Cuộc tương phùng sau 15 năm thảm hoạ ITC ở Sài Gòn

Phạm Duy – Quốc Thắng – Hữu Công – Vũ Mai / Đồ Hoạ:Tiến Thành/ Báo VnExpress

Đúng mười lăm năm trước, buổi trưa ngày 29/10/2002, một cuộn khói ngùn ngụt bốc lên ngay giữa trung tâm TP.HCM, lửa bao trùm cả tòa nhà Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 1).
Những gương mặt bàng hoàng ngập nước mắt ngước lên, những tiếng kêu cứu, những bàn tay vẫy và cả những thân người từ trên cao đổ xuống. 60 người chết, 70 người bị thương chỉ trong vòng vài chục phút.
Thấm thoắt đã mười lăm năm. Nếu trong khói lửa, một giây chờ đợi sự tiếp cứu dài như thế kỷ thì mười lăm năm sau đó lại qua thật nhanh. Nhiều cuộc đời đã thay đổi nhưng bao nhiêu câu chuyện vẫn như mới ngày hôm qua.”
 (Theo báo Thể thao & Văn hoá

 —– 

DJ Khải Định là người cuối cùng được cứu khỏi đám cháy tòa nhà ITC 15 năm trước – thảm họa cướp đi sinh mạng 60 người.

Hai người đàn ông sống cách nhau chỉ một con phố ở Sài Gòn.

Họ gặp nhau trong khoảnh khắc định mệnh, giữa lằn ranh sống – chết. Chia tay, không một lần gặp lại, không ai biết tên ai, suốt quãng thời gian đó họ tự hỏi rằng người kia tên gì, ở đâu, giờ sống ra sao.

Đúng 15 năm sau lần chạm mặt ấy, hai người cùng đến tòa soạn VnExpresstheo lời hẹn. Họ không biết sự có mặt của nhau, ngồi ở hai căn phòng, cùng hồi tưởng những gì diễn ra trong buổi chiều hôm đó. Giữa họ, không chỉ là một cuộc gặp gỡ, mà còn là những ký ức về một thảm họa, với rất nhiều mất mát, đau thương và suy ngẫm.

Đó là buổi chiều Sài Gòn nắng đẹp, 29/10/2002. Trời xanh ngắt, rất nhiều người còn nhớ. Hơn 13h, Khải Định đứng trên nóc cao ốc ITC chờ người đến cứu.

Toà nhà ở quận 1, là trung tâm thương mại sang trọng bậc nhất thành phố, ba mặt tiền: Lê Thánh Tôn, Nguyễn Trung Trực, Nam Kỳ Khởi Nghĩa.

Khải Định là DJ, 25 tuổi. Anh đến Vũ trường Blue trên lầu hai của ITC để tập nhạc cho đêm diễn. Gửi xe, đi cầu thang bộ lên nơi làm việc, anh phát hiện khói lửa nghi ngút. Biết chuyện chẳng lành, tính chạy ngược xuống thoát thân nhưng chàng DJ trẻ nghĩ trên lầu ba còn người chị là chủ vũ trường cùng nhân viên đang làm việc, nên anh tiếp tục chạy lên. Sau khi báo có cháy và nói mọi người thoát thân, Khải Định theo lối cũ để xuống lại.

“Trở lại cầu thang, khói lửa đã lớn lắm rồi. Do thang bộ làm như kiểu giếng trời nên khói đen từ dưới thốc lên, tôi không dám xuống nữa mà chạy ngược trở lên”, Định hồi tưởng.

Khói đen mù mịt. Những tấm mút cách âm của vũ trường bắt đầu bốc ra mùi khét nghẹt thở. Chuông báo cháy réo liên hồi cùng những tiếng la hét, người tháo chạy. Khung cảnh hỗn loạn.

Nghĩ không thể thoát được xuống dưới, Khải Định chạy ngược lên tầng bốn – nơi có nhà hàng tiệc cưới, rồi thoát lên khu sân thượng trên tầng năm với hy vọng tìm nơi thông thoáng để hít thở. Cùng hướng với anh có khoảng 20 người.

Những phút đầu tiên trên sân thượng, họ đều rất bình tĩnh. Tất cả đều tin rằng cứu hỏa sẽ nhanh chóng đến hiện trường dập lửa và cứu họ.

Khải Định đi xung quanh nhưng không tìm được lối xuống đất. Khói đen mù mịt tấp lên sân thượng khiến Định không thể thở.

Định trèo vào bồn nước 500 lít gần đó với hy vọng tránh ngạt. Anh cởi áo thun trắng, nhúng nước rồi áp mặt vào, hít lấy hít để. Khoảng 20 phút, nước trong bồn bắt đầu nóng lên, Định vội chui ra ngoài. Anh vấp ngã nhào vào mái tôn trên nóc nhà.

Chống hai tay xuống mái tôn, chàng trai nghe những tiếng xì xèo như chiên thịt. Anh nhận ra mái tôn đã trở thành một cái chảo và anh chính là miếng thịt trên đó. Chân tay cùng nhiều điểm trên cơ thể Định bỏng, buốt.

“Nhưng lúc đó tôi lại không thấy đau, có thể do bản năng sinh tồn khi mọi giác quan của tôi đều tập trung tìm lối để thoát khỏi lằn ranh sống – chết”, Định kể.

Định nhìn đồng hồ – anh đã trụ trên sân thượng được 30 phút. Anh cũng nhận ra xung quanh mình không còn ai. “Chắc là họ đều nhảy xuống, chết cả rồi”, Định nghĩ.

Sau lưng chàng trai này là cả gia đình. Hôm qua, anh mới cùng bạn gái tổ chức sinh nhật cho mẹ. Bạn gái Khải Định theo anh vào Sài Gòn sống một năm nay. Họ đang cố ổn định cuộc sống, dự tính cho đám cưới một thời gian sau đó.

Và thời điểm đó, Khải Định không biết bạn gái mình vừa mang thai.

Đây sẽ là ngày không thể quên của người dân Sài Gòn và lực lượng Cảnh sát PCCC thành phố này.

Ngọn lửa bùng phát từ Vũ trường Blue ở tầng hai và bắt đầu cháy lan nhanh, bao trùm cả tòa nhà ITC. Bên trong, hàng trăm người thuộc 49 văn phòng đang làm việc, khách tại các nhà hàng… Những gương mặt thất thần, tiếng gào thét kêu la vang vọng cả khu vực.

Sự hoảng loạn bắt đầu hình thành lúc hơn 13h. “Khi tiếng chuông báo động vang lên inh ỏi, chúng tôi ở trên tầng sáu của toà nhà. Nhiều người dồn về cầu thang thoát xuống dưới. Nhưng cầu thang quá chật, khói từ dưới bốc lên nghẹt thở, chúng tôi chạy ngược trở lên”.

“Lửa bùng dưới chân, mọi người xô đẩy nhau nhảy xuống tầng năm của toà nhà bên cạnh. Tôi cũng nhảy theo, gẫy chân, đang cố gắng bò ra ngoài thì có nhân viên cứu hộ bế thốc đưa xuống…”, nam nhân viên Công ty AIA nhớ lại.

“Sau khi có tiếng nổ lớn phát ra, cột khói bốc lên dữ dội từ phía cầu thang bộ. Điện phụt tắt. Lửa bùng lên rừng rực tại tầng hai”, nhân viên tạp vụ thoát ra ngoài mô tả.

Hơn 14h, lửa, khói bùng lên dữ dội, cao cả trăm mét. Xe cứu hoả từ khắp nơi trong thành phố đổ về ITC. Phần toà nhà phía đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa như chìm trong biển lửa. Các nạn nhân bảo nhau dồn về mặt góc. Nhiều người lao qua cửa sổ bất chấp hiểm nguy. Những người đứng xem gần đó đều chứng kiến người đàn ông đứng trên lầu năm, cầu cứu bên cửa sổ rồi bị ngọn lửa nuốt chửng.

15h, hàng chục vòi cứu hỏa phun nước vào trong. Tuy nhiên phần la phông chắn gió hai bên toà nhà đã cản nước, văng phần lớn ra ngoài. Lửa đôi lúc lại bùng lên ngùn ngụt, khí nóng và khói bao trùm toàn khu vực.

Khi lửa được khống chế phần nào và khói dịu bớt, người ta nhìn thấy những thi thể cháy đen trên hành lang tầng bốn và năm, phía đường Nguyễn Trung Trực.

Cảnh sát đập tường, đưa lực lượng đột nhập vào phun nước dập lửa từng tầng. Ông Lê Tấn Bửu – chỉ huy lực lượng Cảnh sát PCCC khi đó, thành lập ngay ba đội với 20 chiến sĩ, đập tường khu vực tầng ba.

Đến 19h, lực lượng cứu hỏa vẫn chưa thể khống chế được toàn bộ khói từ bên trong tòa nhà ITC.

Mỗi lần nhắc về vụ cháy ITC, đại tá Lê Tấn Bửu – Giám đốc Cảnh sát PCCC TP HCM lại trầm giọng. Ký ức của người chỉ huy chữa cháy lại ùa về nỗi ám ảnh.

“Cả cuộc đời này tôi chẳng thể quên được”, ông Bửu trầm ngâm. Thời điểm đó, ông là Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC (Công an TP HCM). Khi nhận được tin, từ trụ sở cơ quan nhìn ra, ông giật mình vì cột khói đã quá cao, đám cháy đã quá lớn.

“Tòa nhà cũ được xây trước giải phóng với nhiều lớp cửa, bên trên không có đường thoát, lửa vây kín như một cái chảo đỏ rực”, ông Bửu nói về thời điểm cùng đồng đội đến hiện trường.

Nhiều người theo các máng nước, nhảy vào các cành cây, lao xuống đường từ tầng ba. Hình ảnh những nạn nhân gào thét trong vô vọng, gục chết… khiến ông Bửu và các chiến sĩ bủn rủn, bất lực. Ông hò hét anh em, chia nhiều mũi phun nước, phá tường để làm sao cứu được những gì còn lại. Mọi nguồn nước từ Dinh Thống Nhất, Sông Sài Gòn… được huy động.

Nhưng bấy nhiêu là chưa đủ, với những con người, phương tiện lúc bấy giờ, đại tá Bửu cho rằng lực lượng “đã làm hết sức”.

“Lửa cháy quá nhanh, gần như không thể cản nổi. Lực lượng đã cố cứu được rất nhiều người, nhưng số người chết và bị thương quá lớn. Những gì chúng tôi làm được, không thể bù đắp…”.

Hiện trường đổ nát sau hoả hoạn ngổn ngang thi thể không còn vẹn nguyên, hoặc co rút, ghì chặt nhau…

“Những tiếng gào khóc chúng tôi nghe được trước đấy, là của họ. Chúng tôi bất lực, không thể làm gì hơn”.

“Hàng chục năm chiến đấu với giặc lửa, tham gia hàng trăm vụ nhưng chưa bao giờ tôi cảm nhận được nỗi đau như lúc ấy, nỗi ám ảnh còn kéo dài đến hiện tại. Tôi ước chúng tôi được báo tin vụ cháy sớm hơn, ước chúng tôi làm được nhiều hơn…”, ông Bửu nghẹn giọng.

Thiếu tá Huỳnh Văn Tuấn ngày đó là chiến sĩ trẻ tại đội PCCC Trung tâm. Trưa hôm ấy, chuẩn bị lên xe đi tập nghiệp vụ, Tuấn nghe hồi chuông báo rất dài.

Đến nơi, cảnh tượng vô cùng hoảng loạn. Những cánh tay vẫy trên ban công, cửa sổ, tiếng kêu cứu xen lẫn tiếng kính nổ. Lửa cuồn cuộn ở tầng hai, ba nuốt trọn tòa nhà. Những cuộn khói đen khổng lố hình nấm chụp úp, đè ngạt tất cả cảnh sát khi có gió thổi qua.

Phương tiện chữa cháy thô sơ, lực lượng mỏng, Tuấn nhận được lệnh từ chỉ huy: “Hơn 200 người có thể còn kẹt lại trong đám cháy, chúng ta phải hướng dẫn, giải cứu họ”.

Tuấn cùng đồng đội xịt vòi rồng để tìm đường vào trong. Mỗi đường nước dội vào, bắn ngược trở lại nóng như nước sôi.

Đeo bình dưỡng khí, Tuấn cùng đồng đội theo lối thang bộ hướng lên tầng trên. Không khí hừng hực nóng, tối tăm, xung quanh vang vọng còi xe chữa cháy, tiếng la hét hoảng loạn…

Hướng về những tiếng kêu cứu, ánh đèn của lính cứu hoả hướng dẫn dòng người chạy ra ngoài theo cửa thoát hiểm. Tuấn tiếp tục theo xe thang lên tầng năm – nơi có thể còn nhiều người mắc kẹt.

Anh lính trẻ mò mẫm trong bóng tối hướng vào trong. “Lần đầu trong đời, tôi mới biết lửa có thể cháy lan nhanh như vậy. Bức tường bên hông khi tôi lên vẫn bình thường, nhưng chỉ trong chớp mắt nó bất ngờ đổi màu, ám khói và bùng cháy”, người lính PCCC nhớ lại.

Dò dẫm tìm kiếm người sống sót nhưng không thấy, anh Tuấn và đồng đội đối mặt với ngọn lửa đang lan đến. Xe thang lúc đó đã chuyển xuống tầng dưới để cứu người, buộc những cảnh sát nghĩ đến phương án cuối là tháo bớt trang bị để bám tường trở xuống. May mắn, trước khi lửa nuốt trọn hành lang, xe thang đã được đưa tới.

Thoát chết trong giây phút ấy không phải là nỗi ám ảnh nhiều năm qua của anh Tuấn và các đồng đội. Cảnh tượng khiến họ đau đớn nhất là thấy những nạn nhân trước mắt mình từ từ chết, mà không làm được gì.

“Nhiều cánh tay vẫy ở ban công, cửa sổ, la hét. Nhưng chỉ một cơn gió thổi qua, đám khói ụp xuống, là mọi âm thanh im bặt. Khi khói tan, hàng loạt thi thể nằm vắt trên bờ tường”, anh Tuấn kể.

Trong lúc tuyệt vọng nhất, Khải Định quỳ xuống cầu nguyện thì phát hiện bức tường cạnh chuồng cu trên nóc nhà. Từ nơi đó, có thể nhìn xuống mặt đường Nguyễn Trung Trực. Ráng bò ra đến đây, anh quơ chiếc áo thun báo hiệu cho những người ở dưới. Một chiếc thang chữa cháy được đưa sát vị trí Định đứng.

Người lính cứu hỏa trèo lên thang, hét to, bảo Định bình tĩnh, ngồi xuống. “Thật sự lúc đó tôi không thể ngồi. Nếu chống hai tay đang bị bỏng xuống để ngồi, có thể tôi sẽ đau đến xỉu, rồi té xuống luôn”, Định cho biết.

Thang chữa cháy chỉ vừa một người đứng. Người lính cứu hỏa trèo lên gần sát chỗ Định rồi hướng dẫn anh trèo xuống, từng bước. Định được anh cảnh sát vừa dìu, vừa trấn an…

“Lúc lưng chạm tay nhóm người dưới đất cũng là lúc tôi ngất xỉu. Bao ý chí, sức lực đã được huy động để sinh tồn, khi tôi thoát nạn cơ thể mới cảm thấy đau”, nam DJ kể.

Anh là người duy nhất được cảnh sát giải cứu từ nóc nhà và là người cuối cùng thoát nạn.

15 năm trước, Huỳnh Văn Phón là người điều khiển xe thang đưa đồng đội áp sát các tầng nhà phun nước, lao vào cứu hộ.

Lực lượng khi đó chia ra ba hướng quanh tòa nhà. “Phía Nguyễn Trung Trực là mặt nguy hiểm nhất khi khói lửa cuồn cuộn, bao trùm ITC. Nhiều người nhảy ào ào từ tầng ba, năm xuống để thoát nạn… nhưng tất cả đều tử vong”, thiếu tá Phón nhớ lại.

Lúc khói tan bớt, nhiều người dân bên dưới hét lớn, bảo trên nóc nhà còn người. Anh Phón nhìn thấy nam thanh niên đang cầu cứu ở độ cao gần 25 m.

Anh lập tức điều khiển xe thang về hướng người thanh niên. Nhìn quanh thấy đồng đội đang tiến sâu vào hiện trường cứu hộ, nếu báo qua bộ đàm điều người đến cứu sẽ mất thời gian, sợ nam thanh niên không chịu nổi, nên anh tự mình leo lên xe thang tiến đến chỗ nạn nhân.

“Chuyên môn của tôi là điều khiển xe thang chứ không phải cứu người. Nhưng trong tình huống đó, ai cũng sẽ lao vào thôi…”, anh Phón chia sẻ.

“Phần mông và hai bàn chân cậu ấy bị bỏng nặng, da gần như tuột hết. Thấy tôi, cậu ấy mừng quá, gần như muốn nhảy ngay vào thang để thoát thân. Nếu cậu ấy làm vậy, cả hai sẽ chết, nên tôi vội trấn an ’em phải bình tĩnh, anh sẽ đưa xuống'”. “Em đau quá!”, cậu ấy nói.

Lúc đó anh Phón không có quần áo bảo hộ, dây an toàn, nên phải hướng dẫn nạn nhân quay lưng lại rồi đi xuống từng nấc thang.

“Tôi vừa kè vừa cõng anh ấy xuống, cảm giác da thịt, máu anh ấy nhiễu vào mình. Chuyển nạn nhân cho lực lượng cấp cứu tại chỗ xong, tôi quay lại chiến đấu nên không biết nạn nhân đó ra sao. Tuy nhiên, tôi tin với vết bỏng chỉ ở phần mông và một phần chân thì nạn nhân đó sống sót”.

Thiếu tá Phón nói rằng chừng ấy năm qua rất muốn gặp lại nam thanh niên, bởi đây là lần đầu anh giải cứu được nạn nhân.

“Tôi muốn tìm lại nam thanh niên đó để biết anh ấy sống thế nào nhưng không biết là ai để gặp. Tôi chỉ nhớ cái tướng người đó nhỏ, ốm ốm cùng hình ảnh đôi bàn chân da tróc hết, chỉ còn dính một tý ở gót”, anh Phón nói.

DJ Nguyễn Khải Định và Thiếu tá Huỳnh Văn Phón – hai con người từng chạm mặt nhau trong khoảnh khắc sinh tử, đã gặp lại nhau tròn 15 năm sau.

Ôm chặt người thiếu tá Cảnh sát PCCC, DJ Khải Định luôn miệng cảm ơn ân nhân đã kéo anh khỏi tay thần chết, trên nóc toà ITC.

Anh Phón thoáng ngỡ ngàng, rồi nắm chặt tay Khải Định. “Anh không ngờ được gặp lại em, thiệt không ngờ sau ngần ấy năm”.

“Sau vụ cháy, nhiều người hỏi ‘người anh cứu có quay lại cảm ơn không’. Anh nói với họ rằng, trong lúc hoạn nạn cũng không nhớ đâu, vì không biết ai là ai, hoảng loạn lắm. Cứu người là trách nhiệm của lính cứu hỏa. Chiến sĩ nào trong trường hợp của anh cũng làm như vậy”, anh Phón chia sẻ.

“Thật sự em không nhớ tại sao mình sống sót được và ai đã đưa mình xuống”, Định tỏ vẻ áy náy. “Em lúc đó hoảng loạn quá rồi, khi thấy xe thang được đưa lên, biết mình được cứu sống rồi. Khi đó em hành động như bản năng, ai hướng dẫn gì em làm theo y vậy và thật sự em không nhớ gương mặt anh khi cứu em”.

Khải Định kể với thiếu tá Phón việc sau đó anh được chuyển vào bệnh viện Chợ Rẫy. Lúc này bạn gái vào mới báo tin đã mang thai.

“Em quá may mắn. Người vợ tương lai, hai đứa con song sinh đã không mất chồng, mất cha. Anh là ân nhân cứu mạng em. Em cảm ơn anh. Sau biến cố ITC, em giờ sống có trách nhiệm hơn, vui hơn và trân trọng cuộc sống hiện tại của mình”, Định nói.

Thiếu tá Huỳnh Văn Phón nói anh cảm động khi thấy người mình từng cứu sống hạnh phúc, là DJ nổi tiếng ở Sài Gòn (Khải Định được gọi là “phù thuỷ” âm nhạc điện tử). Hỏi ra, nhà của hai anh chỉ cách nhau một con đường ở Sài Gòn.

Biểu đồ phía trên, bao gồm số vụ cháy nổ, số người chết và bị thương tại Việt Nam trong vòng 5 năm qua đủ để nói lên diễn tiến phức tạp của “giặc lửa” trong bối cảnh đô thị hóa tại Việt Nam. Chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm, số vụ cháy đã nhiều hơn năm 2014.

Những người cảm nhận rõ nét nhất tình trạng đó, chính là lực lượng cảnh sát PCCC.

“Tôi cứ nghĩ giá như lúc đó mình có đủ phương tiện, giá như lúc đó mình nhận được tin sớm hơn, có dụng cụ đầy đủ hơn có lẽ sẽ cứu được nhiều người hơn… Những cái ‘giá như’ đó, sau này là những bài học kinh nghiệm cho việc chữa cháy của chúng tôi”, đại tá Lê Tấn Bửu trầm ngâm.

Ông cho rằng, bài học lớn nhất từ vụ cháy là lực lượng Cảnh sát PCCC của TP HCM thời điểm đó không đủ sức để bảo vệ một đô thị phát triển ngày càng lớn.

Sau vụ cháy ITC, chủ trương của lãnh đạo TP HCM và Bộ Công an đã thống nhất báo cáo Chính phủ nâng cấp lực lượng Cảnh sát PCCC. “Việc này được ví như là thay cái áo mới cho lực lượng. Đó là thí điểm một đơn vị cấp phòng thành cấp sở với lực lượng mạnh hơn; trang bị các phương tiện đầy đủ hơn, đào tạo kỹ năng chữa cháy chuyên nghiệp hơn”, ông Bửu phân tích.

Cảnh sát PCCC TP HCM được thí điểm thành lập, chính thức đi vào hoạt động ngày 4/10/2006.

Những day dứt hiện vẫn còn, song vụ cháy ở ITC trở thành lời nhắc nhở những người Cảnh sát PCCC tiếp tục con đường của mình, với một tôn chỉ duy nhất.

“Nhiều lần thấy đồng đội bị thương vì lửa hay thậm chí hy sinh, tôi lại đau nhói. Nhưng chúng tôi luôn tâm niệm, không có gì quý hơn sinh mạng người dân, nên mọi băn khoăn về sự hiểm nguy lại tan biến”, thiếu tá Phón kết lại những hồi ức.

Nguồn: Theo báo VnExpress

 Link bài:Cuộc tương phùng sau 15 năm thảm hoạ ITC ở Sài Gòn

 

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *