Đâu là lý do thật của việc cảnh báo thiếu điện?

Mạc Bùi/ Báo TBKTSG

EVN đưa ra cảnh báo rằng, có thể tập đoàn này sẽ phải cắt điện ngay từ các tháng đầu năm 2019 – Ảnh: TL

—–

Tập đoàn Điện lực Việt Nam – EVN đưa ra cảnh báo về nguy cơ thiếu điện trong năm 2019. Đưa ra cảnh báo về thiếu điện là chuyện bình thường, ở quốc gia nào cũng vậy, để Chính phủ có chính sách, các doanh nghiệp sản xuất điện có giải pháp để tăng sản lượng đảm bảo cung cấp đủ điện cho sinh hoạt và sản xuất.

Đưa ra cảnh báo về thiếu điện là cần thiết, để mỗi người dân có ý thức thực hành tiết kiệm điện, không sử dụng điện lãng phí, ảnh hưởng đến nhu cầu chung của toàn xã hội.

Nhưng đối với EVN, việc đưa ra cảnh báo thiếu điện vẫn còn có điều gì đó chưa minh bạch, khiến dư luận còn nhiều băn khoăn.

Các chuyên gia kinh tế đặt vấn đề, phải chăng EVN đưa ra dự báo khó khăn cũng như nguy cơ thiếu điện chỉ nhằm mục đích tăng giá điện?

Tui không có đủ thông tin để có cơ sở đánh giá về nhận định trên, nhưng thực sự hoài nghi về những con số thua lỗ nhiều năm và những khó khăn mà EVN nêu ra.

Và hơn nữa, một tập đoàn của nhà nước, có đủ điều kiện về chính sách, vốn và nhiều ưu đãi khác, kinh doanh độc quyền, nhưng không đảm bảo cung cấp đủ điện cho quốc gia thì khó có cách giải thích nào thuyết phục.

Thiếu điện không đơn giản chỉ là chuyện sinh hoạt, mà quan trọng hơn là nền kinh tế của đất nước bị ảnh hưởng. Cho nên, không thể dễ dàng tuyên bố một lời cảnh báo, mà phải có các giải pháp để sản xuất đủ điện.

Tập đoàn có là mũi nhọn hay không chính là câu trả lời trong lúc này?

Trần Quí Thanh

—–

Thị trường điện và giá điện luôn là đề tài được dư luận quan tâm vì sự tác động của nó đến việc sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như đời sống của người dân. Diễn đàn tuần này của TBKTSG đăng bài phân tích của hai chuyên gia kinh tế về nguy cơ thiếu điện được ngành điện đưa ra gần đây để bạn đọc có thêm thông tin tham khảo.

Trong những ngày qua, tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đưa ra cảnh báo về nguy cơ thiếu điện trong năm 2019.

Theo thông báo của EVN, không chỉ nhiều nhà máy nhiệt điện phải “đóng cửa” do thiếu nguyên liệu than, mà các nhà máy thủy điện cũng không tích đủ nước, cùng với đó là sản lượng điện khí giảm, dẫn tới khả năng thiếu điện tới hết năm 2019. Với cách lý giải trên, EVN đưa ra cảnh báo rằng, có thể tập đoàn này sẽ phải cắt điện ngay từ các tháng đầu năm 2019.

Tựu trung, EVN đưa ra lý do “bất khả kháng” để lý giải cho việc không hoàn thành nhiệm vụ được Chính phủ giao.

Tuy nhiên, khi nhìn vào số liệu của Tổng cục Thống kê về năng suất lao động của 21 ngành cấp 1, nhiều người quan tâm không khỏi ngạc nhiên khi từ năm 2010 đến nay, năng suất lao động của hai nhóm ngành khai thác và điện luôn cao hơn gấp nhiều lần năng suất lao động bình quân chung của nền kinh tế. Năm 2010 năng suất lao động của ngành khai thác cao gấp 17 lần năng suất bình quân chung của nền kinh tế, của ngành điện cao gấp 11,5 lần năng suất bình quân chung của nền kinh tế. Đến năm 2017, mức chệnh lệch này đã tăng lên 19 lần đối với ngành ngành khai thác và 15,1 lần đối với ngành điện. Từ năm 2010-2017, tốc độ tăng năng suất lao động của ngành khai thác là 13%, của ngành điện là 31%. Tính ra, bình quân, mỗi năm năng suất của ngành khai thác tăng 1,6%, của ngành điện tăng hơn 4,7%.

Về phương pháp tính, năng suất lao động của một ngành bằng giá trị tăng thêm theo giá cơ bản (không bao gồm thuế sản phẩm) của ngành đó chia cho số lượng lao động. Còn đối với cả nền kinh tế, năng suất lao động bằng tổng giá trị tăng thêm theo giá cơ bản chia cho số lượng lao động. Số liệu chính thức của Tổng cục Thống kê cho thấy giá trị tăng thêm theo giá cơ bản của hai nhóm ngành này quá lớn, mà trong giá trị tăng thêm theo giá cơ bản thì có hai yếu tố chính là thu nhập của người lao động và thặng dư sản xuất. Như vậy có thể thấy một số vấn đề như sau:

Một là, nếu hai ngành này lỗ thì đó là do thu nhập của người lao động quá cao.

Hai là, những ngành này không hề lỗ, mỗi lần tăng giá bán điện là vào cả lương người lao động (cán bộ) hoặc vào thặng dư.

Như vậy phải chăng chuyện thiếu điện dẫn đến hệ quả có thể phải cắt điện luân phiên, và trước đó – chuyện Bộ Công Thương báo cáo về việc EVN lỗ hơn 2.000 tỉ đồng năm 2017…, tất cả là nhằm chuẩn bị lý do để tăng giá bán điện.

Nếu trong năm 2018 Thủ tướng không chỉ đạo về việc không được tăng giá bán điện thì có lẽ giá bán lẻ điện đã được điều chỉnh. Năm 2019 EVN đưa ra dự báo khó khăn cũng như nguy cơ thiếu điện phải chăng cuối cùng cũng chỉ nhằm mục đích tăng giá bán điện?

Một số ý kiến cho rằng cần phải tăng giá điện trong các năm tới, khi giá bán lẻ điện tại Việt Nam hiện thấp hơn 50% so với các nước trong khu vực. Theo người viết, cách đánh giá này là khập khiễng và không khách quan. Một điều lạ là chúng ta hay so sánh giá bán sản phẩm, dịch vụ của Việt Nam với các nước, khi thấy thấp hơn thì cho rằng cần phải tăng mà không tính đến mức sống, mức thu nhập của người dân chúng ta so với các nước. Ngoài ra, chúng ta còn có lợi thế khác trong sản xuất điện. Đã ai tính toán bao nhiêu héc ta rừng đã bị tàn phá khi làm các nhà máy thủy điện? Chúng ta có hệ thống sông thuận lợi phát triển thủy điện, có than, có dầu sản xuất nhiệt điện. Tất cả những rừng, sông ngòi, tài nguyên thiên nhiên như than, dầu đều là tài sản của nhân dân nhưng khi sử dụng, khai thác đều kêu lỗ và người dân lại phải mất tiền thêm lần nữa.

Trong nền kinh tế thị trường, giá cả hàng hóa có tăng có giảm. Điện cũng là hàng hóa nhưng chỉ có tăng, không có giảm. Đây là vấn đề bất cập. Đặc biệt, nhiều năm nay, năm nào EVN cũng báo lỗ, năm 2016 báo lỗ dù tăng giá điện, năm 2017 cũng báo lỗ. Qua cách tính năng suất lao động và so sánh với năng suất chung nói chung, phải chăng mỗi lần tăng giá điện đều làm tăng giá trị tăng thêm của ngành điện? Điện không chỉ phục vụ tiêu dùng cuối cùng của dân cư mà còn là đầu vào quan trọng cho sản xuất, kinh doanh. Vì thế, vấn đề không phải ở chỗ giá điện có tăng hay không, mà là tăng bao nhiêu để không ảnh hưởng nhiều đến đời sống của người dân và tăng trưởng kinh tế, việc tăng đó dựa trên cơ sở nào. Tất cả cần phải được làm sáng tỏ, minh bạch.

NGUỒN:  Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn

Link bài: Đâu là lý do thật….

(https://www.thesaigontimes.vn/td/282801/dau-la-ly-do-that-cua-viec-canh-bao-thieu-dien-.html)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *