Cứu người thì phải nhanh lên!

Tấn Đức/ Báo TBKTSG

Thuốc kháng virus SARS-CoV-2 đường uống phân phối dễ dàng là nhu cầu cần thiết và khẩn cấp hiện nay để điều trị COVID-19. Molnupiravir, đang cho thấy những kết quả đầy hứa hẹn. (Báo Sức khoẻ & Đời sống)

Cho đến thời điểm này, phải khẳng định là Việt Nam đã triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 đạt tỉ lệ cao thuộc nhóm hàng đầu thế giới, đó là thành tích xoay xở vaccine của Chính phủ.

Với hơn 50 triệu người tiêm đủ hai liều và gần 100% người trên 18 tuổi được tiêm đủ liều trong năm nay, thì Việt Nam có thể tự tin mở cửa nền kinh tế.

Và cũng chẳng có cách nào khác, quốc gia nào cũng vậy thôi, cứ tiêm đủ vaccine rồi thì sinh hoạt bình thường, coi như là “sống chung với COVID”.

Nhưng “sống chung” thì phải sống, không thể sống chung để rồi chết.

Muốn “sống chung” mà không chết hoặc hạn chế tử vong thấp nhất thì phải có hai hàng rào, vaccine và thuốc điều trị.

Về tiêm vaccine, có thể khẳng định Việt Nam đạt yêu cầu. Nhưng để chống lại dịch bệnh này, bảo vệ mạng sống con người, thì sau vaccine là điều trị. Riêng thuốc điều trị COVID-19, Việt Nam còn hạn chế.

F0 điều trị tại cơ sở y tế và hiện nay phần lớn điều trị tại nhà, vậy thì vấn đề đặt ra là bệnh nhân F0 có được nhận thuốc điều trị kịp thời hay không, có đầy đủ hay không, và có được y bác sĩ theo dõi, tư vấn, chăm sóc hay không?

Thuốc có hai nguồn, nguồn nhập khẩu từ các nước và nguồn sản xuất trong nước. Đã có một số doanh nghiệp dược trong nước đăng ký xin phép sản xuất thuốc điều trị COVID-19, họ cần có câu trả lời từ Bộ Y tế để sớm tham gia thị trường, hỗ trợ cho việc điều trị. Có thuốc sản xuất trong nước, chi phí điều trị sẽ rẻ hơn và chủ động hơn.

Tương tự, vaccine Nanocovax cũng mong sớm nhận được câu trả lời. Có vaccine sản xuất trong nước, Việt Nam sẽ chủ động hơn về nguồn cung và tự tin hơn để đưa ra các chiến lược phục hồ kinh tế.

Sinh mạng con người là vô giá, có vaccine, có thuốc điều trị sớm và đầy đủ thì sẽ bớt đi người tử vong vì COVID-19.

Mong lắm thay!

Trần Quí Thanh

—–

Với tỷ lệ phủ vaccine ít nhất là một liều đến gần 100% ở những người từ 18 tuổi trở lên, TPHCM đã bước vào giai đoạn thích ứng an toàn với dịch Covid-19 được hai tháng với số ca tử vong giảm sâu so với hồi đỉnh dịch. Tuy nhiên, khoảng một tuần trở lại đây số người qua đời vì Covid-19 lại có dấu hiệu tăng trở lại.

Cùng thời gian này, Sở Y tế TPHCM cho biết đã hết thuốc kháng virus Molnupiravir để cấp cho các F0 điều trị tại nhà và đã xin Bộ Y tế cấp thêm 100.000 liều, nhưng chỉ nhận được 5.000 liều. Trước đó, rất nhiều bệnh nhân F0 đã phản ánh việc họ không được cấp loại thuốc kháng virus này.

Câu hỏi đặt ra ở đây là liệu có mối quan hệ nào giữa việc F0 không được cấp phát thuốc kháng virus Molnupiravir và số ca tử vong tăng nhanh trở lại trong mấy ngày qua hay không?

Vaccine là vũ khí phòng chống dịch quan trọng nhất, nhưng chỉ vaccine thôi thì chưa đủ mà cần phải có thêm các loại thuốc điều trị khác, vì không có loại vaccine nào hiệu quả 100%, đặc biệt là với những người có hệ miễn dịch yếu.

Từ giữa tháng 8-2021, Việt Nam đã đưa vào thử nghiệm thuốc kháng virus Molnupiravir ở quy mô lớn để điều trị cho F0 nhẹ và không triệu chứng, và đến nay đã có gần 250.000 liều được cấp phát. Kết quả được Bộ Y tế công bố vào đầu tháng 11-2021 cho thấy, không chỉ thuốc an toàn mà hiệu quả cũng rất khả quan.

Theo đó, chỉ sau năm ngày sử dụng có từ 72,1% đến 99,1% số bệnh nhân dùng thuốc đã sạch virus hoặc tải lượng virus chỉ còn rất thấp (CT từ 30 trở lên); số bệnh nhân chuyển nặng chỉ có 0,02-0,06%, nghĩa là trong 10.000 người dùng thuốc thì chỉ có 2-6 người trở nặng; và quan trọng nhất là không có bệnh nhân nào được điều trị bằng loại thuốc này mà bị tử vong.

Với kết quả thử nghiệm tốt như vậy, cộng với việc thuốc đã được một số nước lớn phê duyệt và nhiều nước khác cũng đang chạy đua để mua, lẽ ra Bộ Y tế nên cấp giấy phép lưu hành cho Molnupiravir ngay để bệnh nhân Covid-19 có thể dễ dàng tiếp cận với loại thuốc “cứu mạng” này. Hơn nữa, hiện đã có ít nhất năm công ty dược phẩm trong nước tham gia sản xuất Molnupiravir, nên đây là cơ hội tốt để Việt Nam có thể cung cấp thuốc kịp thời cho bệnh nhân.

Vậy điều gì đã khiến cho sau gần một tháng công bố kết quả thử nghiệm rất lạc quan, nhưng Bộ Y tế vẫn không cấp giấy phép cho thuốc kháng virus Molnupiravir, trong khi hàng ngày vẫn đang có hàng chục, và nay lại là hàng trăm người mất mạng vì Covid-19?

Trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn có nhắc đến điều 56 của Luật Dược. Ông nói rằng, việc nước Anh vừa qua đã cấp phép lưu hành cho Molnupiravir là “điều kiện thuận lợi để tới đây Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét điều chỉnh một số điểm trong điều 56 Luật Dược hiện hành, giảm bớt các thủ tục để Bộ Y tế cấp phép lưu hành Molnupiravir và một số thuốc điều trị Covid-19 nhanh hơn”.

Như vậy, theo Bộ Y tế, một số quy định trong điều 56 của Luật Dược khiến cho Bộ Y tế không thể đẩy nhanh tiến độ cấp phép lưu hành cho thuốc điều trị Covid-19. Đây cũng có thể là nguyên nhân khiến cho loại vaccine phòng Covid-19 triển vọng nhất của Việt Nam (đến thời điểm này) là Nanocovax, sau gần hai tháng rưỡi được Hội đồng Đạo đức thông qua và chuyển hồ sơ cho Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc để xem xét trình Bộ Y tế cấp phép, nhưng kết quả chỉ có một sự im lặng!

Tóm lại, nếu luật lệ chính là rào cản, khiến cho các loại vaccine phòng ngừa và thuốc điều trị cho bệnh nhân của dịch Covid-19 không thể được cấp phép sớm thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội hãy nhanh nhanh họp để dẹp quang các rào cản này. Đồng thời, nếu rào cản đó không chỉ là quy định của luật lệ, mà còn ở các lý do chủ quan nào đó, thì nó cũng cần nhanh chóng được dẹp bỏ. Vì mỗi sự chậm trễ hiện đều đang phải trả giá bằng sinh mạng của không ít người!

NGUỒN:  Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn

Link bài: Cứu người…

https://thesaigontimes.vn/cuu-nguoi-thi-phai-nhanh-len/
Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *