Trần Quí Thanh
Bản “Quy hoạch chi tiết về thiết kế đô thị, tỉ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hoà Bình, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng” được công bố, và tất nhiên, có rất nhiều ý kiến trái chiều về bản thiết kế này.
Người đồng tình ủng hộ cho rằng cần phải quy hoạch theo hướng hiện đại để khai thác du lịch hiệu quả, tăng nguồn thu cho địa phương.
Người cho rằng khu Hoà Bình xấu xí, kiến trúc lộn xộn, cần phải phá bỏ để xây dựng công trình mới, nhưng phải hài hoà với không gian kiến trúc đô thị Đà Lạt.
Người cho rằng, khu Hoà Bình là không gian ký ức, các công trình ở đây gắn liền với lịch sử phát triển của Đà Lạt. Nếu xoá sạch để làm mới, có nghĩa là xoá sạch ký ức, thậm chí là một phần lịch sử của thành phố này.
Người cho rằng, khu đất công Hoà Bình phải là đất công, không giao cho tư nhân khai thác, không để trở thành tài sản của tư nhân.
Tui tạm liệt kê ra vài ý kiến trên, để thấy rằng có nhiều sự quan tâm của cộng đồng xã hội đối với Đà Lạt. Ý kiến trái chiều là đương nhiên, và phải xem đó là sức sống của đời sống dân chủ trong một xã hội thực sự có dân chủ. Chính quyền không thể áp đặt ý chí quản lý của mình trên nhân dân, đặc biệt là đối với các chính sách, quyết định các vấn đề, sự việc, công trình, dự án có tác động đến cộng đồng xã hội, đến đa số người dân, và các hoạt động bảo tồn công trình văn hoá vật thể cũng như phi vật thể.
Đối với bản thiết kế trên, tui chưa có điều kiện nghiên cứu kỹ, nên không dám đưa ra nhận xét về chất lượng của nó. Nhưng với những hiểu biết của tui về Đà Lạt và kiến trúc, tui cho rằng, thiết kế có khối hình quá lớn, không phù hợp với không gian của thành phố này.
Tui ủng hộ quan điểm của chính quyền tỉnh Lâm Đồng là phải chỉnh trang khu Hoà Bình, nhưng tui không ủng hộ bê tông hoá cả khu trung tâm. Đà Lạt đã bị bê tông hoá quá nhanh, việc bây giờ là phải ngăn chặn, thực hiện các công trình xanh hoá, thân thiện với môi trường.
Về không gian ký ức và không gian lịch sử, tui tôn trọng ý kiến của một số nhà nghiên cứu, nhưng tui nghĩ rằng, không phải cái gì cũng là ký ức, cũng là lịch sử, vấn đề là cái đó có giá trị thực sự hay không. Nếu cái gì cũng phải giữ gìn dù không có giá trị thì nhân loại làm sao có những giá trị mới. Ví dụ, rạp hát Hoà Bình có giá trị kiến trúc, lịch sử không?
Bảo tồn, gìn giữ nhưng cũng phải phát triển. Có tài nguyên mà không khai thác hiệu quả cũng là một sự thất bại. Đó là bài toán mà chính quyền tỉnh Lâm Đồng, Thành phố Đà Lạt cần lắng nghe thêm lời giải từ nhiều phía.
Bài đọc thêm, Link: Đừng rút xương sống cấu trúc lịch sử của Đà Lạt
(https://www.thesaigontimes.vn/286692/dung-rut-xuong-song-cau-truc-lich-su-cua-da-lat.html?fbclid=IwAR1G03dpfQCTJOjYOL1QYDuIgL7Vl53xyH134but8cuwgeEgvJaa1mIqCo0)