“Con voi chui lọt lỗ kim” trong ngành dược

Hoàng Nhung thực hiện/TBKTSG

Ảnh báo Lao động

Quá trình xét xử vụ án liên quan đến Công ty VN Pharma mới đây đã làm lộ rõ những bất cập trong việc cấp phép lưu hành thuốc, đấu thầu thuốc và hé lộ nạn công ty dược chi “hoa hồng” cho bác sĩ để được kê đơn thuốc do mình phân phối. Phóng viên TBKTSG đã phỏng vấn bà Phạm Khánh Phong Lan, nguyên Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM, hiện là Trưởng ban An toàn thực phẩm TPHCM về các vấn đề tồn tại trên.

TBKTSG: Thưa bà, quy định về nhập khẩu thuốc hiện nay có lỗ hổng gì khiến công ty dược có thể nhập thuốc giả/thuốc kém chất lượng về bán và trúng thầu cung cấp cho các bệnh viện, ngay cả khi công ty ấy chưa có tên tuổi trên thị trường?

– Bà Phạm Khánh Phong Lan: Thực ra, những quy định về việc nhập khẩu thuốc hiện nay đã rất chặt chẽ, không có lỗ hổng nào. Có thể nói những quy định này thuộc loại khó nhất thế giới. Vấn đề là người thực hiện tuân thủ như thế nào!

Tại sao nhiều loại thuốc đã có nhiều năm kinh nghiệm chinh chiến trên thị trường nhưng khi xin nhập khẩu, xin số visa… thì lại vô cùng khó khăn? Có những doanh nghiệp đã xây xong nhà máy sản xuất, mất ròng rã cả năm đi xin số đăng ký cho thuốc, phải kêu Trời! Trong khi đó, một công ty vừa thành lập chưa có tên tuổi trên thị trường đi xin số đăng ký thì được cấp ngay và trúng thầu cung cấp thuốc cho trung tâm đấu thầu thuốc của một thành phố lớn.

Một thực trạng là từ trước đến nay dù nước ta nhập khẩu thuốc rất nhiều, nhưng thử hỏi các công ty dược và cán bộ y tế đi thăm được bao nhiêu công ty dược, nhà máy sản xuất thuốc ở các quốc gia? Trong khi đó, bất kỳ một đơn vị nào ký hợp đồng kinh doanh hay sản xuất thuốc, vaccin với một công ty ở Việt Nam, họ đều nhiều lần đến thăm, khảo sát nhà máy của mình hoạt động như thế nào, có quy mô ra sao, nguyên liệu đầu vào ra sao…

Nói tóm lại, luật, quy định về nhập khẩu thuốc, quy định cấp số lưu hành thuốc đưa ra không sai, không thiếu, chỉ có chăng là con người và cách làm thiếu cái tâm và cái tầm quản lý.

TBKTSG: Diễn biến của vụ án VN Pharma cho thấy, Cục Quản lý dược chỉ xem xét trên hồ sơ, giấy tờ để cấp phép nhập khẩu thuốc, và không bị truy cứu trách nhiệm khi xảy ra sai phạm. Như vậy có ổn không, thưa bà?

– Nói như vậy là vô lý, vô trách nhiệm và sẽ tiếp tục xảy ra trong tương lai. Phải biết rằng thực tế cho thấy có rất nhiều công ty không được cấp giấy phép lưu hành sản phẩm, có những mặt hàng từ nước ngoài nhập về xin giấy phép lưu hành nhưng Cục Quản lý dược nói chỉ cấp số lưu hành trong kho, không cấp lưu hành ra thị trường… Nhưng với công ty như VN Pharma thì lại rất dễ, rất nhanh.

Cục Quản lý dược chỉ dựa trên hồ sơ, giấy tờ để cấp phép, nhưng trong quá trình cấp phép, nếu nghi ngờ thuốc giả/kém chất lượng thì không nên cấp và phải đi xác minh, kiểm nghiệm hay ngưng cho nhập, không cấp số visa. Trong trường hợp của VN Pharma, Cục Quản lý dược hoàn toàn có quyền lưu hồ sơ lại để xem xét giống như bao nhiêu trường hợp khác.

Một nhà sản xuất không ai biết, chưa có tên tuổi trên thị trường, giấy tờ ngụy tạo mà vẫn qua mặt được hội đồng tư vấn, qua bao nhiêu cấp quản lý thì quá lạ thường. Đó đúng là “một con voi chui lọt lỗ kim”! Không ai làm như Cục Quản lý dược cả!

PGS.DS. Phạm Khánh Phong Lan, nguyên Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM

Cục cũng phải xem lại thái độ với quy trình cấp phép của mình, xem lại trách nhiệm và vai trò của mình, mình đã làm hết và đúng trách nhiệm hay chưa, trình độ tay nghề của nhân viên mình đã lộ ra như thế nào, không thể nói “huề vốn” như vậy được.

TBKTSG: Bao nhiêu năm nay, nạn “hoa hồng” cho bác sĩ vẫn còn nhức nhối, thực tế này làm sao loại bỏ, theo bà?

– Nhà nước, ngành y tế luôn hô hào quyết liệt “nói không với nạn hoa hồng cho bác sĩ” nhưng còn lợi nhuận/lợi ích thì bác sĩ vẫn còn làm. Hiện không có luật xử phạt, không có giải pháp xử lý.

Khi đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật Dược, tôi đã chỉ ra và phân tích một trong những nguyên nhân đẩy giá thuốc lên cao, không còn đúng giá trị thực của nó là nạn “bác sĩ ăn hoa hồng”. Nhưng do không có luật nên bác sĩ không sợ. Do đó, Nhà nước cần luật hóa các biện pháp chế tài để răn đe. Đặc biệt, cần phải có chế tài cả về mặt kinh tế, như Trung Quốc đã từng xử phạt một công ty dược đa quốc gia chi hoa hồng cho hàng chục bệnh viện, hàng trăm bác sĩ tới vài tỉ đô la Mỹ. Đó là cách răn đe của chính phủ nước sở tại với các công ty dược đa quốc gia (vốn có tiềm lực về tài chính để làm việc này – NV).

Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn

Link bài: “Con voi chui lọt lỗ kim” trong ngành dược

 

 

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *