“Learning and sharing” là sứ mệnh của tôi

Ông Nguyễn Văn Tư xưa là thầy của tui, nay là thầy của THP trong vai trò “đào tạo và phát triển đội ngũ nhân tài cho THP”. Là giám đốc khối Phát triển và Dự án, ông luôn được tuyên dương “Cá nhân có thành tích đào tạo và phát triển được nhiều nhất các cán bộ chủ chốt và thợ lành nghề”. Đây là bài phỏng vấn ông Tư nói về sự nghiệp đào tạo 20 năm qua. Có người nói như thầy làm như thợ, có người nói như thợ làm như thầy, ông Tư nói như thầy, làm cũng như thầy.
Xin phép đại gia sư đăng  bài này trên blog của tui nha.

Trần Quí Thanh
—–

Cơ duyên nào đưa chú đến với công tác đào tạo người cho THP?

Cơ duyên đó bắt nguồn từ cơ hội được làm việc và được Sếp Thanh huấn luyện trong thời kỳ đầu. Khi được giao quản lý tổng quát về kỹ thuật và sản xuất, sau một thời gian nỗ lực làm việc nhưng kết quả không như mong đợi, tôi mới ngộ ra rằng “ôm việc vào mình, làm thay công việc người khác thì năng suất sẽ thấp”. Trăn trở mãi về việc làm thế nào có năng suất, tôi phát hiện: À thì ra xung quanh mình là con người chứ không phải đội ngũ. Để công việc có hiệu quả và năng suất cần phải có đội ngũ và đội ngũ ấy phải nhiệt huyết và chuyên nghiệp. Mà để có đội ngũ mình cần phải đào tạo.

Thế là “máu giảng viên”của 5 năm tham gia giảng dạy khoa Hóa Đại học trỗi dậy. Đào tạo là cơ hội để tôi được chia sẻ kiến thức, trải nghiệm và đào tạo đội ngũ trong công việc. Xây dựng đội ngũ gần nhất cho mình là khoi R&D và tung vào các bộ phận sản xuất, QA, QC…

Không phải ai cũng có thể trở thành giảng viên được, chú có thể chia sẻ phương pháp đào tạo của mình?

(Cười). Bạn biết đó: “Cách làm như cũ, kết quả như cũ”. Vì vậy nuốn có kết quả tốt hơn (new result), ta phải có hành động mới (new action), đồng nghĩa với việc phải có being mới. Nếu bạn nghĩ việc này bạn làm chủ và có mục đích rõ ràng, bạn sẽ làm hết mình để công việc của bạn thành công. Đây chính là phương pháp thay đổi chính mình mà tôi đã áp dụng: Dr. Thanh đã triển khai chương trình đào tạo Landmark technology cho đội ngũ Super team của công ty THP.

Suy nghĩ cũng chưa thể tạo nên kết quả nếu bạn không hành động, không lên được kế hoạch thực hiện và chăm chút cho nó. Đào tạo cũng vậy, hãy tạo động lực và môi trường để đội ngũ thay đổi. Đặt ra mục tiêu thách thức càng lớn để họ phấn đấu và nỗ lực nhiều hơn. Luôn bên họ, truyền lửa và giúp họ thay đổi, khi thành công cũng như thất bại, họ nhận ra được năng lực của chính mình và vun đắp sự đam mê thành công của đội ngũ càng lớn hơn.

Không chỉ thể hiện ở những người gắn bó lâu năm, đội ngũ trẻ của chú rất “chất lượng”, chú có thể chia sẻ bí quyết?

Như một nguyên tắc bất thành văn, yêu cầu đầu vào tuyển dụng nhân sự của R&D phải tốt: điểm trung bình (GPA) trên 7.5, tiếng Anh tốt (TOIEC trên 750 hoặc tương đương), tốt nghiệp ở những trường đại học có tiếng. Để tuyển được một nhân sự, R&D dành 3 ngày sắp xếp và quan sát ứng viên khi cho họ “sống và làm việc” cùng đội ngũ R&D. Qua đó phát hiện thái độ, kiến thức chuyên môn,  kỹ năng quản lý hay tố chất lãnh đạo của ứng viên. Khi ứng viên có tố chất lãnh đạo, việc đào tạo họ dễ dàng hơn.

Khi phát hiện đúng người, phải lập kế hoạch và lộ trình đào tạo. Thông thường có hai cách đào tạo: Thứ nhất, mỗi cá nhân đều có điểm mạnh và điểm yếu; chúng ta cần phát triển điểm mạnh, đến lúc nào đó điểm mạnh sẽ được phát huy tối đa và lấn át các điểm yếu. Thứ hai, trong quá trình huấn luyện họ, ta phát hiện “điểm mù” của chính họ (điểm mù là những điểm/sự việc mà bản thân bạn không biết là mình không biết). Từ đó, điều chỉnh cái chưa hoàn thiện qua “điểm mù” của mỗi người, tự thấy mình thiếu gì và tự learning (học-hỏi; học-tập; học-hành) để phát triển và khẳng định bản thân. Sau một thời gian,  chúng ta sẽ vạch hướng đi nghề nghiệp cho họ. Và bản thân họ phải “learning” không ngừng để đạt đến đích mà họ đang “being”.  

Không chính thức nhưng dường như đào tạo là sứ mệnh của chú?

“Learning and sharing” là sứ mệnh của tôi. Tôi đến với mọi người và chia sẻ bằng trái tim. Nhìn thấy các bạn thành công, chúng tôi sướng, sướng lắm. Bản thân tôi cũng học, học mãi, học từ mọi thứ dù không có bằng cấp gì. Tôi học cái hay của người này và chia sẻ với người khác. Và cứ thế vòng tròn “learning and sharing” sẽ liên tục mãi. Và tôi mong muốn: mọi người cũng có tinh thần đó để cùng xây dựng THP phát triển hơn nữa. Tại THP, cũng có rất nhiều anh chị cũng đang thầm lặng thực hiện công việc đào tạo và phát triển đội ngũ vì một mục tiêu tồn tại và phát triển bền vững của THP.

Cảm ơn chú về những chia sẻ đầy thú vị này. Chúc chú sức khỏe và tiếp tục thành công nhiều hơn nữa trong công tác đào tạo người cho THP.

THANH XUÂN
Thầy Tư (người cầm loa) dẫn đoàn thăm quan nhà máy Aseptic
Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *