“Chuyện nhà Dr Thanh” – Những bí ẩn của một gia tộc doanh nhân

Thương Huyền / Thương hiệu & Pháp luật

Ra mắt vào khoảng giữa tháng 6/2017, cho đến tận bây giờ “Chuyện nhà Dr Thanh” vẫn thu hút sự quan tâm, chú ý của nhiều độc giả. Điều này là dễ hiểu bởi thứ nhất, cuốn sách tái hiện về cuộc đời của ông Trần Quí Thanh (Chủ tịch tập đoàn Tân Hiệp Phát) – một “ông lớn” trong ngành giải khát Việt.

Người mà chỉ nghe tên thôi cũng khiến người ta phải tò mò. Thứ hai, cuốn sách là một món quà chứa đựng cả tâm tư, tình cảm, trí tuệ, tài năng và công sức suốt 10 năm của người con gái cả dành cho cha mẹ của mình. Và hơn thế, khi gấp cuốn sách lại, người ta phải lặng thinh suy nghĩ về chân giá trị của cuộc sống và sự thiêng liêng của gia đình – điều mà không phải tác giả không chuyên nào cũng đạt được.


Bìa của cuốn sách “Chuyện nhà Dr Thanh” của tác giả Trần Uyên Phương do NXB Phụ nữ ấn hành

Tiếp sức, tạo động lực cho thanh niên có hoài bão lớn

“Chuyện nhà Dr Thanh” bao gồm 10 chương, 224 trang kể về cuộc đời sóng gió của ông chủ tập đoàn Tân Hiệp Phát (THP) – Trần Quí Thanh. Từ khi còn là cậu bé đến khi trở thành một doanh nhân tầm cỡ chèo lái sản nghiệp của gia đình vươn lên sánh ngang với những người khổng lồ trong lĩnh vực kinh doanh nước giải khát như Coca Cola, Pepsi…

Dĩ nhiên, với khuôn khổ như trên, cuốn sách không thể miêu tả tường tận mọi ngõ ngách của cuộc đời ông vua trà Việt. Nhưng bằng lời văn dung dị, tác giả Trần Uyên Phương đã đề cập đến những sự kiện, biến cố quan trọng, những góc khuất đằng sau sự thành đạt và hùng mạnh của một gia tộc doanh nhân. Cô lựa chọn cách kể “đồng hiện”, lắp ghép những câu chuyện cụ thể, đó là câu chuyện về cậu bé mồ côi trốn đi lăn lộn với đời, về “vụ án con ruồi” và “đại án ngân hàng” hơn 5.000 tỉ, về những lần ông Thanh gặp đại họa bị dồn đến tận chân tường…

Mỗi lần như vậy, “người đàn ông thép” Trần Quí Thanh lại gồng mình, vươn lên mạnh mẽ, vững vàng chèo lái THP vượt qua mọi khó khăn. Những biến cố ông Thanh gặp phải khiến người ta càng thấm thêm rằng “thương trường là chiến trường”, rằng kinh doanh không đơn giản là kiếm tiền và cứ có tiền là làm được. Kinh doanh cần đến cả sự quyết tâm, bản lĩnh, hy sinh và một trí óc thông tuệ.


Tác giả Uyên Phương và cha

Bên cạnh việc lần đầu tiên được “mục sở thị” những góc khuất của một gia tộc danh thế, các thế hệ thanh niên, doanh nhân Việt còn đúc rút được nhiều bài học kinh doanh quý giá.

Tác giả Trần Uyên Phương đã ghi lại những câu nói ý nghĩa, có giá trị khích lệ, cảnh tỉnh con người. Ví như: “hãy thu lấy kinh nghiệm trước, tiền tài rồi sẽ đến sau”, “không có gì là không thể”, “hôm nay phải hơn hôm qua và không bằng ngày mai” hoặc “thành công nào mà chẳng có thất bại, nhưng ba tôi thường bảo: người khôn là người học được từ thất bại của mình, người khôn hơn là người học tập được thất bại của người khác”…

Trong kinh doanh mà không vấp ngã, không gặp thất bại thì bạn sẽ không bao giờ phát triển được. Con người cũng vậy, cần được lăn lộn, gặp sóng gió trùng vây, vật lộn với khó khăn mới thấu suốt được chân giá trị cuộc sống. “Nếu cuộc sống của mỗi người chỉ giống như những cây đinh đóng trên tường, rồi cũng sẽ có ngày người ta quên đi và không còn dùng đến nó”.

Để có được một THP bề thế, hùng cường như ngày hôm nay, ông Trần Quí Thanh đã làm những gì, vượt qua những trắc trở nào, bản lĩnh ra sao… tất cả đều nằm trong 224 trang tự truyện. Câu chuyện khởi nghiệp của doanh nhân này thực sự là động lực cho bất kỳ ai muốn thân tự lập thân. Vì vậy, ngay khi vừa ra đời, “Chuyện nhà Dr Thanh” đã nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của dư luận, đặc biệt là giới doanh nhân.

Gia đình là nền tảng, cội nguồn của sức mạnh

Có lẽ đây là lần đầu tiên “chuyện nhà” của ông chủ THP được lộ diện một cách chân thực nhất trước công chúng. Người ta không chỉ thấy được góc khuất của người đàn ông cả đời bươn chải, gánh trên vai cả một “đế chế” nhọc nhằn mà còn ngộ ra được chân giá trị của cuộc sống và thành công. Đó là gia đình.
 


Gia đình ông Trần Quý Thanh

Tình cảm gia đình thiêng liêng chính là sức mạnh, sợi dây kết nối gia tộc THP vững chãi qua mọi thử thách của cuộc đời. Thử hỏi trước những biến cố, lao đao của THP, nếu không có sự chung tay góp sức, tin tưởng của các thành viên trong gia đình thì kết quả sẽ thế nào?

Người cần nói tới nhất chính là má Nụ, người đàn bà “vượng phu”, giữ vai trò “trụ cột” của đế chế THP. Tầm quan trọng của bà thể hiện ngắn gọn trong câu nói: “Bà Nụ còn thì Tân Hiệp Phát còn, bà Nụ mất thì Tân Hiệp Phát mất”. Bên cạnh sự thành công của người “đàn ông thép”, là công lao của người “đàn bà thép”.

Ngay tại chương đầu tự truyện, người đọc đã bắt gặp sự nghẹn ngào của người con khuyên má mình: “Li dị ba đi. Má định sống khổ như thế này cả đời à? Tại sao chứ? Bỏ đi, và má có thể sống cuộc đời hạnh phúc của riêng mình”. Không có người con nào khuyên mẹ bỏ chồng, trừ khi cô ấy thấy mẹ quá khổ, quá áp lực trong chiến trường kinh tế của ba. “Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”, sự thành công của THP là minh chứng điển hình cho ý nghĩa câu nói này. 

“Chuyện nhà Dr Thanh” còn khiến người ta nể phục về cách dạy con của ông chủ Thanh. Quan điểm dạy con của ông có phần nghiêm khắc: “Trước kia, tôi cứ nghĩ sa trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu, muốn con biết bơi phải đạp nó xuống sông, thì nó mới giỏi được. Bản thân tôi cũng trưởng thành từ môi trường khắc nghiệt như thế. Sau khi lớn lên thì đứng trên đôi chân của mình. Tôi vẫn thường nói với các con rằng ba không muốn con tự hào có một người cha như ba, mà ba phải được tự hào có một người con như con”.

Vậy nên thay vì để các con sống trong nhung lụa sang giàu, ông dạy các con tự lập từ nhỏ, tự lớn, tự phấn đấu, tự đúc rút kinh nghiệm của bản thân để khi trưởng thành về bên cha cống hiến cho gia đình, gia tộc, hoặc tự xây dựng cơ nghiệp cho riêng mình. Nhờ đó, sức mạnh THP ngày càng được củng cố, vững mạnh.

Điều trân quý hơn, những người con của ông Thanh không oán than mà rất hiểu và kính trọng ba mẹ mình vì điều đó. Riêng ý định và công sức bỏ 10 năm tâm huyết viết một cuốn sách tặng ba của cô con gái cả Trần Uyên Phương đã khiến người ta cảm nhận được điều đó. Cô còn lựa chọn tháng 6 – tháng của gia đình, có ngày của cha để ra mắt cuốn sách khiến món quà càng có ý nghĩa hơn.

“Chuyện nhà Dr Thanh” là không chỉ là món quà của một người con dành tặng cha mẹ mà còn là cuốn sách dễ dàng làm thay đổi cuộc đời bạn. Lối viết chân thật, đề cập đến những câu chuyện có thật, chạm đến trái tim và thỏa mãn trí tò mò của con người.

Điều tôi khâm phục tác giả là: bỏ ra công phu 10 năm thu thập tài liệu, Trần Uyên Phương có thể viết cả tiểu thuyết nghìn trang nhưng cô lại chọn cách thể hiện “kiệm lời đắt ý”. Lựa chọn những câu chuyện quan trọng và có ý nghĩa nhất viết thành cuốn sách hơn 200 trang. Độc giả chỉ mất 2-3 tiếng đọc, không áp lực, không khó chịu vì sách quá dài. Ngược lại, họ rút ra được những bài học, nghị lực sống quý giá từ những câu chuyện có thật của một gia tộc danh tiếng.

Theo Thương hiệu & pháp luật
 
Link bài: “Chuyện nhà Dr Thanh” – Những bí ẩn của một gia tộc doanh nhân

 

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *