Việt Trung/ Báo Phụ nữ Tp HCM
Phát biểu tại hội nghị tiếp xúc cử tri chiều 11/10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói: “Hình ảnh hàng nghìn người đi xe máy về quê rất đau xót. Trong đó có phần trách nhiệm của chúng ta”.
Khi lãnh đạo thốt lên đau xót trước nỗi khổ của đồng bào và nhận trách nhiệm như thế, người dân tin rằng, sẽ có nhiều hơn nữa những quyết sách vì nhân dân kèm những giải pháp triển khai quyết liệt các quyết sách đó. Câu nói của Chủ tịch nước cũng cho thấy rằng, vấn đề được quan tâm hàng đầu hiện nay không phải là GDP tăng trưởng bao nhiêu, xuất khẩu được bao nhiêu ngoại tệ mà là người dân sống như thế nào.
Con người là vốn quý của xã hội, và dĩ nhiên là vốn quý của các doanh nghiệp, của nền kinh tế, là nguồn lực tạo ra tăng trưởng GDP. Đồng ý rằng, khi đầu tư, doanh nghiệp phải có lợi nhuận, nhưng không thể không quan tâm chăm lo cho người lao động, bởi đó không chỉ là trách nhiệm mà còn là sự đầu tư bền vững cho chính doanh nghiệp.
Người lao động từ các địa phương đổ về TPHCM, các tỉnh miền Đông Nam bộ – nơi có nhiều khu công nghiệp – với ước mơ đổi đời cho mình và cho gia đình. Nhưng nhiều người trong số họ phải chấp nhận sống cực khổ trong những khu nhà trọ chật chội, thiếu thốn về tiện nghi, tối thiểu về dinh dưỡng… để tiết kiệm từng đồng gửi về quê cho cha mẹ già và con cái. Khi đại dịch COVID-19 quét qua, với điều kiện sống như thế, sức người đã bị vượt quá giới hạn chịu đựng và bà con phải vét những đồng tiền cuối cùng để trở về quê.
Có thể thấy, dịch tàn phá khốc liệt nhất là ở các khu nhà trọ của công nhân, nơi có điều kiện sống hết sức vất vả. Trong đại dịch, người lao động sống chật vật còn doanh nghiệp không thể hoạt động hiệu quả và giờ đây họ không tuyển dụng được lao động khi công nhân đã bỏ về quê. Nếu người lao động được tạo điều kiện về nhà ở, được quan tâm về sức khỏe tinh thần và thể chất, con cái được chăm lo sức khỏe, được giáo dục miễn phí thì có khó khăn mấy, họ vẫn trụ được.
Người lao động nhập cư đã đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của các tỉnh, thành đang đóng góp đáng kể cho ngân sách quốc gia. Các địa phương đó cần phải tạo điều kiện tốt hơn cho người lao động yên tâm làm việc.
Trước hết là nhà ở. Bao nhiêu năm qua, rất ít doanh nghiệp có khu cư xá công nhân. Chính Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cũng thừa nhận tại buổi tiếp xúc cử tri ngày 11/10 rằng, chưa có sự đầu tư đúng mức về nhà ở cùng nhiều vấn đề khác cho lực lượng lao động nhập cư. Vì vậy, nên chăng, trong quy định đầu tư vào các khu công nghiệp, cần yêu cầu doanh nghiệp xây dựng khu lưu trú công nhân, hoặc chính quyền địa phương dùng ngân sách đầu tư công của địa phương xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp, đi kèm chính sách cho mua trả góp hoặc thuê với giá rẻ. Cử tri TPHCM rất vui khi người đứng đầu UBND thành phố chia sẻ, trong 11 kế hoạch thành phần về phòng chống dịch, khôi phục kinh tế của TPHCM, có kế hoạch về nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp.
Thứ hai là các chính sách chăm sóc sức khỏe tinh thần. Ở những khu nhà ở công nhân, nhất thiết phải có các thiết chế văn hóa như nhà văn hóa, nhà hát, thư viện, sân thể thao và cả trường học. Nếu công nhân muốn nâng cao trình độ, các địa phương cũng cần tạo điều kiện miễn học phí. Đây là nhu cầu có thật vì khi các điều kiện vật chất được đảm bảo, chắc chắn người lao động sẽ hướng tới nhu cầu nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn để tự hoàn thiện mình. Khi công nhân có trình độ chuyên môn cao thì giá trị gia tăng mà họ tạo ra cũng cao hơn.
Thứ ba, có lẽ đã đến lúc không dùng cụm từ “người lao động nhập cư”. Mỗi người lao động từ các địa phương khác về nơi mà họ cho là đất lành đều có đóng góp nhất định, nên họ phải được xem như là công dân của địa phương mình. Nhờ vậy, chính họ cũng sẽ xem nơi đây là quê hương của mình để rồi gắn bó và tận hiến.
Đó là các giải pháp căn cơ và lâu dài để chứng tỏ địa phương mình thật sự là nơi đất lành chim đậu.
NGUỒN: Theo Báo Phụ nữ Tp HCM
Link bài: Để người…
https://www.phunuonline.com.vn/de-nguoi-lao-dong-khong-con-phai-bon-ba-hoi-huong-a1448173.html