Doanh nghiệp có thể sập tiệm vì nạn tin giả

Từng xảy ra một hoang tin sầu riêng nhiễm chất gây ung thư, lập tức người trồng sầu riêng ôm mối sầu chung cả núi hàng không bán được. Tương tự, tin trứng gà nhiễm chất gây ung thư đã làm cho nhiều hộ nuôi gà kêu trời.

Dân mình đang bị ám ảnh về bệnh hiểm nghèo, đặc biệt là ung thư, cho nên khi nghe nói đến thực phẩm nào có nhiễm chất gây ung thư thì sợ hãi tránh xa. Chưa kể, đối với nhiều loại sản phẩm hàng hóa khác, một lời đồn ác ý có thể giết chết sản phẩm đó.
Đọc bài “Luật nào bảo vệ doanh nghiệp trước tin giả” trên Thời báo Kinh Tế Sài Gòn, tôi thấy tác giả Bảo Uyên đã đặt ra một vấn đề rất đúng, rất sát với thực tế đời sống xã hội hiện nay. Nhiều doanh nghiệp điêu đứng vì một thông tin giả, thậm chí thông tin không chính xác từ phía cơ quan nhà nước.

Năm trước, Viet Foods bị Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội tạm giữ và phạt hành chính vì nghi sản phẩm có chứa chất gây ung thư, ngay lập tức, công ty bị người tiêu dùng quay lưng, thiệt hại vô cùng lớn. Ngay cả khi được “minh oan”, Viet Foods cũng đã mất hết uy tín thương hiệu. Gầy dựng thương hiệu bao nhiêu năm, lại bị sụp đổ vì một tin đồn, một kết luận hay phát ngôn vô trách nhiệm của cơ quan nào đó.

Tác giả còn đưa ra dẫn chứng, Suntory PepsiCo Việt Nam từng gánh chịu thiệt hại lớn về doanh thu vào năm 2016 vì chuyện tin đồn. Thông tin kèm hình ảnh 15 học sinh chết vì uống Sting ở Tuyên Quang nhận được hàng chục ngàn lượt chia sẻ trên Facebook, người tiêu dùng tẩy chay, doanh nghiệp điên đảo.

Tân Hiệp Phát của tui đã chịu quá nhiều cay đắng vì tin đồn, vì sự tấn công ác ý của đối thủ cạnh tranh hoặc vì ai đó. Cũng có người đưa tin giả không vì mục đích gì ngoài “mục đích” ghét người khác làm giàu, nói xấu về một doanh nghiệp thích hơn là nói tốt về họ. Có người lên tiếng đòi tẩy chay Tân Hiệp Phát, nhưng tui tin rằng, họ không hiểu gì về Tân Hiệp Phát.

Nguy hiểm nhất là đối thủ cạnh tranh đưa ra một chiến dịch phá hoại thương hiệu của một doanh nghiệp bằng tin đồn. Họ dựng lên một nhóm facebooker rao truyền hàng loạt tin xấu về một sản phẩm, thậm chí về cá nhân chủ doanh nghiệp. Người tiêu dùng khiếp sợ hoặc ghét bỏ, thậm chí thù hận đối với chủ doanh nghiệp chỉ qua những tin đồn.

Điều đáng tiếc là có quá ít người đủ tỉnh táo phân tích thông tin, phân tích và đánh giá sự việc một cách khách quan, công tâm.
Và vấn đề đặt ra là doanh nghiệp bị giết chết vì những tin giả như vậy, nhưng làm sao ngăn chặn cái xấu, bảo vệ những người làm ăn chân chính? Nếu như tin đưa sai trên báo chí chính thống thì còn có cửa để thưa kiện, đính chính, còn share trên mạng xã hội thì thưa ai, kiện ai? Chưa kể, chưa kiện thắng được một vụ việc, thì doanh nghiệp đã sập tiệm hoặc có thắng kiện cũng không có khả năng lấy lại uy tín thương hiệu.

Mong nhà nước tìm được giải pháp ngăn chặn nạn đưa tin giả, vì bất cứ doanh nghiệp nào cũng có thể gặp nguy hiểm vì tin giả.

Trần Quí Thanh

Quang cảnh hội thảo “Phát ngôn gây thù ghét và các giải pháp hướng tới một môi trường mạng xã hội an toàn và phát triển bền vững”. Ảnh: Bảo Uyên
Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *