Dũng Nguyễn / Kinh tế Sài Gòn
Một trong lĩnh vực chịu ảnh hưởng lớn là dệt may, nơi thị trường Mỹ chiếm đến 43% tỷ trọng giá trị xuất khẩu, theo báo cáo cập nhật nhanh ngành dệt may 9 tháng đầu năm 2022 của Công ty chứng khoán VNDirect.
Lấy ví dụ như Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (mã cổ phiếu TNG) có phần lớn dư nợ vay bằng đô la Mỹ. Ước tính, tỷ giá tăng trong nửa đầu năm đã khiến cho TNG ghi nhận lỗ 11 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm, trong khi cùng kỳ lãi 6 tỉ đồng.
“Tỷ giá vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt nên các doanh nghiệp có tỷ lệ nợ vay nước ngoài cao như TNG sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi tình hình biến động trên thị trường”, báo cáo VND nhận định.
Cùng với dệt may, nhiều ngành khác cũng chịu ảnh hưởng lớn khi tỷ giá tăng cao. Theo đánh giá của Công ty chứng khoán Maybank IB, hồi đầu tuần này, các ngành chịu ảnh hưởng tiêu cực khi tỷ giá tăng còn bao gồm hàng không, ngành sản xuất nhập khẩu nguyên vật liệu và các tập đoàn đa ngành.
Chẳng hạn, lĩnh vực hàng không gặp thách thức vì chi phí thuê máy bay chiếm phần lớn chi phí và phải trả bằng đô la, trong khi doanh thu quốc tế vẫn chưa trở lại kể từ sau đại dịch.
Tương tự, các nhóm ngành như thép nhập khẩu nguyên liệu cũng phải trả bằng đô la, một số khoản nợ cũng là đồng bạc xanh này. Với nhóm ngành tiện ích năng lượng, phần lớn lỗ chênh lệch tỷ giá khi đánh giá lại các khoản nợ.
Ước tính sơ bộ của Công ty chứng khoán SSI từ báo cáo giữa năm, ở trường hợp của Công ty cổ phần thép Hòa Phát (mã cổ phiếu HPG), ước tính tỷ giá tăng 1 phần trăm sẽ dẫn đến lỗ tỷ giá khoảng 500 tỉ đồng, tương đương khoảng 2,5% lợi nhuận sau thuế năm 2022. Tương tự với Tổng công ty hàng không Việt Nam (mã cổ phiếu HVN), mức lỗ vì tỷ giá là khoảng 210 tỉ đồng, tương đương 6% lợi nhuận trước thuế năm 2019 (giai đoạn trước Covid-19).
Các tập đoàn đa ngành cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực khi nợ bằng đô la sẽ làm tăng chi phí tài chính và các khoản lỗ chênh lệch tỷ giá tiềm ẩn chưa thực hiện. Một trong các giải pháp là trích lập dự phòng, từ đó ảnh hưởng đến lợi nhuận trong kỳ. Hiện nay, rủi ro tỷ giá ở nhiều doanh nghiệp được đánh giá chung là dự phòng đầy đủ và ở mức thấp so với tổng tài sản của doanh nghiệp đó.
Mặc dù nhiều đơn vị phân tích đánh giá các tập đoàn lớn có thể quản lý biến động và rủi ro tỷ giá nhưng nếu tỷ giá quá mạnh vào cuối năm thì tình hình tài chính trong năm nay rõ ràng cũng sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.
Nhận định về áp lực tỷ giá, chia sẻ trong buổi hội thảo gần đây, ông Đặng Ngọc Cảnh, Giám đốc phân tích Kinh tế và thị trường tài chính, Ngân hàng Techcombank, cho rằng tỷ giá tăng khiến cho các doanh nghiệp nhập khẩu, các doanh nghiệp vay ngoại tệ phải chịu áp lực lớn, đặc biệt là những doanh nghiệp không có nguồn thu ngoại tệ để cân đối.
Theo ông Andy Ho, Tổng giám đốc Hội đồng đầu tư của Công ty quản lý quỹ VinaCapital, tỷ giá tăng khiến cho doanh nghiệp vay bằng đô la sẽ có động lực tìm đô la để trả bớt gốc, lãi từ đó tăng nhu cầu mua đô la. Áp lực này cũng làm tăng giá trị đô la và giảm giá trị tiền đồng, tuy nhiên không chỉ có Việt Nam mà hầu như quốc gia nào cũng phải đối diện với tình trạng này.
Theo khuyến nghị chung của nhiều chuyên gia, trong bối cảnh lạm phát toàn cầu tiếp tục xu hướng tăng cao thì cần phải xác định “sống chung” với mặt bằng tỷ giá mới. Theo đó, các doanh nghiệp cần tự vạch rõ giới hạn cho sức khỏe tài chính của mình, tính toán thông số tỷ giá cho phù hợp trong bảng tính kế hoạch quí 4 năm nay và cả năm sau.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/doanh-nghiep-gap-kho-khi-ty-gia-tang-cao/