Trần Quí Thanh
Bài báo “Hình ảnh quốc gia” của tác giả Phạm Hải Chung đăng trên vnexpress ngày 26.7.2017 cho biết: “ Năm 2016, rất nhiều tờ báo trích dẫn khảo sát của Hiệp hội Du lịch Châu Á Thái Bình Dương (PATA), thống kê khoảng 70% khách du lịch không quay lại Việt Nam”. Đó là con số đáng buồn.
Các chuyên gia du lịch từng đưa ra nhiều nguyên nhân vì sao du khách nước ngoài không trở lại Việt Nam, không có nguyên nhân nào từ thiên nhiên, không ai chê phong cảnh Việt Nam không hấp dẫn, mà chủ yếu là từ những hành xử của con người.
Hình ảnh của quốc gia được xây dựng từ chính công dân của quốc gia đó. Singapore không có lấy một ngọn núi, một dòng sông tên tuổi, nhưng hình ảnh quốc gia lại rất nổi tiếng.
Quá hiếm những hình ảnh đẹp như thế này.
Cho đến nay, nhiều người vẫn cho rằng, những tồn tại ngổn ngang như chất lượng vệ sinh cộng cộng, hạ tầng giao thông lạc hậu là do Việt Nam vừa thoát ra khỏi tình trạng chiến tranh. Tui không đồng ý về điều đó, hơn 40 năm thống nhất đất nước rồi, “vừa mới” sao được nữa. Tui nghĩ phải thừa nhận sự tụt hậu là do chính chúng ta hôm nay, không đổ cho hậu quả của chiến tranh. Nhìn nhận để thay đổi để tiến bộ hơn, không vì mục đích gì khác.
Du khách sẽ an lòng khi thấy những hình ảnh như thế này
Với cách nhìn đó, tui xin trở lại chuyện hình ảnh quốc gia. Lâu nay cộng đồng vẫn quan tâm xây dựng hình ảnh quốc gia để thu hút du khách, điều này theo tui rất đúng nhưng chưa đủ. Có nhiều người đến Việt nam vì mục đích du lịch, nhưng có nhiều người đến Việt Nam để đầu tư làm ăn, triển khai các chương trình từ thiện, nghiên cứu văn hóa, tài trợ các dự án bảo tồn thiên nhiên và di sản văn hóa của Việt Nam.
Một hình ảnh không thể đẹp hơn của người cảnh sát giao thông.
Thiên hạ đổ dồn về Bhutan không phải chỉ để nhìn ngắm phong cảnh, mà nhìn ngắm con người Bhutan. Hình ảnh của Bhutan trong mắt thế giới là đã gìn giữ được một lá phổi xanh to lớn chiếm đến gần 70% diện tích đất nước, một điều mà không mấy quốc gia làm được. Đặc biệt, con người Bhutan hiền hòa và lương thiện đến mức quý hiếm.
Vậy thì chúng ta phải chuẩn bị căn nhà của mình như thế nào, chủ nhân căn nhà đó có lịch thiệp, mến khách và thiện chí với cộng đồng quốc tế hay không?
Hình ảnh quốc gia là phong cảnh thiên nhiên, là di sản văn hóa, là kho báu truyền thống, và trên hết là giá trị văn minh của xã hội, là nền tảng dân trí của quốc gia. Từng thái độ ứng xử của mỗi công dân là sự tích lũy trong việc xây dựng hình ảnh quốc gia hoặc hủy hoại hình ảnh đó.
Những hình ảnh về người công an thế này sẽ làm cho giá trị Việt đẹp hẳn lên trước mắt du khách. Tiếc thay là quá hiếm.
Tui xin lấy ví dụ, cộng đồng thế giới sẽ đánh giá như thế nào khi đàn tê giác ở Cát Tiên bị tuyệt chủng, đàn voọc ở bán đảo Sơn Trà đang bị đe dọa, nhiều cánh rừng trong các khu bảo tồn thiên nhiên bị tàn phá. Người ta sẽ nhìn vào thái độ ứng xử với thiên nhiên của công dân để nhận diện hình ảnh của một quốc gia. Liệu các tổ chức quốc tế có tiếp tục rót tiền vào để bảo vệ các giá trị thiên nhiên và văn hóa cho một quốc gia trong khi chính con người nơi đó không tôn trọng tài sản xủa chính mình?
Nhân đọc bài “Hình ảnh quốc gia”, tui xin góp đôi lời như vậy.
Trần Quí Thanh
Ảnh trong bài sưu tầm từ Internet
Link bài: Hình ảnh quốc gia