Thái Bình/ Thanh Niên
Tự truyện Chuyện nhà Dr.Thanh của Trần Uyên Phương bật mí câu chuyện về con người ‘thét ra lửa’, từng trốn chạy khỏi trại trẻ mồ côi để trở thành ông chủ Tập đoàn Tân Hiệp Phát.
Cậu bé Trần Quí Thanh ngồi bên xác mẹ, lay lay, giở tấm khăn trắng đắp trên mặt mẹ và kêu lên: – Mẹ ơi ! Mẹ ơi… Mẹ tỉnh dậy nói gì đi…” – Đoạn văn ám ảnh trong phần đầu của cuốn tự truyện Chuyện nhà Dr.Thanh khiến người đọc cảm thấy gai người.
Tự truyện đã hé lộ tuổi thơ dữ dội của cậu bé Trần Quí Thanh, bắt đầu từ cái ngày ngồi bên xác mẹ, cánh cửa bình yên cũng dần khép lại. Từ một cậu bé lớn lên trong vùng an toàn dưới vòng tay mẹ, chỉ cần một cái lật sang trang, đã nhảy vào một cuộc chiến “sinh tồn”.
Người ta đã thấy một doanh nhân Trần Quí Thanh hà khắc, lạnh lùng mà nghĩa hiệp, một cái uy hùng dũng khiến người xung quanh phải nể sợ, đang lèo lái con thuyền Tân Hiệp Phát ra biển lớn. Nhưng đó chỉ là hình ảnh của hiện tại, ít ai biết được rằng nó là kết quả của những năm tháng tuổi trẻ ngông cuồng, ngổ ngáo, dám làm những chuyện chẳng ai ngờ.
Chuyện nhà Dr. Thanh hấp dẫn bởi nó kể lại những câu chuyện cụ thể, những lần ông Thanh phải “đứng trước chân tường”. Và cứ mỗi lần như vậy, lại là một lần Trần Quí Thanh vươn lên mạnh mẽ với tinh thần “không gì là không thể”. Câu chuyện khởi nghiệp của doanh nhân này thực sự là động lực cho bất kỳ ai muốn thân tự lập thân.
Quá nhiều sóng gió đã trôi qua. Nhưng trong cái khắc nghiệt của thời thế và con người, thượng đế dường như đã không quên sắp đặt những tâm hồn ở cạnh nhau mang ý nghĩa gắn kết như hai nửa của cùng một vấn đề. Điều này làm nên sự thành đạt trọn vẹn cho cuộc sống của gia tộc doanh nhân đầy sóng gió.
Trước nay, mọi người chỉ thấy hình ảnh của ông Thanh như một đại diện duy nhất cho Tân Hiệp Phát. Nhưng tự truyện Chuyện nhà Dr. Thanh đã vẽ lên bức tranh tổng thể, trong đó hiện lên “cánh tay mặt” của ông Thanh – người phụ nữ đặc biệt.
Một phần nhỏ nhưng cũng là phần lôi cuốn trong cuốn truyện khi Trần Uyên Phương kể về “vụ án con ruồi'” và “đại án ngân hàng” hơn 5.000 tỉ. Qua góc nhìn của người trong cuộc, bạn đọc sẽ thấy rõ bối cảnh của một phen sóng gió mà cả gia đình này phải cùng nhau vượt qua. Đó là dư luận xã hội, thất thoát tài chính, bệnh tật nặng nề “họa vô đơn chí”…
Để cuối cùng, sau những biến cố, còn lại điều trân quý nhất là bài học “đứng lên từ đổ vỡ” và tình cảm thiêng liêng của gia đình.
Cuốn tự truyện cũng nói về bối cảnh kinh doanh mới thời hội nhập, nơi mà những thách thức và cơ hội đan xen vào nhau. Tân Hiệp Phát và gia đình Dr. Thanh bước lên con thuyền ra biển lớn, nơi sân chơi không chỉ dành riêng cho những người bản địa. Những cuộc thâu tóm thương hiệu ngày càng diễn ra quyết liệt, ai yếu sẽ phải nhường chỗ cho kẻ mạnh, thương hiệu nhỏ lùi lại hoặc biến mất sau những ông lớn.
Một giai đoạn mới mở ra, nhiều câu hỏi lớn tiếp tục đặt ra cho “cô gái tỉ đô” Trần Uyên Phương và những thế hệ tiếp theo của gia tộc doanh nhân danh giá nhưng đầy sóng gió này.
Món quà đặc biệt cho “Ngày Gia Đình và “Ngày của Cha”:
Tháng 6, nhân Ngày của Cha và Ngày Gia đình, Trần Uyên Phương – cô con gái cả của “ông vua trà Việt” – đã dành một món quà bất ngờ tặng cha mình – ấn phẩm Chuyện nhà Dr. Thanh 224 trang, NXB Phụ Nữ ấn hành. Cuốn sách viết về cuộc đời sóng gió của doanh nhân Trần Quí Thanh – “thuyền trưởng” của Tập đoàn Tân Hiệp Phát.
Nguồn: https://thanhnien.vn/chuyen-nha-dr-thanh-nhung-goc-khuat-du-doi-post671966.html