Dịch vụ nói xấu, bôi nhọ trên mạng xã hội

Mỹ Huyền/ Báo TBKTSG

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

—–

Tuần rồi dư luận quan tâm nhiều đến chuyện bà Lê Thị Hiền, cán bộ Công an quận Đống Đa, Hà Nội đã có những phát ngôn không đúng chuẩn mực tại sân bay Tân Sơn Nhất. Trong đoạn video clip được tung lên mạng xã hội, có đoạn bà Hiền tức giận “rủa” cô nhân viên Vietnam Airline “một ngày tôi phải chạy 5 triệu Facebook … cho con này ế chồng”.

Từ thực tế này cho thấy là có không ít người đã và đang dùng tiền để thuê dịch vụ bằng cách nào đó nói xấu xúc phạm người khác trên mạng xã hội Facebook.

Bà Hiền với những lời nối lăng mạ người khác tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh Internet

Một số tài khoản trên Facebook được mở chỉ để làm nói xấu người khác dưới tên gọi bóc phốt. Từ khóa “bóc phốt” được sử dụng nhiều trên Facebook để đặt tên cho tài khoản cá nhân hay nhóm kín, nhóm mở chuyên nói về chuyện xấu của ai đó, nhưng tính chính xác thì không ai kiểm chứng được. Những tài khoản làm dịch vụ nói xấu thường dùng tên “Bóc phốt thuê” hay “Dịch vụ nói xấu” để dùng làm quảng cáo, mời chào dịch vụ của mình rồi sau đó lại tạo tài khoản tên giả khác để đi nói xấu người khác. Đông đảo nhất là lực lượng chuyên bóc phốt giới giải trí.

Một dịch vụ nói xấu quảng cáo công khai trên Facebook. Ảnh từ Facebook

Họ có thể đăng hình ảnh, thông tin cá nhân như chứng minh nhân dân và nơi ở của người bị hại và gán cho họ lừa đảo, nợ khó đòi hay làm nghề không đứng đắn như “mại dâm”. Hiện nay, việc chơi xấu bôi nhọ phổ biến đến nỗi đã có tài khoản trên Facebook giới thiệu mình nhận làm dịch vụ xóa sổ tài khoản trên mạng xã hội của người khác với tên gọi “Dịch Vụ Rip, report Nick Facebook” để đối phó với tình trạng nói xấu vô tội vạ này.

Có nhiều trường hợp chỉ người bị hại chỉ báo cáo (report) với Facebook nhưng các chủ tài khoản làm dịch vụ này lại có thể mở tài khoản mới.

Những quảng cáo của các dịch vụ chửi thuê, bóc phốt ngang nhiên trên Facebook. Ảnh: Facebook

Theo tiến sĩ luật Đinh Thị Thanh Nga, giảng viên Đại học Sài Gòn nhiều người bị hại biết nhưng không chứng minh được rằng có các giao dịch do ai đó thuê mướn để nói xấu mình nên nạn nhân ngại không nhờ công an can thiệp vì họ sợ tốn thời gian. Người bị hại đôi khi cũng không dám lên tiếng vì lo ngại sẽ bị phạt vì tội vu khống nếu không chứng minh được cụ thể ai đó đã thuê người khác nói xấu mình hoặc phải có chứng cứ chứng minh tính sai sự thật của thông tin.

Xã hội đang phát triển rất nhanh kéo theo đó là sự phát triển của mạng xã hội. Các hành vi nói xấu đã trở nên phức tạp rất khó được ngăn chặn trước, mà người bị hại rất khó để chứng minh được hành vi này khi đã xảy ra rồi. Đáng chú ý là họ đã mở rộng địa bàn hoạt động từ Facebook, YouTube nay còn đến Instagram và mục đích còn đi xa hơn là nói xấu lãnh đạo với mục đích chính trị.

Một trang Facebook chuyên nói xấu chế độ. Ảnh từ Facebook

Hiện nay, những thông tin đăng tải lên mạng xã hội mang tính chất bôi nhọ người khác hay có động cơ tiêu cực về chính trị đều đã có cơ chế để xử lý. Theo tiến sĩ luật Đinh Thị Thanh Nga, Luật an ninh mạng cũng đã chính thức khẳng định đây là một trong những hành vi bị nghiêm cấm tại điều 8. Khi người nào đó phát hiện có người dùng các trang mạng xã hội như Facebook, Youtube… để nói sai sự thật hay xúc phạm mình thì có thể tố cáo với các cơ quan chức năng như cơ quan Công an, thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông, hoặc có thể khởi kiện tại toà án.

Khi có bằng chứng về việc đưa thông tin sai sự thật, những người tham gia vào việc nói xấu người khác sẽ bị phạt hành chính từ 5.000.000 – 100.000.000 đồng theo Nghị định 174/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện. Người tham gia nói xấu cũng phải xin lỗi công khai nếu có đơn khởi kiện của nạn nhân và nếu họ là cán bộ, công chức viên chức thì có thể bị kỷ luật. Đối với những cá nhân và tổ chức dùng việc nói sai sự thật để làm dịch vụ thì cũng đã vi phạm pháp luật vì xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của người khác. Tuy nhiên, người bị hại phải chứng minh được có hành vi kinh doanh này.

Một trang chuyên đăng tải những nội dung nói xấu. Ảnh từ Facebook

Đối với những người bị nói xấu là một doanh nghiệp thì việc nói xấu sẽ ảnh hưởng đến việc kinh doanh và uy tín của họ. Do đó, bà Mai Cẩm Linh, Giám đốc Tư vấn Kinh doanh của YouNet cho rằng doanh nghiệp nên dùng công cụ Social Listening (lắng nghe mạng xã hội) để chủ động ngăn ngừa giảm thiểu thiệt hại từ việc bị nói xấu, tung tin không đúng sự thật trên mạng xã hội từ trước. Công cụ này có thể phát hiện hiện tượng này ngay từ khi vừa xuất hiện và gửi đến người có liên quan để xử lý kịp thời. Khi sự việc bùng phát khả năng lan truyền thì công cụ này sẽ giúp tổng hợp, phân tích diễn biến, tìm ra nguồn phát tán …  để người bị hại tìm các biện pháp khắc phục.

NGUỒN: Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn

Link bài: Dịch vụ nói xấu…

(https://www.thesaigontimes.vn/293396/bo-tien-thue-nguoi-noi-xau-boi-nho-tren-mang-xa-hoi.html)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *