quốc gia. Nhưng khi ngân sách gia đình teo tóp vì COVID-19 thì ngân sách quốc gia cũng rơi cảnh tương tự do hụt nguồn thu, chi lại nhiều hơn. Thế là khó rồi. Không có tiền sao mà chia sẻ, hỗ trợ!

Phải cần nhiều tiền cho gói hỗ trợ đợt 2, bởi gói này rất quan trọng, đa mục tiêu, dự phòng cho tình huống COVID-19 kéo dài, không chỉ kích thích tăng trưởng kinh tế mà còn kích thích tiêu dùng thông qua thuế. Có khả năng Chính phủ phát phiếu, tặng hàng hóa thiết yếu cho người dân khi giãn cách xã hội. Kích thích tiêu dùng chính là giúp cho người mất thu nhập sống qua dịch bệnh.

Vậy tiền ở đâu? Phải “thiên biến vạn hóa”, không chấp nhận “khó rồi, chịu thôi”. Cố gắng xoay trở như cô gái Nguyễn Đỗ Trúc Phương kêu gọi cộng đồng cùng chung tay hỗ trợ anh Tâm bị rắn cắn.

Xoay cách nào? Nới lỏng có kiểm soát chính sách tài khóa, như chuyên gia giải thích, đó là Chính phủ cần được vay nhiều hơn để có tiền chi hỗ trợ. Nếu chúng ta cứ loay hoay với túi tiền hiện có, sẽ đối diện với thực tế, gói hỗ trợ đợt 2 cũng như đợt 1. 

Chuyện đó xảy ra, người dân đành chịu, nhưng khi dịch đi qua, chúng ta khó lòng vực dậy nền kinh tế theo hình chữ V (suy giảm rồi tăng vọt trở lại), bởi trước đó chúng ta hỗ trợ người dân không đến nơi đến chốn, vì thế họ chẳng thể giúp doanh nghiệp cầm cự, trụ lại trong đại dịch.

Trong cái dở có cái may. Đợt hỗ trợ thứ nhất, ngân sách quốc gia không chi quá nhiều như các nước, nhờ vậy Chính phủ có thể vay mượn nhiều hơn cho gói hỗ trợ đợt 2. 

Mặt khác, thời gian qua Việt Nam đã cảnh giác với vay mượn nên các chỉ tiêu về quản lý nợ khá sáng. Nay có vay thêm vẫn theo nguyên tắc “kiểm soát”, vì thế không quá lo nợ nần sau này. 

Có chuyên gia nói lúc này Chính phủ không vay thêm là bất thường, bởi ngay Mỹ, Nhật… cũng vay “khủng” mới có tiền hỗ trợ dân, doanh nghiệp. Không có tiền, khó mà cứu dân, cứu doanh nghiệp. Vay đúng lúc, hỗ trợ đúng người, đúng thời điểm mới là chia sẻ trọn vẹn.

 

NGUỒN:  Theo Báo Tuổi Trẻ

Link bài: Chuyện người bị rắn cắn…

(https://tuoitre.vn/chuyen-nguoi-bi-ran-can-va-goi-ho-tro-dot-2-20200823080100712.htm)

1 (20%) 1 vote

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *