Ông Hiếu ví dụ thêm, rằng một doanh nhân nhập một lô hàng thủy sản về nhưng chỉ để trong kho mà không được đưa vào sản xuất vì phải chờ thông quan. Trong khi muốn mua xe để chở hàng đông lạnh thì phải xin giấy phép kinh doanh vận tải.
Và ông Hiếu nhìn nhận: Với 5.000 điều kiện kinh doanh, doanh nghiệp (DN) muốn tuân thủ cũng rất khó trong khi lại đầy “rủi ro cho doanh nghiệp”.
Thương quá “đoàn thuyền thúng” với những “giấy phép con cháu chút chít” không khác gì barie trên quốc lộ.
Trong cân đối về mức đóng góp vào ngân sách nhà nước, các DN ngoài nhà nước đang chiếm tỉ trọng cao nhất với 46%, tiếp đến là các DN nhà nước chiếm 29% và DN FDI chiếm 25%. Nền kinh tế đã ghi nhận sự phát triển rất nhanh của DN ngoài nhà nước và phải nói công bằng, đây chính là kết quả của việc thúc đẩy, đưa kinh tế tư nhân trở thành động lực của đất nước, theo đúng tinh thần Nghị quyết Trưng ương 5.
Nhưng thực tế cũng cho thấy, chính DN tư nhân lại là đối tượng dễ bị tổn hại nhất trong nền kinh tế. Tổn hại từ thiên la địa võng điều kiện kinh doanh, tổn hại trong sự bất bình đẳng trong tiếp cận những yếu tố thuộc về nguồn lực (vốn, đất đai), tổn hại trong sự “hành” từ phía các cơ quan nhà nước. Trưởng ban Pháp chế – Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Đậu Anh Tuấn có lần đã lấy hình ảnh: “Chỉ một cán bộ khó ở, DN cũng gặp rắc rối!” để nói về sự tổn thương này.
Một chính sách, dù tốt đến đâu mà những người thực thi “khó ở” thì rõ ràng, những rào cản thật sự là muôn hình vạn trạng.
DN tư nhân ngày càng đông lên, nhưng có những chỉ dấu cho thấy “đội ngũ thuyền thúng” này đang ngày càng yếu đi, trong khi gần như không có sức cạnh tranh. Một báo cáo của Ban Kinh tế Trung ương từng chỉ ra vấn đề hiệu suất của khu vực kinh tế tư nhân đang ngày một suy giảm. Quy mô sử dụng lao động giảm, trong khi mức đầu tư vốn tăng lên hoàn toàn không đi kèm với sự gia tăng tương ứng về năng suất lao động. Và ngay cả “Hiệu suất sinh lời trên vốn kinh doanh” cũng đang ngày càng tụt dần.
Khó khăn, chật vật, mong manh giữa tồn tại và phá sản. Những mối nguy ấy rất cần được nhìn nhận. Bởi nếu chỉ kiến tạo từ Chính phủ trong khi rào cản từ khắp nơi thì làm sao “hạm đội” ấy có thể phát triển được.