Đọc những chia sẻ của Thầy Dương Văn Ni, Trường Đại học Cần Thơ được nhà báo Đức Tâm ghi lại trong bài “Người nông dân cô đơn” – Thời báo Kinh tế Sài Gòn online ngày 19.3, tui thực sự xúc động, nhất là với những dòng này: “Khi mà trong xã hội, những người được cho là “có học” chưa có nhận thức đúng đắn và tôn trọng dành cho người nông dân, khi đó, xã hội vẫn sẽ còn gặp nhiều khó khăn”.
Đã mấy ai hiểu được nông dân như vậy.
Trong điều kiện biến đổi khí hậu, đất canh tác bị ảnh hưởng bởi thuốc trừ sâu và những tác động tiêu cực từ thiên nhiên và con người, cái nông lịch mà thầy Dương Văn Ni gọi đó là “hệ thống kinh nghiệm và niềm tin” bị phá vỡ, những cơn mưa thất thường như tính khí của con gái mới lớn đôi khi làm hư hại cả một cánh đồng.
Trong cơn khốn khó, nông dân tất tả chạy theo trồng cây gì, nuôi con gì hòng kiếm được cái ăn, nhưng đôi khi cây đó, con đó vừa được giá năm trước, năm sau không ai thèm mua. Trồng rồi chặt, nuôi rồi thả. Chuyện con trăn, con cá sấu của vùng ĐBSCL vẫn còn làm ứa nước mắt người nuôi đến bây giờ.
Nông dân không biết đến biến đổi khí hậu, hiệu ứng nhà kính, nước biển dâng hay sông Cửu Long bị ngăn dòng làm thủy điện phía thượng nguồn, khiến không đủ nước thau chua rửa mặn đất trồng trọt. Nông dân không có khả năng dự báo và phân tích thị trường, chuyện đó dành cho những người không phải nông dân. Nhưng khi họ sản xuất ra sản phẩm bị thị trường từ chối, họ lại bị trách mắng là không biết cách mần ăn.
Nông dân Việt Nam siêng năng, cần cù, chịu thương chịu khó, nhưng họ cần được hướng dẫn để canh tác, nuôi trồng hiệu quả. Đừng để họ cô đơn trên cánh đồng của mình.