Quỳnh Trang – VNExpress
Vay ngân hàng đã “dễ thở” hơn nhưng lãi suất cao cộng sức mua yếu đang tạo áp lực kép khiến doanh nghiệp đứng trước bài toán giảm quy mô.
Bà Lâm Thúy Ái, Chủ tịch hội đồng thành viên của Mebi Group – doanh nghiệp thuộc lĩnh vực cung cấp thuốc thú y cho biết đang có khoản vay lưu động với lãi suất 8,5% tại một ngân hàng có vốn nhà nước. Việc giải ngân khoản vay, theo chủ doanh nghiệp này, diễn ra suôn sẻ và không còn đứt đoạn như cách đây một tháng. “Tình trạng bị cắt giải ngân sau khi đáo hạn khoản vay không còn diễn ra như giai đoạn trước – khi ngân hàng kẹt room”, bà nói.
Ông Hoàng Linh, chủ một doanh nghiệp vận tải trên địa bàn TP HCM cũng chung nhận xét dòng vốn ngân hàng giải ngân đã trôi chảy hơn sau khi Ngân hàng Nhà nước nới “room”. Tuy nhiên, lãi suất, theo ông vẫn đang neo cao và tạo áp lực lên doanh nghiệp.
Khoản vay lưu động của doanh nghiệp vận tải này tại VietinBank và MB chịu mức lãi suất tương ứng là 8,8% và 10% một năm, tăng từ 2% đến 2,5% so với đầu năm. Còn với khoản vay trung dài hạn tại VietinBank, doanh nghiệp đang trả mức lãi suất 12% một năm.
Hàng tháng, khoản chi phí lãi vay dao động từ 40 đến 50 triệu đồng vẫn nằm trong sức chịu đựng của doanh nghiệp nhưng tình hình sang năm có thể xấu đi. Trong bối cảnh doanh thu sụt giảm, đối tác nợ tiền hàng, doanh nghiệp vẫn cần nguồn vốn ngân hàng để duy trì mặt bằng và chi phí lương thưởng cho nhân viên cuối năm. “Tuy nhiên nếu lãi suất cao đi kèm tình trạng ‘ảm đạm’ kéo dài thêm hai quý, chúng tôi buộc phải thu hẹp quy mô kinh doanh”, ông nói. Mà trên thực tế, điều này theo ông Linh, đã xảy ra với nhiều doanh nghiệp bạn trong ngành vận tải.
Ông Tâm An, chủ doanh nghiệp vận tải chuyên chở hàng cho các siêu thị địa bàn miền Nam, cho biết đang có khoản tín dụng hơn 20 tỷ đồng tại hai nhà băng có vốn nhà nước. Trong đó, khoản vay vốn lưu động lãi suất 7,5% tại Vietcombank là mức lãi suất tốt nhất thị trường – đang được giảm thêm 1% trong tháng cuối năm. Khoản vay còn lại tại VietinBank lãi suất hơn 9% một năm.
Nhiều ngân hàng truyền thông chính sách giảm lãi suất nhưng thực tế mức giảm đồng bộ chỉ áp dụng trong thời gian ngắn (một tháng) tại nhóm nhà băng quốc doanh như Vietcombank và Agribank. Với những ngân hàng còn lại, chính sách giảm lãi suất áp dụng cho người vay mới hoặc chỉ một nhóm đối tượng nhất định. Mặt bằng lãi suất đầu ra vẫn đang ở mức cao.
Có sự khác biệt giữa từng doanh nghiệp và lĩnh vực, nhưng theo khảo sát của VnExpress, khoản vay lưu động của doanh nghiệp thông thường tại nhóm nhà băng có vốn nhà nước dao động từ 8% đến 9% một năm, còn tại nhóm ngân hàng tư nhân, lãi suất dao động từ 10% đến 12%, tăng ít nhất 2-2,5% so với đầu năm. Mức lãi suất này chưa kể đến các loại phí hoặc bảo hiểm “bán bia kèm lạc” tương đương 2-3% giá trị khoản vay.
Còn với nhóm khách hàng cá nhân, lãi suất vay thế chấp đã lên tới mốc 16% một năm – đang tạo áp lực lớn đặc biệt lên nhóm người vay mua nhà đất. Cụ thể, lãi suất thả nổi đã lên 11-12% tại nhóm ngân hàng có vốn nhà nước và 15-16% tại khối nhà băng tư nhân.
Với những khoản giải ngân mới, lãi suất ưu đãi năm đầu tiên cũng chỉ thấp hơn 0,5-1% so với thả nổi. Cộng thêm khoản phí hoặc gói mua bảo hiểm đi kèm 3-4% giá trị khoản vay, người đi vay thời điểm này có thể phải trả mức lãi suất lên tới 19% một năm trong năm đầu tiên.
Chi phí đi vay ngày một đắt đỏ trong bối cảnh lãi suất huy động liên tục dâng cao. Gần đây, Ngân hàng Nhà nước đã có động thái cứng rắn để ngăn cuộc đua huy động ở nhóm ngân hàng quy mô vừa và nhỏ. Sau khi một vài nhà băng đua lãi suất huy động lên tới 12% một năm, nhà điều hành đã phải vào cuộc giúp cuộc đua có phần hạ nhiệt. Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất huy động hiện cũng đang ở mức rất cao. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng hiện nay dao động từ 7,4-7,5% ở nhóm ngân hàng quốc doanh và 9-11,5% ở nhóm ngân hàng tư nhân.
Theo các chuyên gia, mặt bằng lãi suất khó hạ nhiệt sớm trong bối cảnh ngân hàng vẫn khó khăn huy động tiền. Cung tiền thấp, giải ngân đầu tư công khó khởi sắc trong khi một phần tiền của người dân “kẹt'” trong trái phiếu doanh nghiệp dự kiến là những trở ngại tới việc huy động vốn của hệ thống ngân hàng.
Lãi suất lên cao đang là bài toán đau đầu mà nếu không sớm kiểm soát được, theo chủ doanh nghiệp, sẽ đặt họ đứng trước lựa chọn thu hẹp hoặc thậm chí là đình trệ sản xuất kinh doanh.
Trong bối cảnh nhiều biến động, nhân viên một nhà băng tư nhân cũng chia sẻ tâm lý thận trọng khi giải ngân hiện nay. “Nhiều doanh nghiệp nộp hồ sơ trước đó tình hình tài chính vẫn còn tốt, nhưng tới nay, họ có thể không còn tốt nữa”, người này nói.
Với trường hợp của ông Tâm An, doanh nghiệp của ông gặp khó khăn khi muốn vay vốn thêm để kịp chi trả lương thưởng trước Tết dương lịch cho người lao động. Hai nhà băng đang cấp tín dụng cho doanh nghiệp đã từ chối cho vay thêm. “Thị trường bất động sản đứng im khiến ngân hàng định giá tài sản đảm bảo là bất động sản của chúng tôi nay chỉ còn một nửa so với trước. Vì thế, họ từ chối giải ngân thêm”, ông nói.
Tìm sang hai nhà băng tư nhân khác nhưng doanh nghiệp lại phải chờ đợt giải ngân năm tới, do hai đơn vị này kín “room”. Lãi suất tại hai nhà băng này thậm lên tới 13% một năm, chưa kể phải mua kèm khoản bảo hiểm 2,5% khoản vay. “Không kịp xoay dòng tiền nên lương thưởng của nhân viên đành phải lùi lại sang năm”, ông An chia sẻ.
Trong tháng cuối năm, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng (VNBA) cho biết Ngân hàng Nhà nước phân bổ thêm khoảng 180.000-200.000 tỷ đồng cho các ngân hàng và công ty tài chính.
Trong đó, theo tìm hiểu của VnExpress, “room” tín dụng cho 4 ngân hàng có vốn nhà nước là 56.000 tỷ đồng (gồm Agribank không xin thêm). Với một số ngân hàng tư nhân khác, “room” mới khoảng vài nghìn tỷ đồng tuỳ xếp hạng.
Tới nay, một số đơn vị đã giải ngân gần hết “room” mới. Như tại BIDV, nhà băng được cấp thêm 27.000 tỷ đồng tín dụng đợt này, nhân viên tín dụng tại chi nhánh lớn địa bàn Hà Nội cho biết việc giải ngân sau hơn một tuần lại diễn ra cầm chừng. Tại một vài nhà băng tư nhân được nới “room” hạn chế, tăng trưởng tín dụng cũng đã chạm trần.
Trong khi đó, diễn biến này lại trái ngược tại nhóm ngân hàng nước ngoài. Theo một lãnh đạo việc nới “room” lần này nằm ngoài dự tính của nhà băng bởi mọi năm, họ thường không nằm trong danh sách được ưu tiên. Vì thế, từ khi được giao thêm chỉ tiêu, nhà băng này đã giảm lãi suất vay mới và phải tích cực “chạy đua” giải ngân cho khách hàng.
Trước đó, nhiều chuyên gia lo ngại về khả năng giải ngân kịp 200.000 tỷ trong tháng cuối năm. Nhưng theo lãnh đạo một nhà băng tư nhân, cùng với sự hỗ trợ thanh khoản từ Ngân hàng Nhà nước, các đơn vị trong diện được cấp “room” sẽ tăng trưởng hết hạn mức được giao trước nhu cầu tín dụng lớn vào cuối năm.
Nguồn: https://vnexpress.net/doanh-nghiep-gong-lai-di-vay-4552213.html