Cứu doanh nghiệp

Khánh Huyền/ Báo Tiền Phong

Cần nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ cho công nhân gặp khó khăn do dịch COVID-19.- Ảnh và lời bình Báo Cand

Doanh nghiệp bị tác động tiêu cực bởi dại dịch COVID-19 là điều mà ai cũng thấy, thực tế này không chỉ ở Việt Nam mà là toàn cầu.

Số lượng doanh nghiệp bị sập tiệm, tạm dừng hoạt động sẽ tiếp tục được thống kê, nhưng dự đoán không dưới con số 100.000 trong năm nay. Cho nên, cần phải khẩn cấp hỗ trợ để cứu doanh nghiệp, thêm một doanh nghiệp được sống sót, vượt qua khó khăn để phát triển, là góp thêm một phần thành công trong chiến lược phục hồi kinh tế.

Năm 2020, Chính phủ đã thực hiện gói hỗ trợ cho doanh nghiệp nhưng không thành công bởi vì không nhiều doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thất bại, trong đó có nguyên nhân là thủ tục phiền hà, vô lý.

Năm nay, Chính phủ quyết tâm hỗ trợ doanh nghiệp có hiệu quả hơn, với quyết tâm phục hồi sản xuất kinh doanh mạnh mẽ.

Cộng đồng doanh nghiệp rất vui mừng trước những thông tin tích cực đó, nhưng xin đề xuất những điều sau đây:

Một là tiền hỗ trợ phải đến đúng địa chỉ, đúng đối tượng, doanh nghiệp tiếp cận một cách công bằng.

Hai là đến nhanh, cấp cứu là khẩn cấp, nếu chậm chạp, đến muộn thì doanh nghiệp mất đi cơ hội vàng để phục hồi.

Ba là hỗ trợ doanh nghiệp bằng các chính sách khác như miễn, giảm các loại thuế, phí và áp dụng càng sớm càng tốt.

Bốn là hoàn trả số tiền doanh nghiệp đã chi ra để phòng chống dịch. Tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp nguồn tài chính và y tế để phòng dịch an toàn, đảm bảo không bị đứt gãy sản xuất.

Năm là bãi bỏ tất cả các loại giấy phép con sinh ra từ dịch bệnh, các điều kiện kinh doanh vô lối, các thủ tục kiểm tra chuyên ngành gây cản trở xuất nhập khẩu, cởi trói hoàn toàn cho doanh nghiệp.

Trần Quí Thanh

—–

Đại dịch COVID -19 kéo dài 2 năm qua đã làm nhiều doanh nghiệp kiệt quệ, phải đối mặt với nguy cơ phá sản, chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế bị đứt gãy do các đợt giãn cách liên tiếp, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới có sự sụt giảm nghiêm trọng cả về số lượng và số vốn đăng ký.

Tính chung hết 9 tháng, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 45,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước; 32,4 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 17,4%; 12,8 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 5,9%. Bình quân một tháng, có 10 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Một khảo sát về tình hình “sức khỏe” tài chính của trên 21.500 DN cũng cho thấy, có tới 69% phải tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh do dịch Covid-19. Số doanh nghiệp cố gắng duy trì sản xuất, kinh doanh mặc dù không thể hoạt động toàn công suất chiếm 16%. Điều mà các doanh nghiệp mong “đỏ mắt” lúc này là được hỗ trợ vay vốn ưu đãi, được tiêm vắc xin cho lao động, được miễn giảm thuế phí và quan trọng được lưu thông hàng hóa… để có thêm tiền trả lương, thêm vốn phục hồi sản xuất.

Vực dậy doanh nghiệp để phục hồi gấp nền kinh tế là quyết tâm của cả hệ thống chính trị. Liên tục các gói hỗ trợ mới đây ban hành. Từ gói hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động trị giá lên tới 38 ngàn tỷ, tới gói thuế đặc biệt giảm thuế giá trị gia tăng tới 30% cho nhiều lĩnh vực, nhóm ngành. Và hi vọng nữa, sẽ có gói hỗ trợ lãi suất trực tiếp bằng ngân sách cho các doanh nghiệp (DN) đang khó khăn bởi dịch Covid-19. Quy mô gói này có thể tính toán ở mức 2.000 – 4.000 tỷ đồng, từ đó có thể tác động lan tỏa tạo ra gói dư nợ tín dụng lên tới 60.000 – 100.000 tỷ đồng. Nhưng như mong muốn của nhiều DN, “chính sách đúng, trúng” nhưng cần sớm hiện thực để đi vào cuộc sống.

Gói tín dụng ưu đãi 0% lãi suất, trong thời hạn dưới 12 tháng để trả lương ngừng việc cho người lao động ( nghị quyết 68) cần điều kiện là không có nợ xấu ở thời điểm đề nghị vay vốn. Quyết định 23 cũng nêu rõ phải nộp bản sao “thông báo quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020” của cơ quan thuế đối với DN hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng… Nhiều DN cho biết dịch Covid-19 kéo dài từ năm ngoái đến nay khiến hoạt động sản xuất – kinh doanh ngừng trệ. DN không chỉ bị giảm doanh thu, lợi nhuận mà nhiều khoản lãi vay đến hạn ở ngân hàng thương mại cũng khó thanh toán đúng hạn. Nợ vay bị nhảy nhóm nợ hoặc phát sinh nợ xấu đối với một số khoản vay là khó tránh, việc quyết toán thuế năm 2020 cũng gặp nhiều khó khăn. Cho nên không có nợ xấu gần như là điều không thể (?!) Cũng như việc quyết toán năm trong thời điểm dịch bệnh là khó khả thi…

Chia sẻ về quan điểm làm sao để những chính sách về thuế và tín dụng đủ mạnh tác động giúp cho DN giảm bớt khó khăn, một chuyên gia kinh tế nhấn mạnh: Điều cần thiết nhất lúc này là các nhóm giải pháp phải áp dụng đồng loạt và DN phải được tiếp cận nhanh hơn. Giải pháp phải thiết kế theo hướng DN có thể tự thực hiện; đơn giản hóa thủ tục kịp thời sửa đổi những điểm bất hợp lý. Có vậy mới mong các gói hỗ trợ đủ mạnh vực dậy DN đi qua gian khó, hồi sinh.

NGUỒN: Theo Báo Tiền Phong

Link bài: Cứu….

https://tienphong.vn/cuu-doanh-nghiep-post1386793.tpo

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *