Trần Quí Thanh
Tại cuộc họp trực tuyến về công tác phòng chống dịch COVID-19 chiều 6.4, ông Nguyễn Thanh Long – Thứ trưởng Bộ Y tế đưa ra đề xuất xem xét kéo dài thời gian áp dụng giãn cách xã hội nếu thấy cần thiết. Ý kiến này rất được người dân quan tâm, đặc biệt là giới doanh nghiệp, những người làm ăn buôn bán.
Việt Nam được đánh giá là một trong các quốc gia phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả nhất.
Không phải mình tự đánh giá về mình, mà đó là nhận định từ các cơ quan chuyên môn và báo chí quốc tế. Mới đây, trang tin liberationnews.org của Đảng Chủ nghĩa xã hội và Giải phóng (Party for Socialism and Liberation – PSL) của Mỹ nhận định, trong cuộc khủng hoảng đại dịch COVID-19, Việt Nam nổi lên như một ví dụ về cách ứng phó hiệu quả.
Việt Nam có nhiều cách ứng phó, nhưng có hai cách ngăn chặn lây lan dịch bệnh rõ nhất là cách ly xã hội và ngăn không cho dịch từ bên ngoài vào. Chính vì vậy, khi chưa yên tâm hoàn toàn về dập dịch, đặt biệt là có hiện tượng mất dấu F0, lây nhiễm trong cộng đồng, thì phải tiếp tục áp dụng cách ly toàn xã hội.
Thông tin sáng 9.4 từ Bộ Y tế, số ca mắc cả nước là 251, trong đó có 156 người từ nước ngoài về và 95 người lây nhiễm thứ phát. Điều lo lắng là ca nhiễm thứ phát tăng, các trường hợp như bệnh nhân 243 gây thêm mối bất an khiến cho khả năng kéo dài thời gian cách ly xã hội là có thể.
Tuy nhiên, cũng có quan điểm ngược lại, thận trọng phòng dịch, nhưng không để tê liệt các hoạt động khác.
Đối với cán bộ công chức, thì việc kéo dài thời gian cách ly xã hội, tuy có ảnh hưởng sinh hoạt nhưng không thay đổi thu nhập. Còn đối với người phải chạy ăn từng bữa, thì một ngày không làm việc là một ngày thiếu ăn.
Hàng quán đóng cửa lâu ngày, người kinh doanh kiệt quệ, các loại lãi chồng chất, mất khả năng thanh toán.
Đặc biệt, đối với cộng đồng doanh nghiệp, sức chịu đựng có hạn, kéo dài thời gian cách ly xã hội, thì thêm nhiều doanh nghiệp phá sản.
Cho nên, phải tính đến việc cách ly xã hội sao cho phù hợp, vừa đảm bảo hiệu quả phòng dịch, nhưng vẫn tác động tích cực đến sinh hoạt, buôn bán làm ăn của người dân, thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong phạm vi an toàn.
Nếu đến 15.4, dịch bệnh được kiểm soát, thì nên kết thúc cách ly xã hội. Trong trường hợp còn có ca bệnh phát sinh, thì khoanh vùng, chỉ cách ly theo địa bàn, khu vực. Các nơi khác trở lại sinh hoạt bình thường. Tất nhiên, vẫn trong tình trạng “chống dịch như chống giặc”, thực hiện nghiêm các khuyến cáo của Bộ Y tế và quy định phòng dịch của địa phương.
Ngủ đông thì phải ngủ, nhưng khi cần thức phải dậy để đi kiếm ăn. Để ngủ đông sâu quá coi chừng không dậy được nữa.
Sài Gòn ngày 9/04/2020
TQT
Đọc thêm bài: Có nên kéo dài thời gian cách ly xã hội?
(https://tuoitre.vn/co-nen-keo-dai-thoi-gian-cach-ly-xa-hoi-2020040808312105.htm)