Gia Minh/ TBKTSG
Đề xuất không để cho người địa phương đứng đầu tỉnh, thành ở địa phương mình đã trở thành một chủ trương sau khi Hội nghị Trung ương lần thứ 7 kết thúc vào cuối tuần qua. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu đã nói rõ “từng bước thực hiện việc bố trí bí thư cấp ủy, cấp tỉnh, cấp huyện không là người của địa phương”.
Trước khi hội nghị này diễn ra, báo chí qua thông tin chưa chính thức đã nói đến đề xuất này. Nhiều chuyên gia, học giả trong cũng như ngoài nước nhiệt tình tham gia ý kiến, phần lớn cho rằng biện pháp này mang tính tích cực trong phòng chống tham nhũng, hạn chế tệ nạn bè phái “một ông làm quan cả nhà làm cán bộ”, thậm chí có người cho rằng “cũng cải thiện được một phần tính tương đối trung lập của bộ máy quan chức”. Thế nhưng cũng có ý kiến lo ngại rằng một người nơi khác đến liệu có thể hiểu biết hết về địa phương để đưa ra những chính sách tốt nhất hay không.
Thật ra, chuyện bố trí người nơi khác đến làm quan đầu tỉnh ở một địa phương không có gì mới ở nước ta. Hơn 500 năm trước đây, dưới triều vua Lê Thánh Tông (1442-1497), bộ Lê Triều hình luật – còn gọi là Luật Hồng Đức – đã nói đến nguyên tắc bố trí quan lại với tên gọi là “Hồi tỵ”.
“Hồi tỵ” có nghĩa là “tránh đi”, theo đó những người có quan hệ huyết thống, đồng hương không được bổ nhiệm làm quan ở cùng một địa phương. Nếu gặp trường hợp này thì phải báo cáo với triều đình để thuyên chuyển người thân đi nơi khác. Theo Luật Hồng Đức thì: Quan lại không được lấy vợ, làm thông gia nơi mình cai quản, không được tậu đất vườn nơi mình làm quan lớn…
Vua Minh Mạng triều Nguyễn (1820-1841) vốn là người nghiêm khắc trong việc thực thi phép nước, nguyên tắc hồi tỵ được ông quy định chặt chẽ hơn: Các quan lại không được làm quan ở trú quán, ở quê vợ, quê mẹ và ngay cả nơi học tập thời trẻ. Dịch lại ở nha môn của các bộ tại kinh đô và các tỉnh nếu là cha con, anh em ruột, anh em họ, phải tách ra bổ nhiệm làm việc nơi khác .
Khi ban hành những quy định ngặt nghèo như vậy, chắc hẳn các nhà làm luật thời phong kiến đã nắm bắt được quy luật muôn đời về tương quan quyền và lợi, để tìm cách khắc chế sự lạm dụng, làm trong sạch bộ máy cai trị.
Việc bố trí quan chức lãnh đạo như vậy cũng đã từng diễn ra ở nước ta gần đây với chủ trương “luân chuyển cán bộ”, bổ nhiệm người địa phương này về làm bí thư thành uỷ, tỉnh uỷ ở địa phương khác, nhưng liệu có phải kế thừa nguyên tắc hồi tỵ hay vì một mục đích gì khác? Có điều là sau một thời gian ngắn chẳng khác gì thời kỳ chuyển tiếp, phần lớn các vị ấy được bổ nhiệm vào một vị trí cao hơn (ít có trường hợp hiếm hoi nửa đường đứt gánh như ông Đinh La Thăng). Thế nhưng, dường như việc luân chuyển như vậy không tạo ra được những diễn biến tích cực rõ nét trong đời sống kinh tế – xã hội ở địa phương nơi các vị đã từng tại chức như kỳ vọng của nhiều người.
Pháp lệnh cán bộ, công chức sửa đổi năm 2003 cũng nói rõ: người đứng đầu và cấp phó cơ quan, tổ chức không được bố trí vợ hoặc chồng, bố mẹ, con, anh chị em ruột của mình giữ chức vụ lãnh đạo về tổ chức nhân sự… Thế nhưng có mấy ai nghe đâu, vẫn chuyện một ông làm quan cả nhà làm cán bộ.
Lý do có thể là vì hoàn cảnh xã hội đã đổi thay theo chiều hướng xấu hay là tinh thần “hồi tỵ” không đọng lại ở các vị làm công tác quản lý về mặt hành chính.
Đã có nhiều mô hình tổ chức công quyền tương đối hiệu quả được biến tấu từ nguyên tắc hồi tỵ. Chẳng hạn trong cơ chế hành chính của chế độ cũ ở miền Nam trước đây, quan đầu tỉnh trực thuộc Bộ Nội vụ, do nơi này bổ nhiệm (và cách chức). Đó là những người đại diện cho chính quyền trung ương về quản lý hành chính ở địa phương, nhưng đồng thời cũng là công bộc của dân, không làm tròn một trong hai nhiệm vụ là bị triệu hồi về trung ương xử lý. Vậy mà cơ chế ấy cũng chỉ làm tăng hiệu quả của bộ máy hành chính chứ vẫn chưa thể hạn chế được tệ nạn tham nhũng, mua quan bán chức và lợi ích phe nhóm diễn ra một cách tinh vi khác xa điều kiện xã hội của thời thịnh trị ba bốn trăm năm về trước.
Những thông tin trước Hội nghị Trung ương 7 được dư luận xã hội quan tâm là vị trí chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh thành cũng được khuyến khích không phải là người địa phương. Không thấy Hội nghị Trung ương 7 đề cập đến vấn đề này, nhưng nếu có chủ trương như vậy cũng chưa hẳn khả thi, bởi cơ chế còn nhiều ràng buộc, người đứng đầu bộ máy hành chính của đất nước vẫn không thể cách chức chủ tịch ủy ban nhân dân vì là người của địa phương.
Thế cho nên để “hồi tỵ” hiệu quả cũng cần phải thay đổi nhiều điều khác nữa.
Nguồn: Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn
Link bài: Để “hồi tỵ” hiệu quả
(http://www.thesaigontimes.vn/2