CPTPP đã ký, đừng mơ ngồi mát ăn bát vàng

Trần Quí Thanh

Nguồn hình: Internet

—–

Chào anh Trần Quí Thanh

Thưa anh

Đươc anh trả lời cho câu hỏi của tôi, trong bài: “Trả lại việc của thị trường cho thị trường là gốc của cải cách”, thực sự tôi rất phấn khởi. Xin chân thành cảm ơn anh. Đầu năm mới tôi viết thư này chúc tết anh, nhân TPP vừa được ký kết cũng muốn anh trả lời giùm cho: Doanh nghiệp Việt được lợi ích thế nào khi hiệp định TPP không có Mỹ được ký.

Kính chúc anh luôn sức khoẻ, an lành và may mắn

Lê Nhất Nhì (Hải Phòng): nguoihaiphong17@gmail.com


Chào  Lê Nhất Nhì!

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa được 11 nước thành viên ký kết tại Chile là Hiệp định thương mại tự do rất có ý nghĩa đối với các nước thành viên tham gia, trong đó có Việt Nam. Đáng tiếc là Mỹ rút khỏi Hiệp định TPP trước đó nên toàn khối mất đi cơ hội xuất khẩu vào một thị trường 350 triệu dân , nhưng dù sao có CPTPP vẫn hơn là không có, đó là điều ai cũng thấy.

Các chuyên gia kinh tế dự báo CPTPP sẽ giúp cho các ngành dệt may, da giày, đồ uống và thực phẩm của Việt Nam có thêm nhiều lợi thế, tất nhiên các ngành khác cũng  có cơ hội, ví dụ như hải sản. Các doanh nghiệp xuất khẩu tôm, cá ngừ và các loại hải sản khác chuẩn bị để  xâm nhập thị trường các nước thành viên CPTPP.

Nhưng vấn đề không phải chỉ Việt Nam ung dung hưởng lợi, ngồi mát ăn bát vàng, mà phải chủ động để giành cho được mối lợi đó trên một thị trường cạnh tranh sòng phẳng, tuân thủ theo quy định và thông lệ quốc tế. Việt Nam xuất khẩu được hàng hoá sản phẩm hay không còn tuỳ thuộc vào thị trường các nước có chấp nhận hay từ chối. Thị trường có quy luật của thị trường, chất lượng và giá thành  sản phẩm quyết định cho điều này.

Các doanh nghiệp phải chủ động thay đổi công nghệ sản xuất, nghiên cứu kỹ thị trường để cho ra được sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường, chủ động hội nhập để không bị lạc hậu trước những quy định, tập quán và thông lệ quốc tế trong kinh doanh. Doanh nghiệp phải thay đổi toàn diện, không chỉ đổi mới dây chuyền công nghệ sản xuất, mà cả công nghệ quản lý.

Nói cho nhanh, ngay lập tức, các doanh nghiệp nghiên cứu thật sâu Hiệp định CPTPP, tìm hiểu các thông tin liên quan, thông tin về thị trường các nước thành viên, khai thác tối đa các điều khoản, cam kết có lợi để chủ động sản xuất, xuất khẩu. Chính Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cảnh báo: “Nếu không chủ động mà thụ động, thậm chí lơ là, không quan tâm đến thục thi cam kết trong hội nhập, tất yếu sẽ phải trả giá”.

Cái giá phải trả thì nhiều, nhưng rõ ràng, chúng ta có cơ hội thì các nước khác cũng có cơ hội, nếu không chủ động, Việt Nam sẽ trở thành thị trường 100 triệu dân cho các nước bán hàng.

Nói đến chủ động không có nghĩa chỉ một mình doanh nghiệp, mà còn phía nhà nước, phải hiểu đây là cuộc cạnh tranh của doanh nghiệp với doanh nghiệp và nhà nước với nhà nước, nếu như nhà nước quản trị theo “công nghệ lạc hậu” không kiến tạo được những chính sách phù hợp để hỗ trợ  doanh nghiệp thì CPTPP không có ý nghĩa. Chúng ta đã  gia nhập WTO, nhưng những hứa hẹn ghê gớm truóc khi gia nhập đã không thành hiện thực, đã một thập kỷ qua, nhưng thử hỏi Việt Nam đã làm được gì với WTO. Đừng có quá hào hứng khi gia nhập một hiệp định tự do thương mại, mà phải chuẩn bị cho mình thật kỹ như một vận động viên trước khi tham gia cuộc thi đấu trên sàn quốc tế.

Nhưng chúng ta có quyền lạc quan rằng,  nếu hôm nay, khi trở thành thành viên CPTPP, Chính phủ kiến tạo có những cải cách hiệu quả, thì không chỉ thúc đẩy được việc khai thác lợi ich từ hiệp định này, mà còn đối với  WTO.

Chúc anh Nhất Nhì mạnh giỏi

Trần Quí Thanh

(Hãy gửi thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *