Định giá các startups:  Không phóng đại giá trị, không vẽ vời thêm những giá trị ảo để dụ nhà đầu tư

Trần Quí Thanh

Nguồn hình: Báo Tia Sáng

—–

Kính gửi bác Trần Quí Thanh,

Thưa bác, để gọi vốn cần biết giá trị các startups của mình, nhưng tài sản của các startups thường chỉ nằm ở trong đầu, ở IPs, tài sản cân đo đong đếm được thì chỉ có mỗi cái laptop, vậy làm sao định giá được startups của mình mà không mắc phải sai lầm là đếm cua trong lỗ?

Kính mong bác trả lời ạ.

Thay mặt một số startups trẻ Tp Huế. 

Cháu gái,

Lê Hoài Nam (Vinh): hoainam_vinh1994@gmail.com

—–

Lê Hoài Nam mến!

Đây là vấn đề gặp phải của các bạn trẻ startup. Khởi nghiệp thì phải gọi vốn từ các nhà đầu tư, nhưng không biết phải định giá bao nhiêu cho hợp lý. Đối với các doanh nghiệp đã hoạt động nhiều năm, có sản phẩm, có doanh thu, có thị trường thì việc định giá quá đơn giản, nhưng định giá cái chưa có thì khó quá phải không cháu?

Cũng có những startup định giá bằng cách tính những chi phí thực tế nghiên cứu sản phẩm, thành lập doanh nghiệp, vốn điều lệ. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở các khoản này thì cũng không đúng và không đầy đủ.

Sách vở chỉ ra nhiều cách định giá, có cả công thức hẳn hoi, cháu có thể tìm đọc, tham khảo. Ở đây, bác chia sẻ kinh nghiệm được tích lũy từ những trải nghiệm và quan sát của chính mình.

Trước hết là phải định giá trên nguyên tắc sát giá, không vống lên quá cao. Các nhà đầu tư rất tinh mắt, chỉ cần startup tỏ ra không trung thực với giá trị của mình là họ tháo lui ngay.

Tiếp theo là nói đúng những việc đã, đang và sẽ làm, không phóng đại giá trị, không vẽ vời thêm những giá trị ảo để dụ nhà đầu tư. Thuyết phục nhà đầu tư bằng giá trị thật thì mới bền. Họ không dễ bị lừa, và dù có lừa được thì chỉ có một lần. Các vòng gọi vốn sau coi chừng không ai thèm tham gia.

Dựa trên hai nguyên tắc này, startup chia ra các giai đoạn để định giá và thu hút vốn đầu tư.

Giai đoạn đầu khi chưa có sản phẩm, đưa ra một khung vốn cho giai đoạn này. Các nhà đầu tư cũng tự tin bỏ vốn và theo dõi, thăm dò dự án.

Giai đoạn khi có sản phẩm mẫu, tùy theo thực tế để định giá. Nếu sản phẩm tốt, chất lượng cao, có triển vọng thị trường thì có thể mạnh dạn để đặt giá cao tương ứng. Ở vòng gọi vốn này, cần đưa ra quyết định sáng suốt để không gây thiệt hại cho doanh nghiệp về sau.

Giai đoạn phát triển thị trường, đưa sản phẩm vào kinh doanh. Khi chính thức sản xuất hàng loại vòng gọi vốn này cụ thể, rõ ràng hơn. Việc định giá không còn trừu tượng như vòng đầu, cho nên startup và nhà đầu tư có thể dễ dàng thỏa thuận để đi đến quyết định về tỉ lệ góp vốn đầu tư.

Việc định giá có được lợi thế, ngoài ý tưởng sản phẩm, còn có những tiêu chuẩn khác, đó là startp từng thành công trước đó, có kinh nghiệp điều hành, quản trị doanh nghiệp. Thứ hai là startup huy động được đội ngũ nhân sự tinh nhuệ, có “máu mặt”.

Chúc cháu thành công.

Trần Quí Thanh

(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *