Covid-19 viết lại tương lai nhân loại ra sao trong 5 năm tới?

Huỳnh Dũng theo Scitechdaily/ Báo Khám Phá

—–

Có bao giờ bạn đặt câu hỏi: “Liệu Covid-19 khiến chúng ta phải thay đổi những gì và chúng sẽ biến đổi thế giới chúng ta ra sao trong 5 năm tới?”

Ngoài những hậu quả mất mát, đau thương về nhân mạng, đại dịch Covid-19 được ví như “trận động đất đen tối” lan truyền tác động nặng nề tới các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, giáo dục,…

Chất lượng sống của con người cũng như tốc độ phát triển các quốc gia đều có dấu hiệu chùng xuống. Đó cũng như là một hồi chuông cảnh báo có thể nhân loại phải sắp xếp lại nhiều “trật tự” mới, để ứng phó vững vàng hơn với các nạn dịch khác trong tương lai.

Mới đây, trong series video Cameron: “COVID 2025 – Thế giới của chúng ta trong 5 năm tới”, các học giả hàng đầu của Đại học Chicago đã thảo luận về cách Covid-19 đang và sẽ thay đổi hệ thống chăm sóc sức khỏe, quan hệ quốc tế, giáo dục và đời sống đô thị toàn cầu, cũng như nhiều khía cạnh khác trong cuộc sống của chúng ta.

Chính sách mới đối phó với thảm họa tương lai

Giống như đại dịch Covid-19 hiện nay, bất kỳ mối đe dọa an toàn sinh học hoặc dịch bệnh nào đều cũng có thể dễ dàng trở thành mối hiểm họa của toàn cầu.

Bởi các mầm bệnh không hề biết nhận ra biên giới và nó sẽ lây lan bừa bãi, cuối cùng ảnh hưởng hậu quả nặng nề không tương xứng giữa các quốc gia giàu – nghèo.

“Đại dịch Covid-19 đã thay đổi đáng kể cách chúng ta suy nghĩ về sức khỏe cộng đồng, cũng như cách chúng ta chăm sóc bệnh nhân ở Mỹ nói riêng và toàn cầu nói chung”, PGS. Emily Landon, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Đại học Chicago nhận định.

Trong video này, cô thẳn thắn chia sẻ: “Thế giới của chúng ta trong 5 năm tới nên nghĩ tới việc xây dựng một tuyến phòng thủ vững chắc, để chống lại sự bùng phát dịch bệnh trong tương lai, thông qua một đội ngũ dịch tễ học chuyên nghiệp theo dõi dấu vết dịch bệnh qua điện thoại thông minh”.

Mặc dù chúng ta đã học được rất nhiều từ đại dịch này, Landon cho rằng, cần có những thay đổi lớn hơn trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cộng đồng, để bảo vệ người dân tốt hơn trước những đợt bùng phát trong tương lai.

Cô chia sẻ thêm, các chính phủ và chuyên gia y tế toàn cầu phải chung tay phản ứng cùng nhau đối phó với đại dịch, bởi đại dịch hay thậm chí là khủng bố đều diễn ra dai dẳng và nghiêm trọng, khó dứt điểm, mà cũng khó lường trước nó sẽ xảy ra ở quốc gia, lãnh thổ nào.

Ngoài ra, chúng ta phải tin tưởng các chuyên gia y tế công cộng, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về sức khỏe cộng đồng, xây dựng một hệ thống chăm sóc sức khỏe công bằng hơn, có lợi cho tất cả mọi người để chống lại Covid-19, cũng như đối mặt với các dịch bệnh khác đến từ tương lai.

Các đô thị tương lai sẽ ra sao?

Các thành phố lớn trên thế giới đã gánh chịu nặng nề từ đại dịch Covid-19, giống như “Cái chết đen” tàn phá mọi thành phố lớn của châu Âu thời Trung cổ.

Lần này cũng vậy, virus này đã bắt nguồn từ Vũ Hán – thành phố đông dân nhất ở miền trung Trung Quốc, trước khi lan sang các thành phố lớn khác trên thế giới.

Trong đó New York, London, Madrid, New Delhi, Mumbai, Sao Paulo hoặc Moscow cho đến nay là những khu vực khủng khiếp nhất về điểm nóng Covid-19. Bởi các khu vực đô thị bị ảnh hưởng nhiều nhất do sự kết hợp của các yếu tố, trong đó có quy mô dân số quá đông, ô nhiễm cao,…

Chính vì vậy, sự hỗn loạn trong đại dịch Covid-19 đã phơi bày một số lỗ hổng cơ bản trong cách các thành phố được lên kế hoạch phát triển và điều này sẽ thay đổi cách chúng được thiết kế trong tương lai.

Về lâu dài, các cơ sở hạ tầng thông minh “không tiếp xúc” như xe không người lái, hay các thiết bị tự động hóa sẽ phục vụ hoàn toàn trong các dây chuyền lắp ráp.

Đây cũng là cơ hội để các nhà hoạch định thành phố tập trung vào các sáng kiến xanh, nâng cấp chính sách an sinh, xã hội, nâng cao thúc đẩy phát triển thành phố thông minh, hướng tới “giá trị xanh” bền vững nhiều hơn.

Cũng có bằng chứng cho thấy, chất lượng không khí được cải thiện nhiều lên ở các thành phố trên thế giới, khi hoạt động kinh tế sản xuất bị trì hoãn trong thời gian giãn cách xã hội vì Covid-19.

Ngay cả trước khi Covid-19 tấn công, hơn 10.000 thành phố đã cam kết giảm đáng kể lượng khí thải carbon vào năm 2050. Theo một báo cáo được công bố vào năm ngoái, việc sử dụng các công nghệ và chính sách hiện tại có thể giúp các thành phố cắt giảm 90% lượng khí thải carbon vào năm 2050.

Luis Bettencourt, nhà nghiên cứu hàng đầu thuộc Khoa đô thị học thuộc Đại học Chicago cho biết, đại dịch Covid-19 mang đến những thách thức đặc biệt cho các khu vực đô thị, không chỉ về sức khỏe cộng đồng, mà còn cả cách các thành phố vận hành, xây dựng và phát triển. Ông chia sẻ: “Đại dịch Covid-19 đã buộc các thành phố phải xem xét lại các hệ thống và mạng lưới đô thị phức tạp”.

Việc đóng cửa, giãn cách xã hội vì dịch trên toàn thế giới đã giúp các nhà khoa học đô thị có một cái nhìn hiếm hoi về bản chất của đô thị giữa đại dịch. Đó là một bức tranh rõ ràng hơn về sự chênh lệch kinh tế – xã hội giữa các khu dân cư và tầng lớp dân cư, kiểu kiến trúc đô thị – thành phố, với các tác động tàn phá của Covid-19 lên những nhóm đối tượng này.

Bettencourt lập luận rằng, điều bắt buộc là chúng ta phải học hỏi từ cuộc khủng hoảng hiện nay. Nắm được điều này sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách và các quan chức địa phương tạo nên điều kiện sống tốt hơn, nâng cao cơ sở hạ tầng bền vững để thúc đẩy sức khỏe cộng đồng. Từ đó có thể thúc đẩy phòng ngừa dịch bệnh, cũng như đối phó với dịch bệnh sẽ dễ dàng, giảm tỉ lệ thương vong tới mức thấp nhất.

Robot và AI có chỗ đứng ra sao?

Covid-19 có khả năng đẩy nhanh việc phát triển và áp dụng công nghệ robot. Trước khi Covid-19 xảy ra, một nghiên cứu trước đó của hãng Oxford Econom dự báo, có thể có 20 triệu việc làm sản xuất trên toàn cầu có thể được thay thế bằng robot vào năm 2030.

Trong đại dịch, robot đã được triển khai rộng rãi trong việc cung cấp dịch vụ, khử trùng không gian công cộng, và hỗ trợ nhân viên y tế nhằm giảm thiểu sự lây lan của virus.

 

Trong ngành chăm sóc sức khỏe, đại dịch Covid-19 đang đẩy nhanh việc kết hợp robot trong các hoạt động hàng ngày của bệnh viện, và thúc đẩy áp dụng robot trong việc chẩn đoán, sàng lọc và chăm sóc bệnh nhân hiệu quả hơn.

Trong ngành công nghiệp, robot sẽ nhanh chóng được triển khai để làm sạch sàn nhà, cửa hàng tạp hóa. Robot mặt đất và trên không cũng đang đóng một vai trò đáng chú ý trong việc quản lý khủng hoảng dịch bệnh ở 21 quốc gia, bằng cách hỗ trợ cung cấp hình ảnh nhiệt để xác định công dân bị nhiễm bệnh, dùng nó để thực thi các biện pháp kiểm dịch, phát thông điệp dịch vụ công cộng một cách chuẩn xác và nhanh nhất.

Đại dịch này cũng đã đẩy nhanh việc sử dụng công nghệ hỗ trợ kỹ thuật số mở rộng, như chatbot chăm sóc sức khỏe trên các trang web của WHO và CDC. Các nhà nghiên cứu cũng đang sử dụng công nghệ học máy AI để nhận ra các mẫu virus, cho phép việc phát hiện dịch bệnh sớm hơn.

Đến năm 2030, lĩnh vực AI có thể chiếm 15,7 ngàn tỷ đô la giá trị vốn hóa nền kinh tế thế giới và có bằng chứng cho thấy, Covid-19 đang đẩy nhanh tốc độ đổi mới của lĩnh vực này.

Đại dịch sẽ đẩy nhanh việc dùng AI vào chăm sóc sức khỏe có lẽ nhiều hơn bất kỳ lĩnh vực nào khác. AI sẽ được kết hợp với robot để tạo ra các hệ thống tự trị, có khả năng tương tác với thế giới vật lý và được sử dụng để dự đoán sự lây lan của virus, theo dõi tỷ lệ lây nhiễm, hỗ trợ thông báo các quyết định, chính sách về việc đóng cửa, giãn cách xã hội một cách tự động và chuyên nghiệp hơn.

Thay đổi các quy tắc quan hệ quốc tế

“Đại dịch Covid-19 đã cho thấy hệ thống quan hệ quốc tế mong manh đến mức nào, nhờ đó chúng ta cần phải thúc đẩy những thay đổi quan hệ quốc tế trong các liên minh, thể chế và nền kinh tế toàn cầu”, PGS. Paul Poast, nhà khoa học chính trị hàng đầu của Đại học Chicago nói.

 

Ông nhận định, khi đối đầu với đại dịch Covid-19, có một vài quốc gia phản ứng bằng cách “bước ra khỏi nhau”, thay vì cùng nhau chung tay giải quyết khủng hoảng, chúng ta có thể thấy câu chuyện khắc nghiệt giữa Trung Quốc, Hoa Kỳ và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là một điển hình.

Trong tương lai, quan hệ quốc tế không bị thay đổi cơ bản về bản chất, nhưng sẽ có sự thay đổi về phạm vi nội dung của chương trình nghị sự và thứ tự ưu tiên giữa các nội dung chính trên chương trình nghị sự ấy. Hình thức ngoại giao trực tuyến sẽ được tận dụng nhiều hơn, thường xuyên hơn và mang lại hiệu quả thiết thực hơn.

Thời điểm sau đại dịch này sẽ là lúc mà quá trình số hoá được ưu tiên thúc đẩy phát triển ở mọi nơi trên thế giới, đặc biệt trên hai phương diện là phát triển và mở rộng mạng lưới Internet quốc gia và quốc tế. Từ đó mà quan hệ quốc tế sẽ được đẩy mạnh lên rất nhiều.

Sau này, các đối tác lớn sẽ phải bớt kiêu ngạo và các đối tác nhỏ sẽ tự tin hơn trong cả các mối quan hệ song phương và đa phương. Nhu cầu về đẩy mạnh hợp tác song phương cũng như đa phương sẽ được coi trọng hơn hiện tại rất là nhiều.

Dịch bệnh còn là kẻ thù chung của nhân loại. Hiện trên thế giới đã có nhiều liên minh, công ty, tổ chức liên kết. Nhưng ở thời dịch bệnh ngay lúc này, thế giới chúng ta thiếu vắng “một tổ chức” hay “một quốc gia” hay thậm chí “một cá nhân” tài giỏi nào có khả năng đảm trách vai trò gọi nôm na là “đầu tàu” hoặc “thuyền trưởng” để dẫn dắt thế giới, cùng đối phó và đẩy lùi dịch bệnh. Điều này sẽ sớm được khắc phục trong vài năm tới.

Thúc đẩy học tập trực tuyến từ xa

Mặc dù các quốc gia có sự khác nhau về tỷ lệ nhiễm và thương vong bởi Covid-19, nhưng trên toàn thế giới hiện có hơn 1,2 tỷ trẻ em ở 186 quốc gia bị ảnh hưởng, bởi việc đóng cửa trường học đột ngột do đại dịch.

Với việc đóng cửa đột ngột các lớp học ở nhiều nơi trên thế giới, một số người đang tự hỏi liệu việc áp dụng học trực tuyến có tiếp tục tồn tại sau đại dịch này hay không, và sự thay đổi như vậy sẽ tác động đến lĩnh vực giáo dục toàn cầu như thế nào.

 


“Do lệnh giãn cách xã hội, đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều quốc gia trên thế giới đổ xô vào học tập trực tuyến từ xa. Sự thay đổi đột ngột này sẽ có tác động lớn đến việc dạy học và học tập trở lại của học sinh sinh viên và giáo viên, sau khi cuộc khủng hoảng Covid-19 kết thúc”, giáo sư Randal C. Picker, chuyên gia pháp lý hàng đầu tại Đại học Luật Chicago nói.

Randal C. Picker còn chia sẻ rằng, công nghệ và cơ sở hạ tầng cho việc học từ xa đã được thiết lập ở Hoa Kỳ trong thập kỷ qua, giúp thúc đẩy công tác học trực tuyến dần trở nên phổ biến hơn.

Sau Covid-19, có lẽ hình thức này nên được thử nghiệm trên quy mô toàn cầu. Dĩ nhiên, cũng phải làm thế nào để hình thức này vẫn đạt được mức hiệu quả cao trong chất lượng giáo dục, học tập, thi cử và đảm bảo có độ ứng biến “không chông chênh” khi tình thế bắt buộc phải thay đổi.

Ở đây, chắc chắn việc học từ xa là một công cụ mạnh mẽ từ môi trường tiểu học đến các lớp đại học, cao đẳng, nhưng nó không thể thay thế môi trường lớp học. Tuy nhiên, nó có thể là công cụ hỗ trợ giúp thu hẹp khoảng cách giữa việc học ở trường lớp với phương pháp giảng dạy theo những cách mới thú vị hơn.

Ít ai biết rằng, ngay cả trước Covid-19 xảy ra, công nghệ giáo dục trực tuyến đã có sự tăng trưởng và áp dụng cao, với giá trị vốn hóa thị trường chiếm 18,66 tỷ đô la Mỹ vào năm 2019 và dự kiến sẽ đạt 350 tỷ đô la vào năm 2025.

Cho dù đó là ứng dụng ngôn ngữ, tính năng dạy kèm ảo, công cụ hội nghị video hoặc phần mềm học trực tuyến, thì hiện nghiên cứu ban đầu cho thấy, các hình thức trên đã có sự gia tăng mức sử dụng đáng kể từ khi Covid-19 ập tới.

Tuy nhiên, cần phải có các bước điều chỉnh đáng kể trong 5 năm tới để hỗ trợ sự phát triển của hình thức học từ xa, bao gồm giải quyết các mối quan tâm về quyền riêng tư bảo mật an ninh mạng, tăng ngân sách phát triển cơ sở hạ tầng để tăng băng thông mạng mở rộng phạm vị truy cập.

NGUỒN:  Theo Báo Khám Phá

Link bài: Covid- 19…

(http://khampha.vn/khoa-hoc-cong-nghe/covid-19-viet-lai-tuong-lai-nhan-loai-ra-sao-trong-5-nam-toi-c7a770479.html)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *