Trần Uyên Phương
(Tiếp theo Phần 1)
Suốt đời ba dường như chỉ quan tâm tới gia đình lớn, riêng gia đình nhỏ của chúng tôi ba “nhường” hết cho má. Không giống như ba đứa con, má luôn hiểu ba muốn gì, nhưng bản tính người đàn bà Á Đông dịu dàng trong một gia đình truyền thống, một mực chiều theo mọi ý muốn của chồng. Má biết tính cách ba cương cường giống hệt ông nội. Bà nội tôi vì không chịu nghe theo ông nội, tự mình tạo lập cơ nghiệp riêng, nên hai người đã li dị khi sống với nhau chưa đầy chục năm. Bài học đó đã giúp má tôi sống được cùng ba trọn cả cuộc đời.
Tôi và em Bích nhiều lần quá ngạc nhiên trước sự nhẫn nhịn phi thường của má. Hiếm có người đàn bà nào biến sự nhẫn nhịn và cam chịu thân phận thành niềm vui, hạnh phúc cho gia đình được như má. Tôi từng dằn dỗi, vặn vẹo má, tại sao thế này, tại sao thế kia, tại sao má không phản kháng với ba? Những lúc như vậy, má tôi chỉ cố cười tươi: “Thì biết làm sao? Ba đúng hết mà.”
Nhưng tôi đã nhầm. Hình ảnh bà Nụ cúi đầu cam chịu, chiều chồng như vậy không đúng với má. Đó chỉ là biểu hiện một tình yêu vô bờ bến và quyết định lựa chọn hạnh phúc của mỗi con người. Giống như nhiều người đàn bà gia phong truyền thống, má tâm niệm sống cho hạnh phúc gia đình.
Mãi sau này tôi mới nhận ra, dưới vẻ ngoài dịu dàng lùi lại phía sau, má tôi là người đàn bà thép, rất nhiều thứ ở Tân Hiệp Phát là do sự quyết liệt chèo lái của má mới thành công được.
Như tất cả những đứa con luôn nghĩ đến mình nhiều hơn, có những khi chúng tôi giận hờn ba má. Nhiều quãng thời gian không hiểu được ba má mình, cho đến một ngày tôi chợt nhận ra nếu thực sự là thành viên trong gia đình nghĩa là để đóng góp chứ không phải đòi hỏi. Và rồi trong lòng tôi cũng thốt lên một câu như má. Khi vượt qua sự sợ ba, ghét ba tôi lại giống như má, là ba luôn luôn đúng, dù nhiều khi tôi phải khóc vì cái đúng và sự nghiệt ngã của ba.
Sống với ba, điều làm tôi luôn cảm thấy mình nhỏ bé, không phải vì ba là cha nên luôn lớn hơn, cũng không phải vì ba là doanh nhân thành đạt, người thầy tận tâm chỉ dạy cho tôi, mà vì chưa bao giờ tôi nghe ba kể lể hay trách cứ bất cứ ai đã đi qua trong cuộc đời ông. Đối với ba, mọi thứ đều là bài học tốt cho cuộc sống và công việc, gian khó đối với ba là thứ rất quen thuộc, ông luôn nói một câu ngắn gọn: “Không gì là không thể”!
Má là một tấm gương giỏi giang, đảm đang, bao dung và tha thứ, đến mức tôi có cảm giác đứng trước má chẳng khác nào đứng trong một căn phòng ở trên một độ cao chóng mặt, bao bọc bởi tấm cửa kính quá lớn, soi mình vào đó tôi vừa yêu thương vừa nể phục bởi làm phụ nữ như vậy khó quá và tôi thực sự không biết sau này mình có thể nào làm được như má?!
Về lại quê Bình Dương, thuộc thế hệ kế nghiệp con đường kinh doanh của ba má, bắt đầu từ câu chuyện ba má tôi kể trong một chương trình trải nghiệm đặc biệt cho cả gia đình năm 2010, nhận thức được vai trò là con cái trong gia đình, tôi đã bắt tay vào miệt mài thu thập dữ liệu, phỏng vấn về ba má tôi, trò chuyện cùng nhiều nhân vật khác nhau, tìm hiểu suốt gần chục năm qua để tích góp.
Năm 2014, tôi được nhận làm nghiên cứu sinh tiến sĩ về đề tài này tại trường Đại học Sorbonne của Pháp nhưng sau tôi quyết định từ bỏ công việc đó vì tôi chọn ưu tiên xử lý những việc khác xảy đến trong cuộc sống của gia đình.
Sau chương trình trải nghiệm đặc biệt, chúng tôi đã mất gần một năm để hoàn tất việc viết ra được sứ mệnh và giá trị cốt lõi của gia đình. Để chia sẻ văn hóa của sự lãnh đạo, tính chính trực, sự cam kết và năng lực, từ đó có thể xây dựng doanh nghiệp toàn cầu với một tầm cỡ đáng kể nhằm phát triển sự thịnh vượng, danh tiếng gia đình và tác động tích cực lên những cá nhân và xã hội.
Đi cùng với sứ mệnh đã xác định, chúng tôi quyết tâm gìn giữ giá trị cốt lõi của gia đình: Làm việc chăm chỉ – hàm ý đề cập đến kết quả hơn là sự sở hữu; Đóng góp, tạo ra sự khác biệt cho nhiều người khác – hàm ý suy nghĩ lớn hơn bản thân (cái tôi); Chính trực – trân trọng lời nói của bản thân; Tinh thần “không gì là không thể”; Sự lãnh đạo – là một phần của một mục tiêu lớn của cả nhóm/ là gia đình – hàm ý thành viên sống cho sự thành công của gia đình, sống với mục đích trách nhiệm để làm cho mọi thứ tốt hơn cho cả gia đình.
Chúng tôi đã đưa công ty vượt qua các công ty đa quốc gia, đứng đầu thị trường Việt Nam trong giai đoạn năm 2011, đó là niềm tự hào. Khi trở thành người đứng đầu, ra biển lớn thì các sóng gió liên tục dồn dập. Lửa thử vàng gian nan thử sức. Đã ra biển lớn phải biết vượt qua bản thân và chấp nhận thử thách thì ước mơ mới có thể thành sự thật.
Khi nhận được chân giá trị và tình yêu ba má dành cho ba đứa con của họ, tôi yêu ba má tôi vô cùng. Đặc biệt là ba tôi, người mà nửa đầu tuổi trẻ tôi sợ hãi nhiều hơn là yêu thương.
Tôi nung nấu viết cuốn sách này, không biết thu thập tài liệu như thế nào, trong khi ba má tôi không muốn kể và cũng không có thời gian để kể. Năm năm thu thập tài liệu, hai năm cọc cạch viết từng đoạn một giữa công việc, cuốn sách về gia đình tôi, tạm gọi là xong.
Tôi mong muốn ấn bản cuốn sách này, vượt qua những thảo luận “nóng bỏng” với ba tôi rằng có cần thiết phải xuất bản hay không? Có sợ người đời nghĩ mình tự đánh bóng tên tuổi và gia tộc của mình không?
Tôi nghĩ, niềm tin vào những điều tốt đẹp bao giờ cũng lớn hơn tất cả. Khi có được đức tin, hình ảnh Chúa sẽ hiện lên trong lòng bạn. Có thể mỗi bạn đọc sẽ có một cảm nhận khác nhau khi tiếp xúc với những câu chuyện lần đầu tiên được viết lại về cuộc sống của gia đình Dr. Thanh. Xin nhường quyền đánh giá khách quan cho độc giả. Nhưng từ tận đáy lòng, cuốn sách này là món quà tôi thực sự muốn dành tặng ba má, như tất cả những đứa con đều muốn dành sự kính trọng và yêu thương nhất cho cha mẹ của mình.
Tôi mong đợi và đặt nhiều hy vọng cuốn sách nhỏ này sẽ đem lại một điều gì đó bổ ích cho cuộc sống, khi bạn nhớ đến gia đình thân yêu của mình.
Xin cảm ơn bạn đọc.