Dân khó từ nhà ra biển, người lạ dễ ngó từ biển vào nhà

Nguyễn Minh Hoà/ Báo NĐT

Ảnh: Trần Tuấn Việt
—–
 
Phải thật công bằng để nhìn nhận rằng, chúng ta chưa có tư duy và tầm nhìn về biển tương xứng với tài nguyên mà chúng ta sở hữu.

Và cũng công bằng để thừa nhận rằng, cha ông chúng ta có tầm nhìn xa hơn con cháu. Từ thế kỷ 17, chúa Nguyễn đã lập đội Hoàng sa khai thác quần đảo Hoàng Sa, rồi lập đội bắc hải phụ trách các đảo xa ở phía Nam quần đảo Hoàng sa, nay là Trường Sa. Nhờ có tầm nhìn đó, chúng ta có đủ chứng cứ lịch sử và pháp lý để xác lập được chủ quyền trên hai quần đảo này.

Đến nay, chúng ta có cái nhìn rộng hơn, xa hơn cha ông hơn 3 thế kỷ trước không ? Hãy tự nhận là không.

Tư duy manh mún, tầm nhìn hạn hẹp, cho nên bờ biển tuyệt đẹp và rộng dài trở thành những “thửa đất canh tác” theo kiểu vụn vặt, các resort dù sang trọng đến mấy cũng chỉ là con đẻ của tư duy tiểu nông.

Chúng ta chưa có những đội tàu hiện đại để khai thác kinh tế biển, không có một nền công nghiệp đóng tàu tầm cỡ thế giới.

Ngược lại, chúng ta khai thác nguồn lợi thủy sản theo kiểu tận diệt, và nguy hiểm hơn, đó là phá hoại môi trường biển đến mức đưa vào danh sách các quốc gia xả rác hàng đầu. Biển Việt Nam đang bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Hãy tỉnh thức  và hành động.

Trần Quí Thanh


 

Nói một cách thật sòng phẳng, lịch sử phát triển của người Việt Nam không phải là lịch sử chinh phục đại dương, về cơ bản người Việt quay lưng ra biển, quay mặt vào đất liền.

Chúng ta chưa từng có những đội thương thuyền lớn chủ động giao thương với các nước, chưa có những nhà hàng hải khám phá những vùng đất xa xôi. Chúng ta chỉ khai thác quanh bờ với những thuyền nhỏ xuất phát từ những làng chài cũng nhỏ. Cha ông ta mở cõi từ Bắc xuống Nam cũng là đi lần hồi dọc theo bờ biển. Có lẽ chuyến đi xa nhất là của hoàng tử Lý Long Tường lưu lạc đến Hàn Quốc vào thế kỷ XIII. Cha ông ta giỏi thủy chiến trên sông như Bạch Đằng, Rạch Gầm – Xoài Mút…, không giỏi thủy chiến ở đại dương mênh mông. Những người đầu tiên mang sản vật Việt ra nước ngoài như gạo lại là người Hoa, Chợ Lớn.

Trong thời gian gần đây một loạt các hội thảo quốc gia, quốc tế về kinh tế biển được tiến hành, chẳng hạn hội thảo “Tìm kiếm mô hình và giải pháp phát triển bền vững để khả thi hóa tiềm năng các đô thị ven biển” diễn ra tại TP. Vũng Tàu, hội thảo “Quy hoạch dải đô thị ven biển” ở Nha Trang, và trên trang nhất nhiều báo chạy những hàng tít lớn như “dự án bít lối, dân leo tường ra biển” ở Phú Yên, và đồng loạt các báo khác đưa tin lãnh đạo TP. Đà Nẵng đã đàm phán thành công với các chủ resort đồng ý để mở lối xuống biển cho dân.

Nhìn rộng ra trong phạm vi toàn quốc sẽ thấy, trong thời gian này trên các phương tiện truyền thông đại chúng, các diễn đàn hội nghị, hội thảo về phát triển kinh tế – quốc phòng biển đồng loạt diễn ra. Đây không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên, mà các hoạt động hướng tới Nghị quyết 36-NQ/TW về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” ban hành ngày 22.10.2018. Mặc dù muộn, nhưng một nghị quyết như thế là vô cùng cần thiết trong bối cảnh Biển Đông diễn ra ngày càng phức tạp và khó lường. Việc coi biển là “mặt tiền quốc gia” là một tâm thức mới, bởi truyền thống cha ông ta xưa là quay lưng ra biển, quay mặt vào bờ, coi trọng canh tác nông nghiệp trồng tỉa, chăn nuôi gia súc hơn là khai thác vùng biển xa.

Một khách quan lịch sử khiến chúng ta có vẻ “chểnh mảng” với dải tài nguyên hỗn hợp đất liền và biển này mà chỉ chăm lo cho biên giới đất liền là chúng ta không có một cuộc chiến tranh nào diễn ra trên biển, hàng ngàn năm Trung Quốc chỉ nhòm ngó chúng ta từ phía Bắc, nơi mà “núi liền núi, sông liền sông”. Chỉ đến thời nhà Nguyễn thì các pháo đài quân sự có quy mô mới xuất hiện gần hoặc ven bờ biển, như pháo đài Duyên Khánh (1793) gần cửa biển Nha Trang, pháo đài Hà Tiên (1831), pháo đài Điện Hải (Đà Nẵng-1813), pháo đài Phước Thắng (Vũng Tàu -1788). Từ sau 1990, chúng ta đã bắt đầu khai thác dải đất ven biển, các resort, khách sạn xuất hiện rất nhiều khiến cho dải ven biển trở nên sôi động.

Một trong số các ý kiến quan trọng từ hội thảo phát ra là các chủ đầu tư hãy thôi đi, đừng rào giậu, ngăn sân chỉ vì một chút quyền lợi cỏn con, bởi nguy cơ xâm lấn Việt Nam trong thế kỷ XXI là từ biển.

Muốn khai thác kinh tế biển thì phải hoàn thiện dải đô thị ven biển, bởi các thành phố, thị xã chính là các trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học – kỹ thuật và cả an ninh quốc phòng, cho nên phải liên kết thành một dải liền mạch, mà muốn liên kết được thì tuyến đường giao thông ven biển, được coi là huyết mạch quan trọng nhất không được chia cắt, phân mảnh. Nhưng rất tiếc do lịch sử để lại cho đến nay tuyến đường ven biển dài 3.041km từ Quảng Ninh đến Kiên Giang đi qua 28 tỉnh, thành trong tình trạng không liền mạch.

Tính toàn tuyến ven biển thì mới chỉ có khoảng 2.000km là có đường (hơn 60%) sử dụng được, có đoạn thì chạy sát biển, có đoạn chạy sâu vào đất liền, nhiều đoạn chưa có đường cho xe tải chạy, chưa kể rất nhiều đoạn đường ven biển và bờ biển bị cắt khúc rời rạc do tình trạng phân lô, cát cứ. Tình trạng này diễn ra từ Bắc tới Nam, ở bất cứ vùng biển nào của Hạ Long, Thanh Hóa, Nha Trang, Đà Nẵng, Phan Thiết, Vũng Tàu đều thấy hiện tượng mỗi ông chủ resort, khách sạn chiếm một khúc biển, kèm theo là một khúc đường.

Các khu du lịch này không chỉ xây tường vây không để dân địa phương tiếp cận với biển mà còn xây tường phân định ranh giới không cho người từ địa điểm này qua địa điểm khác trên cùng một dải dọc bờ biển. Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành nghị quyết về việc quy hoạch đường bộ ven biển quốc gia, nhưng từ đó đến nay tình hình chưa chuyển biến bao nhiêu vì có nhiều vướng mắc, trong đó là việc cần có một số vốn rất lớn, chừng hơn 30.000 tỷ đồng.

Việc hình thành dải đô thị và hệ thống giao thông đô thị liền mạch là yêu cầu sống còn với một quốc gia có vùng biển đặc quyền kinh tế rộng trên 1 triệu km2, gấp hơn ba lần diện tích đất liền, có bờ biển dài 3.260km. Sự liền mạch của giao thông và đô thị này, trước hết là phục vụ cho hoạt động kinh tế, dòng chảy liên tục của hàng hóa, các cơ sở cung ứng dịch vụ khai thác biển, sản xuất hàng tiêu dùng, chế biến hải sản, khai thác và chế biến dầu khí, dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng phải nằm trong chuỗi khăng khít, bổ trợ cho nhau. Nhưng điều quan trọng nhất của sự liền mạch về giao thông và đô thị có ý nghĩa sống còn với quốc gia tiếp giáp nhiều với biển là an ninh quốc phòng. Khi chiến tranh xảy ra thì tuyến giao thông liền mạch ven biển sẽ giúp vận chuyển một số lượng cực lớn quân lực, khí tài, thiết bị quân sự một cách nhanh chóng, cũng như sơ tán dân cư đến vùng an toàn, triển khai lực lượng bảo vệ đất liền chống “tràn ngập” hay đột kích từ biển.

Nhìn sang Đài Loan, Singapore, Nga, Indonesia sẽ thấy họ chú trọng xây dựng tuyến đường ven biển và dải đô thị ven biển trở thành những tổ hợp kinh tế-xã hội và quân sự rất mạnh, đủ sức đương đầu với những kẻ thù muốn xâm chiếm từ biển. Một trong số các ý kiến quan trọng từ hội thảo phát ra là các chủ đầu tư hãy thôi đi, đừng rào giậu, ngăn sân chỉ vì một chút quyền lợi cỏn con, bởi nguy cơ xâm lấn Việt Nam trong thế kỷ XXI là từ biển. Chúng ta phải cảnh giác, không để bị bất ngờ trước những hiểm họa khó lường đang rình rập ngoài khơi xa. 

Nguồn: Theo Báo Người Đô Thị online

Link bài: Dân khó từ nhà ra biển…

(https://nguoidothi.net.vn/dan-kho-tu-nha-ra-bien-nguoi-la-de-ngo-tu-bien-vao-nha-16726.html)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *