Chuyện nhà Dr Thanh- Chương 3: Ông Tám Hiệp Phát – Phần 1

Trần Uyên Phương

Theo nghề kinh doanh, suốt mấy chục năm trên thương trường, ngày nào ba tôi cũng làm việc quần quật từ sáng tới khuya. Quản trị doanh nghiệp, lo cho miếng cơm manh áo, cuộc sống của cả ngàn con người, là một dạng công việc không có giờ giấc, sự thành bại bất chợt có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Vẫn luôn tìm thấy thú chơi trong nghề kinh doanh, nhưng ba không coi nó là một trò chơi may rủi. “Không thể đánh cược một cách bản năng, duy ý chí nồi cơm của những người công nhân đi theo mình” – Ba bảo thế.

Và tất cả suy tưởng lãng mạn nhất của ba đều hiện lên từ đôi mắt thực tế trên thương trường của một nhà kinh doanh khiến nhiều lúc tôi phải băn khoăn tự hỏi mình, vậy người làm kinh doanh có bao giờ sống theo cảm xúc, mơ mộng hay chỉ biết đến kết quả, hiệu quả? Thậm chí, nói trắng ra là chỉ biết đòi hỏi người khác phải luôn vượt lên và vượt lên hơn nữa, làm việc hết mình, cống hiến hết sức?

Sau khi quan sát kinh nghiệm cả đời lăn lộn của ba, thậm chí nhiều lần đã đứng trước nguy cơ thất bại, có thể lại phải bắt đầu từ hai bàn trắng; tôi hiểu ba tin rằng không có khát vọng lớn, dám liều lĩnh, tạo ra sự khác biệt thì không phải là người kinh doanh thành công.

Nhưng điều đó đồng nghĩa với việc lúc nào cũng tự quẳng mình vào những thách thức, sóng to gió lớn mà người bình thường khó có thể chịu đựng. Ba kể cho tôi nghe về tuổi thơ và tuổi trẻ của ông, không phải những hoài niệm tiếc nuối, mà để cho chúng tôi, thế hệ kế thừa Tân Hiệp Phát hiểu được ông đã bắt đầu tư con số Không tròn trĩnh. Với một khởi điểm như vậy, nhìn lại thành quả ba tôi có được hôm nay, ý ba tôi mong muốn mấy đứa con phải vượt qua “cái bóng” quá lớn của gia đình.

***

Ba tôi gốc gác là dân Sài Gòn, thành phố của khai phá, khẩn hoang, quy tụ nhiều dòng người tứ xứ đổ về tìm mảnh đất mới, xây dựng nên một thành phố trẻ. Chính vì thế văn hóa Sài Gòn là văn hóa đa chiều hội nhập, con người năng động, trẻ trung trong phát triển kinh tế. Tâm tính của người Sài Gòn thường bộc trực, giản đơn như hai mùa mưa nắng, thực tế và phóng khoáng trên một vùng đất bao quanh là sông nước.

Ba ra đời tại xóm Cầu Bông, mé bên quận Phú Nhuận vào ngày 15/ 10/ 1953. Sau này ngày 15/10 cũng được chọn là ngày kỷ niệm truyền thống hàng năm của công ty Tân Hiệp Phát.

Khu vực Cầu Bông lúc bấy giờ chưa đô thị hóa kiên cố như bây giờ, còn nghèo nàn hoang sơ, nhưng ghe tàu ra vô buôn bán rất tấp nập. Ông nội tôi là ông Trần Văn Bưởi, con thứ tám trong một gia đình rất đông anh em. Nhờ bản tính xông xáo, tháo vát, lại rất giỏi buôn bán và các nghề cơ khí, nên một mình ông gần như cáng đáng hết mọi chuyện trong nhà. Ông chăm sóc cho các cụ nội tôi cùng gia đình. Thậm chí khi người em thứ mười chết sớm, ông nhận nuôi hết mấy đứa con của em.

Mọi người trong xóm hồi đó thường kêu ông là chú Tám Hiệp Phát, bởi đó cũng là tên vựa buôn bán vật liệu xây dựng của ông.

Tình hình kinh tế, chính trị miền Nam từ khoảng những năm 1940 đến 1954 rất lộn xộn. Chiến tranh đạn bom dữ dội, lại còn các giáo phái tôn giáo nổi lên tranh giành lãnh địa. Bom đạn, ly tán, cháy nhà cháy cửa, nên rất nhiều người dân, nhất là các tỉnh ngoài cần những vật liệu như xi-măng, mây, tre, nứa, lá để dựng lại nhà cửa. Vì thế vựa bán vật liệu xây dựng của nội tôi đắt như tôm tươi. Ghe tàu bạn hàng các tỉnh đáp vô tận nhà thu gom. Con người của nội kết hợp được tính cẩn trọng, chi tiết tỉ mỉ của nghề làm cơ khí và đầu óc thức thời, nhạy bén của một người kinh doanh nên ông giàu rất nhanh với vựa buôn bán vật liệu xây dựng.

Dù có tiền nhưng nội tôi là con người khắc khổ, khó tính, quen sống tự lập và hết sức chặt chẽ, chỉn chu trong từng công việc. Ông đã bắt tay vào việc gì là làm đến cùng, không ai ngăn cản được.

Bản tính này của ông thể hiện trong câu chuyện cuối đời nghe giống như giai thoại hài hước. Chẳng là đến năm đã gần 80 tuổi, ông còn lọ mọ tự tay kiếm vật liệu, tối ngày hì hục gò hàn, đóng cho mình chiếc hòm to bằng inox. Ông đặt nó trang trọng ngay giữa nhà, ra vô nhìn ngắm, sửa sang cho thật hoàn chỉnh. Nhiều người bu tới coi rồi đưa ra lời bình phẩm.

Có người bảo “Trời đất ơi, ông Tám đóng chiếc hòm bằng inox kín bưng, kiên cố thế này chôn xuống làm sao tiêu được…”. Ông ngớ ra một hồi, rồi lại hì hục tự tay rã chiếc hòm dùng vào việc khác. Sau đó ông lùng mua gỗ đinh hương, thả ngâm dưới sông trong nhiều tháng, để rồi tự tay đóng cho mình chiếc hòm bằng gỗ quý.

Ông chuẩn bị rất kỹ cho chuyến đi xa. Không muốn phiền đến ai, hay đặt mua, dù ông không thiếu tiền. Chiếc hòm gỗ đinh hương như một công trình chỉn chu cuối cùng tự tay ông làm, đã theo ông đi về thế giới bên kia.

(Còn nữa)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *