Đem chuông đi đánh xứ người

Trần Quí Thanh

Nguồn hình: Internet

—–

Kính gửi ông Trần Quí Thanh, 

Qua LinkedIn tôi có đọc các bài viết của ông. Tôi cũng có những trăn trở về việc làm sao để đem được sản phẩm của Việt Nam ra thế giới bên ngoài, và tôi cảm thấy vui vì có sự đồng cảm khi gặp ông là một trong những người Việt cùng tư tưởng “đem chuông đi đánh xứ người”.

Dù là lĩnh vực nghề nghiệp và sản phẩm của tôi và ông hoàn toàn khác nhau nhưng tôi cũng như ông có chung niềm tự hào về sản phẩm của mình, không ngại cạnh tranh với bất cứ sản phẩm cùng loại nào.

Tôi chúc ông luôn khoẻ mạnh và giữ được một trái tim đầy nhiệt huyết của người Việt Nam khơi thông luồng chảy kinh tế trong thời đại toàn cầu hoá.

Kính,

LE NHAT QUANG (Mr) – Music Director (Sài Gòn): lenhatquang@saigonorchestra.com

—–

Anh Lê Nhật Quang mến!

Ai đã bước vào kinh doanh, dứt khoát có động cơ muốn làm giàu. Nhưng có người dừng lại ở ước mơ giàu có, cũng có không ít người suy tư và ước vọng xa hơn.

Làm giàu ở mức độ nào đó thì thấy tiền cũng bão hòa, nhưng khát khao chinh phục thị trường lại khó thỏa mãn. Chinh phục thị trường trong nước là một giới hạn, còn mở rộng ra các nước là một giới hạn khác, khó khăn hơn rất nhiều.

Có những doanh nghiệp sản xuất sản phẩm, bán cho người tiêu dùng trong nước và vui vẻ vì kết quả đó. Cũng tốt thôi, vì làm được như vậy cũng không phải dễ dàng gì.

Nhưng tui gặp nhiều anh em trong giới doanh nhân, họ trăn trở làm sao để xuất khẩu được sản phẩm sang các nước. Đó là nghĩ lớn và nghĩ khác.

Những người bạn của tui ưu tư rằng không thể để cho các nhà sản xuất nước ngoài tung hoành trên đất nước mình, khai thác thị trường gần 100 triệu dân Việt Nam để bán hàng. Và nguy hiểm hơn, đó là con số nhập siêu của Việt Nam luôn cao hơn xuất siêu, trong đó phải nhập những thứ mà đúng ra chúng ta phải làm được, và thậm chí bán được sang thị trường ngoài biên giới.

Tranh được một phân khúc trong nước trên một loại sản phẩm là giảm một phần nhập siêu, xuất được một sản phẩm ra nước ngoài là tăng tỉ trọng xuất siêu, cán cân thương mại dần mới cân bằng, tiến đến nghiêng về phía xuất siêu. Đó là trách nhiệm của các nhà thiết kế kinh tế vĩ mô, nhưng vai trò của các nhà sản xuất là tối quan trọng.

Có điều, mơ xuất khẩu sản phẩm, “đem chuông đi đánh xứ người”, nhưng đánh thắng hay không mới là điều quan trọng. Nếu tài hèn sức mỏng mà đi viễn chinh thì chỉ có thây bọc da ngựa mà thôi.

Muốn cạnh tranh được, không gì khác hơn ngoài các yếu tố: giá thành rẻ, chất lượng cao, mẫu mã đẹp, tùy theo sản phẩm còn có thêm yêu cầu hệ thống phân phối và bảo hành thuận lợi.

Muốn chất lượng cao thì phải sử dụng nguồn nguyên liệu tốt nhất.

Muốn giá thành rẻ thì phải đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại để tiết kiệm các chi phí sản xuất và nhân công. Cùng với dây chuyền công nghệ là áp dụng mô hình công nghệ tiên tiến trong quản trị doanh nghiệp.

Tiếp theo là đầu tư hiệu quả cho tiếp thị, truyền thông.

Tui đã có kinh nghiệm về chuyện này khi quyết định đầu tư 500 triệu USD cho dây chuyền công nghệ Aseptic để sản xuất nước uống cho Tân Hiệp Phát, một quyết định táo bạo nhưng đã mang đến hiệu quả.

Tui có kế hoạch “mang chuông đi đánh xứ người”, rất tự tin, nhưng anh cho phép tui không nói trước vì “sợ bước không qua”.

Năm mới chúc anh vui khoẻ, hạnh phúc.

 

Trần Quí Thanh

(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *