Câu trả lời là còn hằng hà sa số.
Theo dõi các vụ đại án được đưa ra xét xử thời gian vừa qua, người ta thấy chúng bộc lộ sự cấu kết, toa rập nhau trong những nhóm lợi ích gây thiệt hại hàng ngàn, hàng chục ngàn tỉ đồng. Nhưng đó mới là những nhóm lợi ích lớn. Còn những kiểu nhóm lợi ích ở cấp tỉnh, huyện, xuống tới cấp phường, xã, có lẽ là… không đếm xuể, nhưng việc gây thiệt hại của chúng cũng không kém phần “ghê gớm”.
Những nhóm lợi ích này bá vai bá cổ nhau, anh anh tôi tôi, nhằm vào việc nhận thầu một công trình trường học, trạm xá hay một con đường xuống cấp… để thi nhau bòn rút tiền ngân sách mà người dân phải chắt bóp để đóng thuế. Cứ giở những trang báo mỗi ngày thì sẽ thấy. Một tỉnh nghèo với số thu hàng năm chỉ khoảng 1.800 tỉ đồng mà xây dựng một trung tâm bảo trợ xã hội có mức chi phí hơn 90 tỉ đồng, đáng nói hơn là xây rồi chỉ để bỏ hoang cho cỏ mọc lút đầu. Hay một huyện nghèo vùng sâu mà cũng dám bỏ ra 37 tỉ đồng để làm một con đường nhỏ dài chỉ vài cây số, vừa hết hạn bảo hành là đã xuống cấp, không thể đi lại được. Lại có một xã nghèo nọ mạnh dạn bỏ ra hơn 10 tỉ đồng đầu tư một trạm y tế, nhưng khi xây xong thì… không sử dụng được. Thử hỏi ai duyệt, ai tổ chức đấu thầu, ai trúng thầu, ai giám sát những dự án này, ai đứng đằng sau những “doanh nghiệp cánh hẩu”?
Hơn ai hết, người dân ở từng huyện, từng xã biết rõ xung quanh những câu chuyện đó là chuyện có đi có lại, theo kiểu “chủ nghĩa thân hữu”, là nhóm lợi ích. Họ biết rõ đồng tiền bỏ ra cho những công trình phúc lợi hay các dự án được đầu tư từ vốn ODA đã “chảy” vào túi của vị chức sắc nào, “ăn” từ công trình nào, cấu kết với doanh nghiệp nào… Không khó để nhận ra vì sao một quan chức ở cấp xã thôi, khi họp hành thì kêu gào đồng lương “bèo bọt” nhưng lại có nhà cao cửa rộng, đi xe hơi bóng lộn, sở hữu nhà đất ở nhiều nơi. Cũng không khó để thấy có những doanh nghiệp “cánh hẩu” ở địa phương chẳng có năng lực gì về vốn liếng, nhân lực mà lại được giao những công trình bề thế và ung dung sống sung túc.
Cứ rà soát ở mỗi địa phương xem thử có bao nhiêu doanh nghiệp làm ăn nhờ “nước bọt”, nhận thầu rồi bán lại, hoặc đấu thầu kiểu giang hồ (vì đã được bảo kê) để chuyển dự án từ A sang A’ rồi A’’, sẽ rõ ngay vì sao công trình kém chất lượng và tiền bạc của dân chảy đi đâu. Hãy thử rà soát trên cả nước có bao nhiêu huyện xã, bao nhiêu công trình, mỗi năm chi bao nhiêu vốn ngân sách vào những công trình như thế, sẽ biết có vô vàn những nhóm lợi ích đang hoành hành và để lại những khoản nợ khổng lồ cho đất nước và nhân dân gánh chịu.
Nhìn lại hết những điều đó sẽ biết vì sao đất nước vẫn nghèo!
May mà gần đây, những tiếng kêu đòi, khiếu nại của dân về các vụ việc tham nhũng đã được lắng nghe. Những quyết tâm “cho củi vào lò” đã phần nào lấy lại niềm tin của nhân dân. Nhưng xem chừng số vụ được đem ra xét xử vẫn còn ít so với những gì diễn ra trong thực tế.